Trong khi dòng tiền dường như chảy mạnh hơn vào trái phiếu chính phủ, thì đối tượng nhà đầu tư tại đây vẫn chủ yếu là những gương mặt cũ

Trong khi dòng tiền dường như chảy mạnh hơn vào trái phiếu chính phủ, thì đối tượng nhà đầu tư tại đây vẫn chủ yếu là những gương mặt cũ

5.000 tỷ đồng/phiên chảy vào trái phiếu: Thị trường cổ phiếu sẽ tăng tốc hay lùi xa?

(ĐTCK) Từ năm 2012, thị trường trái phiếu có những bước phát triển đột phá về công nghệ, về giải pháp, giúp số tiền huy động và thanh khoản trái phiếu trên thị trường thứ cấp tăng mạnh. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu có công cụ, giải pháp gì mới để thúc đẩy thanh khoản? 

Trên 170.000 tỷ đồng là số tiền Chính phủ đã huy động được qua thị trường trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kể từ đầu năm đến 6/6/2016.

Cùng với đó, thanh khoản trên thị trường vượt qua con số 5.000 tỷ đồng/phiên, kể từ đầu năm đến nay, đã không chỉ bứt phá so với chính mình, mà tiếp tục vượt xa thanh khoản trên thị trường cổ phiếu.

Thanh khoản trái phiếu vượt xa thị trường cổ phiếu

Nếu năm 2009, năm đầu tiên thị trường trái phiếu chính phủ cải tiến, định hình phát triển theo mô hình thị trường trái phiếu chuyên biệt, tổng số vốn huy động chỉ đạt 2.599 tỷ đồng với giá trị giao dịch đạt 365 tỷ đồng/phiên, thì 3 năm trở lại đây, thị trường này đã có sự bứt phá (xem bảng số liệu). Với vốn hóa 840.000 tỷ đồng, thanh khoản trái phiếu kể từ đầu năm đến nay vượt 5.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, trên thị trường cổ phiếu, vốn hóa cả 3 sàn đến cuối năm 2015 khoảng 1.360.000 tỷ đồng, nhưng thanh khoản chỉ trung bình 2.500 tỷ đồng/phiên.

Từ đầu năm đến nay, thị trường cổ phiếu sôi động hơn, nhưng thanh khoản của cả 3 sàn chưa đạt ngưỡng 3.000 tỷ đồng/phiên. Nếu như trước đây, giao dịch trái phiếu rất ít người quan tâm và dòng chảy vốn cũng chỉ loanh quanh vài trăm tỷ/phiên, thì kể từ năm 2013, mức độ chu chuyển vốn trên thị trường trái phiếu đã vượt qua thị trường cổ phiếu và ngày càng vượt xa, dù vốn hóa trên thị trường trái phiếu vẫn chỉ bằng 60% so với tổng vốn hóa trên 3 thị trường cổ phiếu. 

Ở tư cách người đi vay (Chính phủ), có 2 điểm để đánh giá hiệu quả của kênh huy động tiền là kỳ hạn vay (càng dài càng thuận lợi) và lãi suất (càng thấp, càng giảm áp lực cho ngân sách). Trái phiếu chính phủ thời thuận lợi từng có kỳ hạn trung bình 3, 4 năm, nhưng hiện nay, HNX cho biết, kỳ hạn chỉ xấp xỉ 3 năm. Về lãi suất, phiên đấu thầu gần nhất (8/6/2016), lãi suất huy động của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 6,07%; trái phiếu kỳ hạn 30 năm có lãi suất huy động 8%/năm (mua 500 tỷ đồng trong tổng số 1.500 tỷ đồng gọi thầu)...

Thanh khoản trái phiếu cải thiện là điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư lớn. Chủ tịch HNX Nguyễn Thành Long cho rằng, khi thanh khoản tốt lên, nhà đầu tư không quá quan trọng về kỳ hạn trái phiếu nữa, vì có đầu tư loại kỳ hạn dài thì khi cần chuyển nhượng cũng dễ dàng làm được trên thị trường thứ cấp. Thanh khoản tốt cũng là điều kiện để cải thiện lãi suất vay vốn, vì thế làm thế nào để giữ và thúc đẩy thanh khoản trên thị trường tốt hơn, là việc HNX sẽ tập trung làm trong tương lai.

Trong nhiều giải pháp đã và sẽ được triển khai, ông Long cho rằng, “chìa khóa” sắp tới chính ở việc sửa Thông tư 234/TT-BTC và việc đưa sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ có thể chuyển giao vật chất vào vận hành. Thị trường trái phiếu chính phủ, vì thế, còn nhiều triển vọng bứt lên.

 

Thị trường cổ phiếu sẽ tăng tốc hay lùi xa?

Nếu trên thị trường trái phiếu chính phủ, tạm chưa bàn đến yếu tố đặc thù (đối tượng nhà đầu tư hạn chế, ràng buộc về trách nhiệm của thành viên...) thì điểm tựa thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh là sự đổi mới liên tục của chính sách, giải pháp.

Cụ thể, từ năm 2012, thị trường có bước phát triển đột phá về công nghệ, về giải pháp, như phát hành lô lớn, áp dụng sản phẩm mới (long, short và zero coupon), rút ngắn thời gian đưa trái phiếu lên sàn; áp dụng hệ thống quotes giá 2 chiều, cải cách hệ thống thanh toán, hỗ trợ vay và cho vay trái phiếu....

