300.000 tỷ đồng huy động qua TTCK chảy về đâu?

300.000 tỷ đồng huy động qua TTCK chảy về đâu?

(ĐTCK) 300.000 tỷ đồng là tổng giá trị huy động vốn thông qua đấu thầu trái phiếu, phát hành thêm cổ phiếu trên TTCK Việt Nam năm 2015.

Con số này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ như một điểm sáng của TTCK năm ngoái, ngay sau khi Bộ trưởng gõ cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm Bính Thân tại Sở GDCK Hà Nội.

300.000 tỷ đồng vốn huy động trong 1 năm là con số đủ lớn để khẳng định vị thế TTCK là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nhìn sâu hơn vào con số này sẽ thấy, chủ thể huy động được nhiều nhất là Chính phủ, số vốn DN huy động qua TTCK còn rất nhỏ.

Cụ thể, năm 2015, kênh đấu thầu trái phiếu chính phủ qua HNX huy động được 249.689 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2014. Như vậy, trong 300.000 tỷ đồng vốn huy động trên TTCK năm 2015, thực chất chỉ 50.000 tỷ đồng là DN huy động được, chưa kể con số này gồm cả lượng huy động theo hình thức phát hành cổ phiếu thưởng, với bản chất DN không gọi thêm được dòng tiền mới, mà chỉ là thay đổi bút toán trên sổ sách của chính DN.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong khi kênh đấu thầu trái phiếu chính phủ đóng góp đến 80% tổng lượng vốn huy động được trên TTCK năm 2015 thì các thành viên tiêu biểu nhất trên thị trường trái phiếu lại chủ yếu là… ngân hàng.

TOP 5 thành viên tiêu biểu trên thị trường trái phiếu chính phủ năm 2015 được HNX biểu dương (dựa theo tiêu chí tham gia trên thị trường giao dịch thứ cấp, tham gia trên thị trường sơ cấp, tuân thủ nghĩa vụ thành viên…) có 4 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Chỉ duy nhất CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có mặt trong TOP này.

800 DN đang có cổ phiếu niêm yết trên 2 Sở GDCK là 800 DN mong muốn tiếp cận kênh huy động vốn mới để gọi vốn. Tuy nhiên, tìm vốn trên TTCK không dễ dàng. Sau giai đoạn 2006-2007 khi DN niêm yết quá dễ gọi vốn, thậm chí đã bán cổ phiếu với giá gấp 5, gấp 10 lần mệnh giá, các thành viên TTCK đã phải trải qua những bài học đắt giá, khiến các DN niêm yết sau đó rất khó huy động vốn mới. Lý do trước hết là nội lực của DN chưa đủ sức thu hút và thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn.

Bên cạnh đó, hình thức huy động vốn của DN còn khá đơn điệu. Một số trường hợp, DN tìm được đối tác góp thêm vốn mới, nhưng khung pháp lý hiện hành giữa các bộ, ngành bất nhất, gây cản trở một cách vô lý như trường hợp của Mekophar gần đây muốn tìm vốn từ đối tác Nhật Bản…

Xây dựng TTCK phái sinh và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 2 nhiệm vụ lớn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giao cho ngành chứng khoán năm 2016. Có thêm TTCK phái sinh sẽ tăng sức hút nhà đầu tư bỏ vốn vào DN; có thêm thị trường trái phiếu doanh nghiệp, DN sẽ thuận lợi hơn trong việc tìm cơ hội gọi vốn từ trái phiếu.

Hàng trăm tỷ đồng vốn huy động cho Ngân sách qua TTCK đã góp phần không nhỏ tạo nên sự tăng trưởng của nền kinh tế 3 năm gần đây. Tuy nhiên, với DN, huy động vốn qua TTCK vẫn còn là điểm yếu. Hy vọng khi TTCK “đủ lông đủ cánh”, DN sẽ không “yếu thế” trên sân huy động vốn và các nhà đầu tư lớn nhất sẽ đa dạng hơn, có nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức khác, chứ không chỉ hầu hết là... ngân hàng.

Tin bài liên quan