9 tháng đầu năm, cả nước CPH được 71 doanh nghiệp

9 tháng đầu năm, cả nước CPH được 71 doanh nghiệp

5 bất cập của chính sách cổ phần hóa

(ĐTCK) Việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 432 DNNN giai đoạn 2014 - 2015 đang gặp khó khăn khi chính sách CPH vẫn bộc lộ không ít bất hợp lý, nhất là trong khâu xác định giá trị DN.

Giá trị DN bị “méo”

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm 2014, cả nước chỉ CPH được 71 DN, cho thấy tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm. Thời gian của năm 2014 không còn nhiều, trong khi chỉ còn một năm nữa để hoàn thành kế hoạch CPH 432 DN, nên thách thức đưa mục tiêu này về đích ngày một lớn dần.

Tuy nhiên, báo cáo trước Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sẽ hoàn thành kế hoạch CPH đề ra.

Để thực hiện chỉ đạo này, nhiều ý kiến cho rằng, cần rốt ráo khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang làm chậm tiến trình CPH, trong đó có một số quy định bất hợp lý, nhất là 5 bất cập liên quan đến xác định giá trị DN.

Thứ nhất, từ thực tế chỉ đạo triển khai CPH, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, phương pháp định giá các khoản đầu tư tài chính tại các DN chưa niêm yết theo phương pháp vốn chủ sở hữu như quy định hiện hành chưa phản ánh được tính thị trường của các khoản đầu tư, nên việc định giá trị DN khó có thể đảm bảo tính xác thực, minh bạch.

Thứ hai, theo quy định hiện hành, với khoản góp vốn bằng ngoại tệ, khi xác định giá trị DN thì được định giá lại theo tỷ giá hiện thời, trong khi DN nhận góp vốn đã vốn hóa khoản góp vốn này theo tỷ giá tại thời điểm nhận vốn góp, dẫn tới khoản chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị ngoại tệ. Việc này không được đơn vị nhận góp vốn thừa nhận, vì tạo nguồn vốn ảo cho DN sau CPH.

Thứ ba, thực tiễn triển khai xác định giá trị DN trong quá trình CPH cho thấy, việc tính lợi thế kinh doanh căn cứ vào lợi nhuận bình quân 3 năm gần nhất như quy định hiện tại là không hợp lý, vì chưa phản ánh đúng lợi thế kinh doanh do khoảng thời gian quá ngắn, không phù hợp với DN kinh doanh những sản phẩm có tính chất chu kỳ.

Thứ tư, khi xử lý tài chính, DN phải hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi không đủ điều kiện để loại trừ ra khỏi giá trị DN. Điều này dẫn tới sau khi CPH, công ty cổ phần không có nguồn quỹ để bù đắp cho những tổn thất xảy ra đối với các khoản nợ phải thu khó đòi tồn tại từ giai đoạn là DNNN.

Thứ năm, tại thời điểm bàn giao DN, trong khi các tài sản khác không định giá lại, thì chính sách hiện hành quy định DN phải định giá lại các khoản đầu tư tài chính là không phù hợp về tính chất tài chính. Bất hợp lý này có thể dẫn tới phải điều chỉnh lại quy mô vốn điều lệ của công ty cổ phần, trong khi xử lý việc này rất phức tạp.

Những bất cập nêu trên khiến giá trị DN bị “méo mó”. Đây là một trong những lý do khiến cổ phiếu của không ít DN đưa ra chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) bị chê đắt, không hấp dẫn NĐT. 

Đề xuất hướng gỡ

Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, theo hướng DN CPH được giữ lại Quỹ dự phòng giảm giá các khoản nợ phải thu khi xác định giá trị DN. Đồng thời, có phương pháp định giá hợp lý đối với các khoản đầu tư vào DN chưa niêm yết, DN bị hủy niêm yết phù hợp với thị trường, thay vì sử dụng phương pháp vốn chủ sở hữu.

Để khắc phục bất cập của việc tính lợi thế kinh doanh căn cứ vào lợi nhuận bình quân 3 năm gần nhất, có ý kiến đề nghị nên sử dụng lợi nhuận bình quân của 10 năm trước khi CPH để tính lợi thế kinh doanh của DN. Điều này sẽ phản ánh hợp lý hơn giá trị DN.

Để tránh việc phải điều chỉnh lại quy mô vốn điều lệ của công ty cổ phần, Bộ Tài chính nên xem xét và đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế không định giá lại các khoản đầu tư tài chính khi thực hiện bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần.

Bài 2: Bộ Tài chính nói gì?

Tin bài liên quan