Trong khoảng thời gian này, thị trường cổ phiếu có công cụ, giải pháp gì mới để thúc đẩy thanh khoản? Nhìn nhận khách quan, dường như cải tiến lớn nhất trên thị trường cổ phiếu có lẽ là câu chuyện giảm thời gian thanh toán chứng khoán từ T+3 về T+2, còn lại chưa có chính sách, giải pháp gì đủ mới, đủ mạnh, để kích hoạt sự sôi động của thị trường. Trong khi đó, thị trường cổ phiếu là nơi giao dịch của trên 1.000 doanh nghiệp, của 1,5 triệu nhà đầu tư, có vốn hóa gần 1,4 tỷ tỷ đồng, vượt trội so với thị trường trái phiếu.

Nhiều năm nay, nhà đầu tư và CTCK chờ vay margin được nới rộng (về đối tượng và tăng quyền tự quyết), nhưng quy định về margin hiện vẫn áp dụng từ năm 2011. Nhà đầu tư chờ đợi cho bán chứng khoán trên đường về, T+0, nhưng chưa biết bao giờ mới thực thi được. Chính sách nới room được đánh giá như bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại (Nghị định 60/2015/NĐ-CP), nhưng sau 1 năm triển khai, chỉ có 4 DN “mạnh dạn” làm....

Khi thị trường trái phiếu bật lên (về thanh khoản, về hiệu quả huy động vốn), dư luận nhận ra bức tranh tương phản giữa 2 mảng: cổ phiếu và trái phiếu. Chính phủ nào cũng cần tạo kênh huy động vốn và việc đầu tư, phát triển thị trường thực hiện chức năng này là đương nhiên và rất quan trọng. Tuy nhiên, các chủ thể khác trong nền kinh tế, đặc biệt là khối DN cũng vô cùng cần vốn, ở đó, rất cần những giải pháp, quyết sách mạnh mẽ để tạo kênh và thúc đẩy kênh huy động vốn cho DN.

Một điểm lệch rất rõ nét là tập khách hàng, nhà đầu tư. Thị trường cổ phiếu có trên 1,5 triệu nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch, còn thị trường trái phiếu chỉ vài chục nhà đầu tư mua trên thị trường sơ cấp, còn trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cũng chủ yếu là các ngân hàng.

Việc các ngân hàng nắm nhiều trái phiếu chính phủ tại Việt Nam, theo Chủ tịch HNX, phù hợp với thông lệ, vì đây là khoản đầu tư có rủi ro thấp nhất, thậm chí thường được gọi là phi rủi ro. Trái phiếu chính phủ cũng là công cụ được các ngân hàng dùng để thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, giúp các ngân hàng chiết khấu tại ngân hàng trung ương, trong trường hợp cần vốn.

Trên thị trường quốc tế, trái phiếu chính phủ thường được mua bởi 3 chủ thể: các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư. Nhà đầu tư tư nhân sẽ đầu tư gián tiếp trên thị trường trái phiếu, thông qua việc mua chứng chỉ quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào lĩnh vực này.

Khi trái phiếu chính phủ được sử dụng linh hoạt và dễ dàng chuyển hóa thành tiền, lãi suất trái phiếu cũng khá hấp dẫn (lãi suất kỳ hạn 5 năm trên 6%/năm, trong khi VN-Index năm 2015 chỉ tăng 5,7%), dòng tiền từ ngân hàng và nhà đầu tư lớn vào trái phiếu là hệ quả tất yếu.

Cùng với đó, TTCK phái sinh sẽ chính thức mở cửa hoạt động vào năm 2017, với một trong hai hàng hóa đầu tiên là sản phẩm phái sinh trái phiếu chính phủ, sẽ tạo thêm miếng ghép, nâng bước thị trường trái phiếu hoàn thiện hơn.

Dù thị trường trái phiếu vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực phía trước như phải đa dạng hóa nhà đầu tư, phải làm sao giảm lãi suất huy động, tăng dần kỳ hạn bình quân của các loại trái phiếu..., nhưng 5.000 tỷ đồng vốn được chuyển nhượng mỗi ngày trên thị trường này kể từ đầu năm đến nay là một kết quả vượt trội, đồng nghĩa với việc thanh khoản trái phiếu đã gấp đôi thanh khoản trên thị trường cổ phiếu (HOSE, HNX, UPCoM).

Về vốn huy động, trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2015, trong tổng lượng vốn huy động qua TTCK là 300.000 tỷ đồng, có đến 250.000 tỷ đồng là huy động qua trái phiếu chính phủ. Như vậy, khối DN trên sàn (1.000 DN) chỉ huy động được có 50.000 tỷ đồng qua TTCK năm 2015.

Do tính chất các thị trường khác nhau, nên mọi sự so sánh đều chỉ mang tính tương đối. Dù vậy, từ thực trạng 2 mảng thị trường và những con số thống kê trên có thể thấy, bức tranh lệch và sẽ ngày càng lệch, nếu thị trường cổ phiếu thiếu các giải pháp mạnh để thúc đẩy sự sôi động, thúc đẩy dòng chảy vốn.            

Tin bài liên quan