600 điểm và điều gì đang đến?

600 điểm và điều gì đang đến?

(ĐTCK)  Kết thúc năm 2013, VN-Index chốt tại 504,63 điểm. Nhiều dự báo đưa ra thời điểm này đã nhìn thấy con số 600 điểm của năm 2014, nhưng điều bất ngờ là thành quả này đạt được quá nhanh khi chỉ chưa đầy 3 tháng.
Mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị đầu tư Vietnam Access Day 2014 do Viet Capital tổ chức tại TP. HCM, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã đưa ra một minh chứng cho thấy sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam: năm 2012, VN-Index tăng 18%; năm 2013, chỉ số này tăng 22% và tăng tiếp 19% trong chưa đầy 3 tháng của năm 2014.

Để nuôi dưỡng "xung lực" thị trường, ông Trà cho biết, HOSE đang tính việc làm thế nào để lập được quỹ ETF, niêm yết, huy động vốn ở nước ngoài, đầu tư vào các cổ phiếu Việt Nam. Nếu bài toán mới này giải quyết được, câu chuyện tăng trưởng sẽ được viết tiếp bằng những con số lạc quan.

600 điểm không bất ngờ…

Kết thúc năm 2013, VN-Index chốt tại 504,63 điểm. Nhiều dự báo đưa ra thời điểm này đã nhìn thấy con số 600 điểm của năm 2014, nhưng điều bất ngờ là thành quả này đạt được quá nhanh khi chỉ chưa đầy 3 tháng, VN-Index đã tăng tuyệt đối đến 100 điểm, đẩy thị trường lên một mặt bằng giá mới.

Ở vị thế của một thị trường cận biên, theo ông Trà, sự tăng trưởng của chứng khoán Việt 3 năm qua cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư và xung lực thị trường là mạnh mẽ.

Gần đây, thanh khoản cải thiện rõ rệt, với nhiều phiên giá trị giao dịch đạt đến 5.000 tỷ đồng. Sự bùng nổ của thị trường (giá trị giao dịch bình quân/phiên năm 2013 là 1.800 tỷ đồng), cho thấy, niềm tin và sự kỳ vọng của nhà đầu tư là rất lớn.

Chứng khoán đang khẳng định vị thế kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2014. Nhận định này được đưa ra bởi các chuyên gia CTCK Maritime Bank Securities trong bản báo cáo sáng 20/3. Xu thế tăng điểm đi kèm thanh khoản bùng nổ cho thấy chứng khoán thực sự là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dòng tiền chốt lời không rời khỏi thị trường, trong khi các dòng tiền mới đang tìm đến. Các chuyên gia CTCK này cho rằng, chứng khoán và bất động sản sẽ tiếp tục lĩnh xướng vai trò dẫn dắt thị trường, bên cạnh sự quay trở lại được dự báo của nhiều cổ phiếu bluechips.

Quả thực, nếu so với vàng, ngoại tệ, bất động sản, thì chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, khi gần đây, hầu như tất cả thị trường cùng tăng và có những mã cổ phiếu mang đến lợi nhuận 100% trong 1 tuần giao dịch. Nói như ông Trịnh Xuân Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu MBS thì bối cảnh TTCK lúc này, "đầu tư để thua lỗ khó hơn là có lãi".

Còn khảo sát của ĐTCK tại nhiều sàn chứng khoán gần đây cho thấy, sàn nào cũng đông nghẹt người, với các lệnh mua - bán nhiều gấp 5-6 lần mức bình thường.

Chia sẻ về cảm nhận mốc 600 điểm, ông Vũ Đức Tiến, Phó tổng giám đốc CTCK SHS cho rằng, giá chứng khoán đã bị kìm giữ trong một giai đoạn dài, nên việc thị trường tăng điểm là tất yếu. Nhiều cổ phiếu lớn vẫn có sức bật, nên ông vẫn tin thị trường sẽ còn bật lên một mặt bằng giá cao hơn.

Nuôi dưỡng thị trường, cách nào?

Ở một góc nhìn bình tĩnh hơn, có thể thấy, 30 cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường (MSN, ITA, SCR, DLG, KLS, FLC, PVX, CII, HQC, OGC…) đã được giao dịch ở mặt bằng giá với PE bình quân tới 40,2 lần (tính tại phiên ngày 18/3/2014). Chỉ số P/B của 30 mã thanh khoản nhất hiện ở mức 1,9 lần, tức là giá giao dịch gấp gần 2 lần giá trị sổ sách của cổ phiếu. Thị trường tràn đầy sự hưng phấn, bên cạnh sự nghi ngại đương nhiên của tất cả các nhà đầu tư.

Với nhà quản lý, việc thị trường 500 điểm, 600 điểm, 1.000 điểm hay cao hơn nữa, không phải là mục tiêu trọng yếu, mà điều quan trọng nhất là làm sao để thúc đẩy tính thanh khoản, tạo ra một thị trường đủ lỏng, đủ minh bạch để hấp dẫn các luồng vốn lớn.

Chia sẻ với các nhà đầu tư quốc tế tại Hội thảo, ông Lê Hải Trà cho rằng, giải pháp trọng yếu để nuôi dưỡng xung lực thị trường là cần giữ chân và thu hút dòng vốn ngoại. Xây dựng những quỹ ETF niêm yết ở nước ngoài, nhưng đầu tư vào Việt Nam (đầu tư theo chỉ số VN30), là ý tưởng HOSE nêu lên và được nhiều nhà đầu tư lớn ủng hộ. Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ không thể triển khai trên thực tế, trong hiện trạng có đến 9/30 cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 tại HOSE đã hết room.

"Có nhiều sự lựa chọn về giải pháp để tăng sức hấp dẫn vốn ngoại và tạo nền cho các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam", ông Trà nói  và cho rằng, Việt Nam có thể chọn cách nới room, hoặc cho phép Sở GDCK phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), hoặc áp dụng mô hình cổ phiếu vàng, hoặc tham khảo cách quản lý vốn ngoại như tại Nhật Bản. Tuy nhiên, bao giờ Việt Nam làm và sẽ làm như thế nào, vẫn là câu chuyện chưa rõ ràng, bản thân HOSE có ý tưởng, nhưng không thể tự quyết được.

Trong sự tăng vọt của TTCK từ mốc 500 điểm lên mốc 600 điểm, không thể phủ nhận kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư về giải pháp nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại. Thậm chí, nhiều DN niêm yết (Kim Long, Everpia…), cũng trong niềm tin này, sẽ xin ý kiến ngay kỳ họp Đại hội đồng cổ đông về việc nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lên trên 49% khi điều kiện pháp lý cho phép…

Tuy nhiên, nới room hay những ý tưởng mà HOSE nêu lên trong thu hút vốn ngoại bao giờ được thực thi, vẫn là câu hỏi mở. Khi vốn ngoại còn chưa được "rộng đường" vào TTCK thì nhà đầu tư cần lưu ý một thực tế tại ngưỡng 600 điểm: 60-80% giá trị giao dịch toàn thị trường tập trung ở 30 mã thanh khoản nhất (dao động theo phiên), với PE trung bình của các mã là 40 lần, PB đã là gần 2 lần.

Tin bài liên quan