Ai sẽ bỏ 96 tỷ đồng để “vào mâm” chiến lược FID?

Ai sẽ bỏ 96 tỷ đồng để “vào mâm” chiến lược FID?

(ĐTCK) Trong khi thị giá cổ phiếu chỉ còn 1.700 đồng/cổ phiếu thì giá chào bán 9,6 triệu cổ phiếu mới, mời gọi nhà đầu tư chiến lược được FID đưa ra lên đến 10.000 đồng/cổ phiếu. Ai sẽ bỏ 96 tỷ đồng để “vào mâm” chiến lược tại FID khi doanh nghiệp này từng xảy ra chuyện bất thường trong huy động vốn?

Vào diện kiểm soát vì huy động vốn

Phải nói ngay rằng đây không phải lần đầu tiên CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (mã FID, niêm yết trên HNX ngày 20/5/2015) gây chú ý về vấn đề huy động vốn. Chuyện chào bán, sử dụng vốn huy động của FID đã “lùm xùm” trong suốt năm 2016, trở thành nguyên nhân đẩy cổ phiếu vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch.

Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 5/2016, FID chào bán 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, thu về 110 tỷ đồng. Trong đợt chào bán này, chỉ có hơn 3 triệu cổ phiếu được chào bán thành công, dù thị giá khi đó khá gần giá phát hành 10.000 đồng/CP. Hơn 7,8 triệu cổ phiếu còn lại được phân phối lại cho 8 cá nhân với thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Ai sẽ bỏ 96 tỷ đồng để “vào mâm” chiến lược FID? ảnh 1

Tuy nhiên, sau khi huy động được vốn, mục đích sử dụng vốn liên tục bị thay đổi. Từ kế hoạch ban đầu là đầu tư vào Công ty TNHH Vận tải Thái Bình Đông Á, CTCP Đầu tư Xây lắp và thương mại Việt Nam (VIT) và bổ sung vốn lưu động, tại ĐHCĐ bất thường tháng 9/2016, FID thông qua việc chuyển thành góp vốn vào VIT và 2 công ty khác là CTCP Khoáng sản Hòa Bình THT, CTCP Thương mại và đầu tư VCI Việt Nam.

Tại ĐHCĐ bất thường cuối tháng 2 vừa qua, FID lại một lần nữa điều chỉnh phương án sử dụng vốn. Cụ thể, FID sẽ dùng 70 tỷ đồng mua 350.000 cổ phần của ông Hà Xuân Trường tại CTCP Gang thép Công nghiệp Việt Nam; 20 tỷ đồng mua lại 1 triệu cổ phần của ông Hà Tiến Dũng tại CTCP Đầu tư và phát triển Công nghiệp Hà Thái; 70 tỷ đồng (sử dụng thêm một phần vốn khác của Công ty) mua 3,5 triệu cổ phần của bà Hoàng Quế Lan tại CTCP Đầu tư thương mại Thanh Thủy.

Cũng tại Đại hội tháng 2 vừa qua, ông Hà Xuân Trường và bà Hoàng Quế Lan đã được bầu vào HĐQT FID. Trước đó, ông Hà Xuân Trường được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ đầu năm 2017.

Kể từ sau kỳ đại hội bất thường tháng 9/2016, một loạt vấn đề mà cổ đông thông qua trong cuộc họp này đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”. Sau đó, HNX đã ra quyết định đưa FID vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch do có dấu hiệu không minh bạch trong việc sử dụng vốn huy động từ đợt chào bán, không tuân thủ quy trình quản trị trong việc triệu tập, tổ chức thông qua các nghị quyết Đại hội, HĐQT, Ban Kiểm soát. Dù Công ty đã ra thông báo giải trình, nhưng không có tín hiệu nào cho thấy tình trạng trên được thay đổi. 

Không còn cổ đông lớn, ai kiểm soát FID dùng tiền?

Theo bản cáo bạch trước khi niêm yết, nhóm cổ đông lớn của FID là CTCP Finway sở hữu 10%, ông Bùi Đình Như sở hữu 8%, ông Hoàng Ngọc Chiến và Lê Đức Tự lần lượt sở hữu 5% vốn. Trong đợt phát hành tháng 3 - 4/2016, 7,8 triệu cổ phiếu không phát hành thành công đã được nhóm cổ đông nói trên cùng 4 cá nhân khác đứng ra mua lại, nâng số cổ phần được cổ đông lớn nắm giữ lên 41,29%.

