Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, HPG đã gọi vốn thành công hơn 5.050 tỷ đồng, trở thành một kỷ lục gọi vốn qua TTCK Việt Nam trong năm 2017

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, HPG đã gọi vốn thành công hơn 5.050 tỷ đồng, trở thành một kỷ lục gọi vốn qua TTCK Việt Nam trong năm 2017

Ai gọi được vốn “khủng” 12 tháng qua?

(ĐTCK) Nửa cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng tích cực đã giúp hàng chục doanh nghiệp hoàn thành những thương vụ gọi vốn, trong đó, có không ít thương vụ giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đầu tư Chứng khoán xin điểm một số thương vụ gọi vốn khủng từ TTCK trong 1 năm trở lại đây.

Chuyện của VGC

Ngày 29/5/2017, Tổng công ty Viglacera (VGC) đã tổ chức thành công phiên chào bán đấu giá 120 triệu cổ phiếu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đợt đấu giá của VGC đã trở thành điểm nhấn trên TTCK cuối tháng 5/2017 khi thu hút hơn 1.000 nhà đầu tư tham gia với khối lượng đặt mua gấp 2,6 lần chào bán.

Kết quả, với mức giá đấu thành công 16.175 đồng/cổ phần, cao hơn 31,5% giá khởi điểm, VGC đã huy động được 1.940 tỷ đồng từ đấu giá cổ phiếu để đầu tư vào hàng loạt dự án gồm KCN Yên Phong, Đồng Văn IV, Nhà máy Viglacera Mỹ Xuân, sản xuất kính nổi siêu trắng… Qua đó, cũng khiến cơ cấu tài chính của VGC có những chuyển biến tích cực.

Báo cáo tài chính (BCTC) của VGC cho biết, tính đến cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu của VGC đã tăng thêm 53,8% so với đầu năm nhờ tăng vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần và các khoản lợi nhuận để lại. Dù tăng ròng về giá trị nhưng do vốn chủ sở hữu tăng nhanh hơn giúp nợ phải trả chỉ chiếm 58% nguồn vốn so với mức 66,6% cuối năm 2016, trong đó, nợ chịu lãi chỉ chiếm 23%. Chi phí lãi vay cả năm 2017 tương đương 7% lợi nhuận gộp.

Kết quả kinh doanh cũng đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Trong năm 2017, VGC đạt 9.196 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với 2016, lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ là 600 tỷ đồng, tăng 16,8%, vượt 13% kế hoạch doanh thu và 8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cơ cấu nguồn vốn hợp lý cùng việc hoàn thành các dự án đầu tư mới góp phần để VGC tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng với lợi nhuận trước thuế hướng đến mục tiêu 950 tỷ đồng trong năm 2018, 1.120 tỷ đồng trong 2019 và sang năm 2020 là khoảng 1.410 tỷ đồng.

Cuộc gọi vốn kỷ lục hơn 5.000 tỷ đồng của HPG

Tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), ngay sau khi được Đại hội đồng cổ đông 2017 thông qua, trong tháng 6/2017, HPG đã tiến hành đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm gọi vốn phục vụ cho dự án chiến lược Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất.

Đến cuối tháng 7/2017, khi đợt chào bán hoàn tất, báo cáo kết quả phát hành của HPG cho biết đã có 252,8 triệu cổ phiếu, tương đương 99,45% số lượng dự kiến phát hành đã được cổ đông thực hiện, HPG sau đó cũng không gặp khó khăn để xử lý, phân phối tiếp số 1,4 triệu cổ phiếu còn lại.

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tháng, từ ngày 27/6 đến 28/7/2017, HPG đã gọi vốn thành công hơn 5.050 tỷ đồng, trở thành một kỷ lục gọi vốn qua TTCK Việt Nam trong năm 2017.

Ngay sau khi gọi vốn thành công, ngày 28/7/2017, HPG đã công bố nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn 5.000 tỷ đồng cho CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất - Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án mà HPG đang nắm giữ đến 99,99%, nâng vốn điều lệ lên mức 15.000 tỷ đồng.

Dung Quất là đại dự án được HPG triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư dự kiến 52.000 tỷ đồng, được chia đều thành 2 giai đoạn - mỗi giai đoạn 26.000 tỷ đồng với mục tiêu khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo “bước nhảy vọt” cho HPG, hướng đến mục tiêu đứng thứ nhất về sản lượng thép tại Việt Nam, thứ nhì Đông Nam Á và Top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và đến năm 2020, doanh thu sẽ đạt mức 100.000 tỷ đồng, gần gấp đôi kế hoạch 2018.

Mặc dù được xem là kế hoạch tham vọng, nhưng triển vọng thực hiện của HPG vẫn được thị trường đánh giá rất cao nhờ lợi thế dẫn đầu về tiêu thụ thép xây dựng và ống thép cả nước với thị phần lần lượt là 24% và 26,4% và mạng lưới phân phối rộng khắp, sản phẩm, thương hiệu có uy tín.

Bên cạnh đó, HPG cũng định hướng tiếp tục đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp phụ trợ, chế tạo, nội thất văn phòng, triển khai các dự án bất động sản, sản xuất tôn mạ…, giúp đa dạng hóa nguồn doanh thu và lợi nhuận.

