Theo nguyên tắc đối vốn, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu BIDV và Vietinbank trả cổ tức bằng tiền

Theo nguyên tắc đối vốn, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu BIDV và Vietinbank trả cổ tức bằng tiền

Ai làm chủ và ai có quyền quyết cổ tức tại doanh nghiệp?

(ĐTCK) Một cách hiểu thông thường, tại doanh nghiệp, mọi quyết định được thông qua theo nguyên tắc đối vốn. 

Tuy nhiên, với những quy định liên quan đến tính cẩn trọng của người quản lý, đặc biệt là sự kiện gần đây khi Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chia cổ tức bằng tiền, thay vì không chia hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, một lần nữa, thị trường lại đặt câu hỏi: Ai có quyền quyết việc chia cổ tức? 

Lắm mối, rối điều hành

“Bộ Tài chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo BIDV, Vietinbank phải chia cổ tức bằng tiền, nhưng trước đó Ngân hàng Nhà nước đã thông qua phương án không chia cổ tức bằng tiền. Vậy, ai là cổ đông? Ai là chủ của ngân hàng? Tôi cho rằng, cần có quy định chi tiết, rõ ràng hơn về cơ chế quản lý vốn, cơ chế tham gia vào hoạt động với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước để tránh tình trạng như hiện nay”, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc CTCP FPT đặt vấn đề về câu chuyện đang được thị trường quan tâm là chia cổ tức năm 2015 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tại Hội thảo “Luật Doanh nghiệp 2014: Các quy định mới về quản trị công ty và khả năng áp dụng đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

Sở dĩ câu chuyện trên được thị trường quan tâm là bởi BIDV và Vietinbank là hai ngân hàng thương mại có quy mô vốn điều lệ cao vượt trội so với các doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán. Và dường như, đây cũng là lần đầu tiên, thị trường chứng kiến việc một quyết định đã được ban hành trên cơ sở có sự đồng thuận của một cơ quan quản lý này lại chưa nhận được sự ủng hộ của cơ quan khác.

"Chia cổ tức với tỷ lệ 10% không phải là con số lớn so với quy mô vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của hai ngân hàng, vậy vì sao BIDV, Vietinbank lại không lựa chọn?"

Với quy định mới hiện nay về doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước, cả Vietinbank và BIDV đều được coi là doanh nghiệp thông thường, hoạt động theo quy định pháp luật về công ty cổ phần, ngân hàng thương mại cổ phần thông thường, với cổ đông lớn là sở hữu nhà nước. Tại một doanh nghiệp bất kỳ, việc chia cổ tức này sẽ đơn thuần dựa trên vấn đề đối vốn. Cổ đông quyết, doanh nghiệp thực hiện. Nhưng, ở tổ chức tín dụng gắn với vấn đề sở hữu nhà nước, việc chia cổ tức như thế nào? Trên thực tế, phải có sự đồng thuận của 2 đơn vị: Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Ông Ngọc cho rằng: “Tại 2 ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đại diện sở hữu vốn, chịu trách nhiệm về chuyên môn, còn Bộ Tài chính, lại liên quan đến vấn đề sở hữu, nên cần có quy định rõ hơn để tránh phát sinh các vấn đề gây khó xử cho doanh nghiệp”. 

BIDV, Vietinbank có thể chia cổ tức bằng tiền?

Để chia cổ tức, doanh nghiệp trước hết phải có lợi nhuận. Cả BIDV và Vietinbank năm 2015 đều ghi nhận lợi nhuận khá tốt, trong đó BIDV lãi 6.298 tỷ đồng và Vietinbank lãi 5.698 tỷ đồng. Chia cổ tức với tỷ lệ 10% không phải là con số lớn so với quy mô vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của hai ngân hàng, vậy vì sao BIDV, Vietinbank lại không lựa chọn?

Trước hết là chất lượng lợi nhuận hai ngân hàng. Tính đến hết quý I/2016, Vietinbank có 13.132 tỷ đồng lãi, phí phải thu; bên cạnh khoản 11.491 tỷ đồng các khoản phải thu khác; BIDV có 10.098 tỷ đồng các khoản lãi, phí phải thu và gần 6.198 tỷ đồng các khoản phải thu. Tính theo tỷ lệ tương đối, các khoản lãi, phí phải thu của BIDV chiếm 19,3% thu nhập lãi 4 quý và với Vietinbank, con số này là 29,5%. Khi nguồn thu nhập đã được hạch toán dự phóng chưa đi kèm dòng tiền còn khá lớn, việc ngân hàng mạnh dạn chia cổ tức bằng tiền dường như là câu chuyện khá xa vời.