Sau đợt huy động vốn này, tháng 6, 7/2016, giá cổ phiếu FID tăng mạnh bất thường với thanh khoản đột biến. Tận dụng cơ hội, hàng loạt thành viên Hội đồng quản trị FID, từ Chủ tịch đến các ủy viên tranh thủ đăng ký bán và nhiều người bán thành công lượng lớn cổ phiếu ra thị trường.

Đến tháng 12/2016, khi thị giá FID sụt giảm mạnh với chuỗi phiên sàn dường như vô tận, nhiều thành viên Hội đồng quản trị lại đăng ký mua vào, nhưng kết quả là hầu như không ai thực hiện. Danh sách cổ đông của Công ty hiện nay không còn cổ đông lớn, hầu hết cổ phiếu do các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài nắm giữ.

Về sức khỏe tài chính, báo cáo gần nhất, công bố tháng 4/2016 cho biết, 92% tài sản của Công ty nằm ở các khoản phải thu ngắn và dài hạn, doanh thu và lợi nhuận của Công ty sau 1 năm lên sàn sụt giảm mạnh, chỉ bằng trên dưới 1/3 con số ghi nhận theo báo cáo 2015. Trớ trêu cho cổ đông hiện hữu khi tốc độ tăng vốn của Công ty cao bao nhiêu thì tốc độ sụt giảm hiệu quả kinh doanh giảm mạnh bấy nhiêu!

Thêm một yếu tố nữa chưa được giải mã là mối quan hệ của FID với CTCP Khoáng sản Miền Trung (MTM) hiện đang bị cơ quan công an điều tra. Trong hồ sơ của MTM, năm 2014 và 2015, có 16 hóa đơn với FID với tổng giá trị 85 tỷ đồng. Khi MTM yêu cầu đối chiếu xác nhận công nợ thì FID trả lời là chỉ mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, đầu ra, không có hàng hóa kèm theo.

Ai sẵn lòng mua FID với giá gấp 6 lần thị giá?

Trong khi dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về tính minh bạch của FID, độ tin cậy của các con số doanh thu, lợi nhuận, công nợ trong báo cáo tài chính trước và sau khi lên sàn, thì ngày 22/2/2017, FID lại tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua kế hoạch… tăng vốn.

Theo đó, FID dự kiến chào bán riêng 9,6 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động vốn nhằm mục đích mua 80% cổ phần của CTCP Công nghệ môi trường và nước sạch Việt Nam. Mục tiêu là nắm quyền khai thác mỏ cát với trữ lượng hơn 2,5 triệu m3, công suất 90.000 m3/năm và thời hạn khai thác 29 năm tính từ năm 2011 của doanh nghiệp này.

Phải chăng tại FID, có nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp mà thị trường chưa thấy, sẵn sàng góp vốn với giá cao nhằm mục đích thâu tóm, chi phối…? Cần lưu ý rằng, với 9,6 triệu cổ phiếu nếu được phát hành thành công, nhà đầu tư chiến lược cũng chỉ nắm được 29% vốn điều lệ, chưa đủ để có tiếng nói quyết định các vấn đề hoạt động của FID.

Câu chuyện về những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu giá cao hơn thị giá trên sàn từng xảy ra trên thị trường năm vừa qua. Việc mua cổ phiếu cao hơn thị giá có thể đến từ nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp có những dự án tiềm năng “vụt sáng”, nhưng cũng có thể đơn thuần là một thủ thuật “thu xếp vốn” của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp của FID, “nhà đầu tư chiến lược” nào sẽ chấp nhận mua cổ phiếu với giá cao gấp 6 lần thị giá, trong khi cổ phiếu đang trong diện kiểm soát, hạn chế giao dịch; tính minh bạch của doanh nghiệp bị đặt nhiều dấu hỏi? Phải chăng doanh nghiệp đang vẽ ra một kế hoạch “trên giấy” hay đằng sau là những câu chuyện khác, chỉ người trong cuộc mới rõ?

Tin bài liên quan