4 tháng đầu năm, nhiều cổ phiếu “phi nước đại”

4 tháng đầu năm, nhiều cổ phiếu “phi nước đại”

(ĐTCK) Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng hơn 100%, thậm chí có mã tăng hơn 300%.

SPI tăng hơn 300%, KTS tăng hơn 200% 

Cổ phiếu SPI của CTCP Đá Spilít tăng từ mức giá “trà đá” 2.000 đồng/CP lên 8.100 đồng/CP, với khối lượng giao dịch bình quân gần 100.000 đơn vị/phiên.

Một số diễn biến đáng chú ý liên quan đến SPI là năm 2015, Công ty có sự thay đổi nhân sự cấp cao, bên cạnh đó là động thái bán ra một lượng lớn cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn. Doanh thu năm 2015 của SPI gấp 10 lần năm 2014, đạt 72,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm, chi phí quản lý tăng mạnh, nên lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt chưa đầy 1 tỷ đồng.

Mới đây, SPI công bố, Chủ tịch HĐQT đã thoái toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu, tương đương 16,06% vốn và ủy viên HĐQT Đoàn Quốc Khánh mua vào 2,7 triệu cổ phiếu SPI.

4 tháng đầu năm, nhiều cổ phiếu “phi nước đại” ảnh 1 

Cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon tum (KTS) có mức tăng giá hơn 206,5%. Công ty này báo lãi quý IV/2015 gần 9,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 75 triệu đồng cùng kỳ năm 2014. Kết thúc năm 2015, KTS lãi hơn 21 tỷ đồng (năm 2014 lỗ hơn 3 tỷ đồng). Năm 2016, Công ty đặt kết hoạch doanh thu hơn 262 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng.

Thời điểm công bố báo cáo tài chính quý IV/2015 của KTS là tháng 1/2016 và đà tăng của cổ phiếu được giữ đều qua các tháng, trong đó tăng mạnh nhất là từ tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây cũng là giai đoạn KTS công bố thông tin về ngày chốt danh sách cổ đông (ngày 10/5) để nhận cổ tức năm 2015 bằng tiền, tỷ lệ 40%. 

TLH tăng 158%, HKB tăng 116%

Đối với cổ phiếu TLH của CTCP Thép Tiến Liên (TLH), mặc dù năm 2015, Công ty lỗ 169 tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu tính từ đầu năm 2016 đến hết phiên 8/5 vẫn có mức tăng 158,5%, từ 4.100 đồng/CP lên 10.600 đồng/CP, với thanh khoản gần 900.000 đơn vị/phiên. Sự tăng giá của cổ phiếu TLH được lý giải là theo sóng tăng của cổ phiếu ngành thép.

Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2016 của TLH: doanh thu thuần đạt hơn 1.008 tỷ đồng, tăng 21,7%, lãi ròng gần 106 tỷ đồng, trong đó lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 104 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2015 lãi 3,3 tỷ đồng). Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng.

Cổ phiếu HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc có mức tăng hơn 116% kể từ đầu năm. Trong năm 2015, HKB đã phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, cụ thể giảm chỉ tiêu doanh thu từ 1.600 tỷ đồng xuống 320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 60,84 tỷ đồng xuống hơn 3 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do ngân hàng mà KHB vay vốn bị đưa vào diện kiểm soát, dẫn tới kế hoạch kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn do không huy động đủ vốn vào thời gian cao điểm. Kết quả, năm 2015, Công ty chỉ lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng.

Mới đây, HKB công bố kết quả kinh doanh quý I/2016 không mấy khả quan, lãi 253 triệu đồng, giảm 93% so với quý I/2015. Trong kỳ, HKB có khoản chi phí lãi vay gần 1,4 tỷ đồng do Công ty vay ngắn hạn của Agribank để thu mua tạm trữ sắn lát và vay BIDV để mua tạm trữ hạt tiêu phục vụ xuất khẩu, cũng như sản xuất cho các đơn hàng trong quý II, quý III/2016.

Đáng chú ý, KHB lên phương án phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 2:3, giá chào bán bằng mệnh giá. KHB dự kiến phát hành trong quý I/2016, nhưng hiện chưa thấy công bố mới của Công ty về đợt phát hành. 

Những mã tăng trên 100% khác

Cổ phiếu VGS, DRH, L14, S12, HDA cũng có mức tăng giá hơn 100% trong 4 tháng đầu năm. Trong đó, có những cổ phiếu được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan và động thái mua vào cổ phiếu của ban lãnh đạo công ty.

Chẳng hạn, cổ phiếu VGS có mức tăng 115%, khối lượng giao dịch hơn 600.000 đơn vị/phiên. DRH có kết quả kinh doanh quý I/2016 khởi sắc khi quay lại lĩnh vực bất động sản, cộng thêm “hiệu ứng” phát hành riêng lẻ, thông tin về đầu tư tài chính vào KSB… đã giúp giá cổ phiếu “thăng hoa”. Hay cổ phiếu HDA được giao dịch gần 98.000 đơn vị/phiên, giá tăng từ 8.300 đồng/CP lên 16.900 đồng/CP, chủ yếu nhờ quý I/2016, Công ty lãi hơn 3 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 96 triệu đồng).

Riêng trường hợp cổ phiếu S12, giá ngày 4/1 là 2.500 đồng/CP, hiện là 5.100 đồng/CP, thanh khoản rất thấp. S12 hiện thuộc diện bị hủy niêm yết do tổng số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2015. Ngày 19/5, S12 sẽ bị hủy niêm yết.

Tin bài liên quan