Kể từ năm 2016, BIDV, VietinBank nằm trong số 10 ngân hàng thương mại thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II. Báo cáo ngành ngân hàng năm 2016 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy một sức ép khác. Số liệu ước tính của MBS cho thấy, nếu tính theo Basel II, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV ước chỉ còn 7,31% và của Vietinbank là 9,58%, thay vì con số cuối năm 2015 tương ứng là 9,81% và 10,58%.

Với việc sụt giảm hệ số CAR như trên, áp lực tăng vốn cấp 1 (vốn tự có của ngân hàng) hoặc/và vốn cấp 2 (phần giá trị tăng thêm do định giá lại tài sản của tổ chức tín dụng; nguồn vốn gia tăng hoặc bổ sung từ bên ngoài bao gồm trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và một số công cụ nợ thứ cấp và dự phòng chung cho rủi ro tín dụng) của BIDV và VietinBank rất lớn. Trong khi đó, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện tại là điều không dễ dàng, dù giá cổ phiếu của cả hai ngân hàng cao hơn nhiều so với thị giá (xấp xỉ mức 18.000 đồng/cổ phiếu).

Ngoài những yếu tố lo ngại đến chất lượng doanh thu, sức ép tăng trích lập dự phòng trong tương lai, liên quan chủ yếu đến trái phiếu đặc biệt của VAMC trong thời gian tới, định nghĩa lại khái niệm ngân hàng thương mại nhà nước khiến trần tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của hai ngân hàng giảm đi… càng tạo sức ép tăng vốn lên các ngân hàng, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Yếu tố nào quyết định việc chia cổ tức doanh nghiệp?

Với một doanh nghiệp bất kỳ, việc chia cổ tức được đại hội đồng cổ đông thông qua trên cơ sở đề xuất của hội đồng quản trị. Như vậy, nguyên tắc quan trọng nhất vẫn là đối vốn, tức tiếng nói đa số của cổ đông sẽ quyết định chính sách cổ tức của doanh nghiệp.

Nhưng, Luật Doanh nghiệp cũng có những quy định khác, ràng buộc các đề xuất về chính sách cổ tức nói riêng, các vấn đề điều hành doanh nghiệp nói chung.

Điều 160, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định trách nhiệm của người quản lý công ty, trong đó, có quy định các thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác không chỉ thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được giao theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty, nghị quyết đại hội đồng cổ đông, mà còn phải thực hiện “một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa của công ty”.

“Nếu làm đúng, đủ các nguyên tắc quản trị theo quy định pháp luật, Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ chỉ được 5 điểm trên thang điểm 10. Các vị không chỉ phải làm đúng pháp luật, mà phải làm với lựa chọn tốt nhất cho doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là, các vị phải hành xử với nguyên tắc mà nếu người khác ở vị trí ấy, họ sẽ đưa ra lựa chọn khác để tốt hơn cho cổ đông, chứ không chỉ là lựa chọn tốt. Cổ đông có quyền kiện nếu lựa chọn của người quản lý gây thiệt hại cho họ, không chỉ là những thiệt hại như mất bao nhiêu tiền do quyết định sai, mà là cả phần lợi nhuận cổ đông có thể đạt được nếu lựa chọn phương án khác”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

Quay trở lại câu chuyện chia cổ tức tại BIDV, Vietinbank, đến nay, Vietinbank đã có ý kiến phản hồi, trong đó chủ yếu nói về tác động của việc chia cổ tức bằng tiền đến kế hoạch tăng trưởng của Ngân hàng. Tuy nhiên, với vai trò là đơn vị thụ hưởng lợi ích của cổ đông lớn nhất và căn cứ vào khung pháp lý hiện hành, Bộ Tài chính có quyền đòi hỏi một chính sách cổ tức có lợi cho mình. Điều duy nhất có thể thay đổi ý chí của Bộ Tài chính, nếu nhìn dưới góc độ điều hành trung thực, cẩn trọng cho doanh nghiệp, có lẽ là việc hai ngân hàng nên đưa ra một bức tranh chi tiết, cụ thể hơn về thực trạng hoạt động và đánh giá một cách trung thực những tác động của việc chia cổ tức bằng tiền đến tình hình hoạt động của ngân hàng.

Tin bài liên quan