Tháng 3-4/2018, Techcombank thu gần 17.000 tỷ đồng từ bán cổ phiếu quỹ

Chỉ trong vòng 2 tháng, tháng 3 và 4/2018, Ngân hàng TMCP Techcombank (TCB) đã bán thành công 172,4 triệu cổ phiếu quỹ, qua đó, thu về hơn 16.870 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với số tiền mua vào chỉ 8 tháng trước đó. Thương vụ ghi nhận thặng dư vốn cổ phần thêm khoảng 15.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2018, TCB đang có 172,4 triệu cổ phiếu quỹ, đây là số cổ phiếu được TCB mua lại từ Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) thoái vốn tháng 8/2017, mức giá bình quân mua vào 23.445 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đến Đại hội đồng cổ đông tháng 3/2018, TCB đã thông qua kế hoạch bán cổ phiếu quỹ này nhằm tăng vốn điều lệ. Ngay sau đó, TCB đã công bố kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ công nhân viên và các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Ngày 29/3/2018, báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu quỹ lần 1 của TCB cho biết, 93,2 triệu cổ phiếu đã được chào bán thành công với mức giá bình quân 91.000 đồng/cổ phần, 14,7 triệu cổ phần được bán cho người lao động với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Tiếp đó, ngày 12/5/2018, TCB đã tiếp tục công bố chào bán thành công 64,4 triệu cổ phiếu quỹ đợt 2 với mức giá bình quân lên đến 128.000 đồng/cổ phần, cao hơn 40% so với giá chào bán lần 1.

Như vậy, tính tổng cộng sau một loạt đợt chào bán, TCB không những thu về hơn 16.870 tỷ đồng mà còn tạo ra nguồn thặng dư vốn cổ phần gần 15.000 tỷ đồng. Thặng dư vốn cùng nguồn lợi nhuận chưa phân phối lớn là cơ sở để TCB trình kế hoạch chi thưởng cổ phiếu lên đến 200% tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/6 tới đây. Nếu thành công, vốn điều lệ của TCB sẽ tăng lên gần 35.000 tỷ đồng.

Trước đợt bán cổ phiếu quỹ trong tháng 3 và 4/2018, tháng 11/2017, TCB cũng đã hoàn tất chào bán 70 triệu cổ phiếu cho các cổ đông và nhà đầu tư. Tại mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu, đợt phát hành đã thu về cho TCB 2.100 tỷ đồng.

TCB hiện là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất trong khối Ngân hàng TMCP tại Việt Nam về quy mô tài sản, nguồn vốn. Sau các đợt bán cổ phiếu quỹ và gọi vốn từ quỹ đầu tư. Ngày 22/5/2018, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM đã thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu TCB. Theo đó, TCB sẽ chính thức lên sàn vào ngày 04/06/2018. Với giá chào sàn 128.000 đồng/cổ phần, TCB được định giá ở mức 149.000 tỷ đồng (6,5 tỷ USD).

Việc lên sàn của TCB chắc chắn sẽ khiến bức tranh vốn hóa ngành ngân hàng và TTCK có sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó là kỳ vọng tạo sức hút với nhà đầu tư khi ngay trước thời điểm niêm yết, hàng loạt quỹ, tổ chức nước ngoài cũng đã chi hơn 900 triệu USD mua cổ phần của TCB từ nguồn bán cổ phiếu quỹ và một số cổ đông nội bộ. Trong đó, đáng chú ý là Waburg Pincus công bố sẽ đầu tư lên đến 370 triệu USD vào TCB.

TTCK và cơ hội để doanh nghiệp tốt gọi vốn

Bối cảnh vĩ mô thuận lợi cùng diễn biến tích cực của TTCK trước đây đã không chỉ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận mà còn giúp các doanh nghiệp khai thác TTCK như một kênh huy động vốn nếu bắt đúng thời điểm. Trong 1 năm trở lại đây, cùng với các đợt gọi vốn từ cổ đông hiện hữu của HPG, ART, VND, KDH, AAA…, nhiều doanh nghiệp cũng tiến hành các thương vụ gọi vốn thành công từ đấu giá cổ phiếu, phát hành riêng lẻ cũng đã diễn ra với số tiền thu từ vài chục, vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Chẳng hạn, mới nhất, ngày 16/05/2018, CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova đã công bố chào bán thành công 52,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ tại mức giá 64.837 đồng/cổ phần, thu về 3.403 tỷ đồng bổ sung thực hiện các dự án trong năm 2018.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp uy tín, sử dụng đồng vốn hiệu quả, thị trường cũng ghi nhận không ít phương án gọi vốn lạ, các doanh nghiệp bị nghi ngờ thực hiện các chiêu trò, sử dụng các biện pháp đẩy, đỡ giá khiến thị giá cổ phiếu tăng, giảm bất thường, dòng tiền bị sử dụng sai mục đích…, thậm chí bị cơ quan quản lý phát hiện, ra quyết định xử phạt.

Sau nhiều lần “ngậm đắng” với những trường hợp vốn huy động bị sử dụng không hiệu quả, cổ phiếu bị pha loãng, nhà đầu tư đã cảnh giác hơn rất nhiều với những phương án tăng vốn “lạ”, những doanh nghiệp có tiền sử kém minh bạch.

Rõ ràng, mấu chốt làm nên thành công hay thất bại của một kế hoạch huy động vốn không chỉ phụ thuộc thị trường mà còn nằm ở chất lượng doanh nghiệp. Đưa ra dự án tốt để gọi vốn chỉ là một phần, quan trọng hơn là người lãnh đạo doanh nghiệp có đủ uy tín để nhà đầu tư tin cậy sẽ sử dụng đồng tiền mà họ bỏ ra hiệu quả, góp sức thực thi khát vọng vươn lên để cái kết cuối cùng là cả nhà đầu tư và doanh nghiệp “cùng thắng”.

Tin bài liên quan