Ẩn số thoái vốn tại Vinamilk khi khối ngoại “ép giá”

Ẩn số thoái vốn tại Vinamilk khi khối ngoại “ép giá”

(ĐTCK) Trước thềm buổi giới thiệu đợt thoái vốn nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) ngày 21/11, có 2 yếu tố được nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là giá khởi điểm và cách thức bán vẫn còn chờ Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, một số thông tin liên quan đã được các bên chia sẻ.

Khối ngoại đang ép giá?

Một nguồn tin từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, giá khởi điểm và cách thức, cơ sở xác định giá khởi điểm khi thoái vốn tại VNM đã được Tổng công ty và các đơn vị tư vấn trình lên Bộ Tài chính quyết định. SCIC là đơn vị tham mưu, không có quyền quyết định mức giá khởi điểm. Mức giá này có cao hơn thị giá cổ phiếu VNM trên sàn? Câu trả lời được SCIC bỏ ngỏ.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, cổ phiếu VNM được giao dịch khá sôi động. Đáng lưu ý, khối ngoại có động thái bán ra cổ phiếu này.

Cụ thể, Dragon Capital đăng ký bán gần 1,2 triệu đơn vị, The CH/SE Asia investment Holdings (Singapore) Pte Ltd đăng ký bán 236.865 đơn vị, Amersham Industries Limited đăng ký bán 1.620.000 đơn vị, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) đăng ký bán 336.070 đơn vị…

Diễn biến trên khiến cổ phiếu VNM giảm giá về mức 137.000 đồng/cổ phiếu, từ mức xấp xỉ 150.000 đồng/cổ phiếu được xác lập vào cuối tháng 10.

Một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, áp lực chốt lời đã tác động đến giá cổ phiếu VNM. Chỉ tính riêng tháng 8, giá cổ phiếu này đã tăng 21%. Còn tính từ đầu năm đến nay, mức tăng giá là xấp xỉ 40%.

Hiện cổ phiếu VNM đang được giao dịch ở mức P/E 21 - 23 lần, so với mức bình quân ngành trong khu vực là 25 - 27 lần. Theo đó, giá VNM không quá đắt. Lợi nhuận VNM nhìn chung vẫn vượt trội, chỉ số phản ánh chính xác hơn tương quan giữa các cổ phiếu so với chỉ số P/E đơn thuần là PEG đạt trên 20 cho thấy, VNM an toàn để đầu tư. Tuy nhiên, giống như một cô gái mang áo dài truyền thống, vẻ hấp dẫn của VNM dường như ít hơn so với một số cổ phiếu khác như Sabeco, Vissan…, được ví với hình ảnh của những cô nàng trẻ trung, nóng bỏng.

Một trong những cơ sở để định giá VNM có lẽ là dòng tiền và lợi nhuận giả định trong một vài năm tới. Thông thường, đến thời điểm này của năm, ẩn số lớn nhất với lợi nhuận của VNM là giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đã đạt được thỏa thuận (chiếm 75% giá nguyên liệu đầu vào). Tại buổi giới thiệu ngày 21/11, kỳ vọng Tổng giám đốc VNM, bà Mai Kiều Liên sẽ “bật mí” ẩn số này để làm rõ tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của Công ty, ít nhất trong năm 2017.

Nguồn tin thân cận với VNM cho biết, dự báo trúng và chốt được giá nguyên liệu hợp lý cho năm 2016 là một trong những yếu tố giúp Công ty duy trì được kết quả kinh doanh vượt trội trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh quyết liệt.

Chưa chốt cách thức bán

Vốn hóa hiện tại của VNM đạt trên 9 tỷ USD. Giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu VNM đã tăng lên 9 triệu USD sau khi bỏ trần sở hữu nước ngoài vào tháng 7. SCIC sẽ bán 9% cổ phiếu VNM trong tháng 11 này (hiện Tổng công ty đang nắm giữ 45%). Với thị giá VNM hiện tại, lô cổ phiếu trên có giá trị khoảng 900 triệu USD (tương đương 18.000 - 19.000 tỷ đồng). Nếu để nguyên cả lô để giao dịch, rất ít nhà đầu tư có khả năng tham gia cuộc chơi này.

Vậy SCIC sẽ bán VNM như thế nào? Chia thành các lô ra sao, hay để nhà đầu tư chủ động đăng ký số lượng theo nhu cầu? Trao đổi với báo giới gần đây, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC để ngỏ câu trả lời và cho biết, điều này còn tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, mức độ quan tâm của nhà đầu tư, thậm chí cả các cuộc trao đổi, thỏa thuận giữa bên mua và bán.

Cận buổi giới thiệu ngày 21/11 về đợt thoái vốn, nguồn tin từ SCIC cho biết, các kịch bản và phương án bán đã được trình lên Bộ Tài chính. Khi được Bộ phê duyệt, SCIC sẽ công bố ra thị trường.

Nguồn tin trên chia sẻ, để thu hút nhà đầu tư tham gia (chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài), SCIC đã đề xuất với Bộ Tài chính một số cơ chế mới. Chẳng hạn, cho phép nhà đầu tư đặt cọc bằng ngoại tệ thay vì chỉ bằng tiền đồng như hiện nay. Việc này xuất phát từ thực tế, nhà đầu tư phản ánh rằng, họ không thực sự thuận lợi khi chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng đặt cọc, trong trường hợp không trúng giá lại phải chuyển đổi sang ngoại tệ để rút về.

Giá trị đợt thoái vốn lớn, nhưng do số cổ phần thoái vốn lần này chỉ chiếm 9% vốn điều lệ của VNM nên theo quy định, bên mua có đặt mua toàn bộ số cổ phần chào bán cũng không phải công bố thông tin chào mua công khai. Bởi vậy, thị trường khó có cơ hội nắm được thông tin những “đại gia” nào sẽ tham gia cuộc đua kỳ thú này. 

Tin bài liên quan