3 hướng gỡ khó cho nới room

3 hướng gỡ khó cho nới room

(ĐTCK) Sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định 60/2015, mục tiêu cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho TTCK chưa đạt, bởi đang bộc lộ khá nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng việc nới room.

Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), việc ban hành và áp dụng Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, trong đó có quy định về nới room cho NĐT nước ngoài, là một trong những đột phá chính sách đối với lĩnh vực chứng khoán trong năm 2015.

Quyết định nới room lên 100% thể hiện chủ trương mở cửa hơn nữa nhằm thu hút dòng vốn ngoại của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định 60/2015, mục tiêu cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho TTCK chưa đạt, bởi đang bộc lộ khá nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng cơ chế mới này. Đó là có cho phép NĐT nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần tại các DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK cao hơn 51% như quy định của Luật Đầu tư, thì mới bị coi là NĐT nước ngoài không? Đến nay DN trong nhiều ngành, lĩnh vực vẫn chưa biết mình có thuộc đối tượng được nới room hay không...  

3 hướng gỡ khó cho nới room ảnh 1

Vì những vướng mắc trên, mà đến nay tính chất đột phá của quy định nới room vẫn chưa mang lại hiệu quả trên thực tế. Bởi vậy, việc tháo gỡ nút thắt này được UBCK đặt thành trọng tâm triển khai các giải pháp phát triển TTCK trong năm 2016. Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, cơ quan này đang triển khai 3 hướng để tháo gỡ vướng mắc cho nới room.

Đầu tiên là UBCK đề xuất Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn nội dung về đầu tư gián tiếp tại Nghị định 118/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư như phân công của Chính phủ. Có hai hướng đang được cân nhắc: cho phép NĐT nước ngoài sở hữu từ 65% cổ phần trở lên của các DN niêm yết, đăng ký giao dịch, thì các DN này mới bị coi là NĐT nước ngoài; hoặc vẫn tuân thủ tỷ lệ như quy định của Luật Đầu tư, nhưng kèm theo các điều kiện như: người nước ngoài trong thành viên HĐQT tại DN phải chiếm đa số, họ phải sở hữu cổ phần trong một khoảng thời gian nhất định…, thì mới bị coi là NĐT nước ngoài.

Phương án hai là đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định về các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán, bởi theo quy định của Luật Đầu tư, các bộ không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (đang quy định tại nhiều thông tư trong lĩnh vực chứng khoán).

Nếu được cấp có thẩm quyền cho phép, thì việc hoàn thiện dự thảo nghị định này để trình Chính phủ ban hành không mất quá nhiều thời gian, vì chủ yếu chỉ phải rà soát và gom tất cả các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đang quy định rải rác ở nhiều thông tư. Nếu thuận lợi thì có thể ban hành nghị định này vào quý III/2016, để gỡ khó cho áp dụng quy định nới room.

Cuối cùng, một hướng tháo gỡ vướng mắc nữa, theo ông Bằng là UBCK đang tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật. Để triển khai theo hướng này, UBCK đang tập hợp, đánh giá chi tiết các vướng mắc, từ đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm sớm đưa quy định nới room vào cuộc sống.

Giới đầu tư và DN đang nóng lòng chờ đợi các vướng mắc về áp dụng quy định nới room sẽ sớm được gỡ bỏ, để không chỉ thực sự cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại của TTCK trong năm 2016, mà còn mở thêm cơ hội huy động vốn mới cho các DN.

Tin bài liên quan