Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

15 năm TTCK, nhớ chuyện “đặt tên” cho HNX

(ĐTCK) Hồi mới đi làm, anh em chúng tôi bằng cách này hay cách khác đều cố kiếm cho mình một quyển Investment Term của Nhà xuất bản Baron, mà vẫn hay gọi là quyển Baron (thực ra Baron có rất nhiều sách về thuật ngữ của các ngành khác nhau). 

Cuốn sách như một cẩm nang thần kỳ, vì cứ hễ gặp một thuật ngữ chứng khoán bằng tiếng Anh khó hiểu thì tra được ngay, còn nếu tra không thấy là đinh ninh từ mình đang tìm bị in nhầm (!).

Đến khi phải phục vụ việc viết văn bản pháp quy cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hay đơn giản chỉ là dịch tài liệu (để học thêm và cũng là một cách kiếm thêm thu nhập) thì mới thấy thật khó khăn, vì tiếng Việt không có những thuật ngữ tương đương. Ví dụ như “margin trading”, ông này bảo nên dịch là “vay mua”, bà kia lại bảo phải dịch thành “bảo chứng”, có anh đề nghị “cứ để tiếng Anh cho Tây dễ hiểu” (!). Lãnh đạo thấy thế liền bảo, tiếng Việt chưa có thì các cậu nghĩ đi, cứ dùng nhiều, lãnh đạo nghe quen tai đưa vào văn bản là thành công. Được sếp “tiêm” một “ống thuốc liều” như thế cũng thấy đỡ băn khoăn.

Về công tác tại Trung tâm GDCK Hà Nội (HaSTC), lại gặp rất nhiều thuật ngữ mới mà ngay cả cấp trên cũng cảm thấy khó hiểu. Điều khác ngày trước là các thuật ngữ này rất thuần Việt, toát mồ hôi cũng chẳng dịch được sang tiếng Anh. Nhân dịp 15 thành lập TTCK, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại.

Hệ thống giao dịch đầu tiên của HaSTC có một phương thức giao dịch được gọi là “báo giá trung tâm”. Thế nào là “báo giá trung tâm”? Ở đâu dùng phương pháp này? Tại sao lại áp dụng ở ta? Thực ra, lúc đó anh em đã thấy phương thức giao dịch là rất quan trọng để hấp dẫn các nhà đầu tư, mà nếu chỉ dùng khớp lệnh định kỳ thì rất kỳ, nên muốn áp dụng phương pháp khớp lệnh khác, vừa hấp dẫn khách hàng, vừa phù hợp với định hướng phát triển thị trường OTC.

Báo giá trung tâm là các lệnh giao dịch được chuyển về trung tâm, báo ra khắp các công ty chứng khoán để tìm lệnh đối ứng, mà tìm được là khớp liền. Lúc bấy giờ nghĩ đơn giản thế, khi triển khai một thời gian thì thấy “báo giá trung tâm” chẳng khác gì khớp lệnh liên tục. May mà nhà đầu tư cũng ưng, chẳng thắc mắc gì.

15 năm TTCK, nhớ chuyện “đặt tên” cho HNX ảnh 1

Hiện nay, HNX là Sở "3 trong 1" với 3 thị trường hoạt động sôi động, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế  

Từ năm 2008 về trước, khái niệm “đăng ký giao dịch” thường được dùng khi doanh nghiệp muốn lên sàn Hà Nội. Có lẽ việc sử dụng khái niệm này nhằm phân biệt sàn Hà Nội với các sàn anh em. Kẹt ở chỗ là chẳng biết dịch khái niệm này sang tiếng Anh thế nào cho chuẩn, vì cứ giải thích ngọn ngành thì chuyên gia nước ngoài lại bảo, đó chính là “listing” (niêm yết). Cố cãi, không, chúng tôi chỉ làm đăng ký giao dịch thôi, niêm yết thì chúng tôi cũng thích, nhưng chưa được làm.

Đến khi HaSTC được chuyển thành Sở GDCK Hà Nội (HNX) mới sử dụng khái niệm “niêm yết”, còn “đăng ký giao dịch” được bàn giao cho thị trường OTC. Điều đáng ngạc nhiên là Sở GDCK Thâm Quyến cũng dùng khái niệm “đăng ký giao dịch” cho thị trường OTC của họ.

15 năm TTCK, nhớ chuyện “đặt tên” cho HNX ảnh 2

Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cắt băng khánh thành trụ sở HNX  ngày 15/1/2012 

Khi Bộ Tài chính và UBCK chỉ đạo HNX mở thị trường giao dịch cho chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết. Trung tâm Lưu ký chứng khoán ủng hộ hết mình, hệ thống đã chuẩn bị xong, hàng hoá cũng hòm hòm, nhưng lại băn khoăn về cái tên dài quá, đọc lên rất dễ nhầm lẫn. Yêu cầu lãnh đạo Sở đặt ra là phải đặt cho được một cái tên ngắn gọn cho dễ nhớ, dễ đọc, lại “Tây Tây một tý cho nó sang”.

15 năm TTCK, nhớ chuyện “đặt tên” cho HNX ảnh 3

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX và bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn quản trị công ty tại HNX chúc mừng 10 doanh nghiệp tiến bộ nhất về minh bạch trên HNX giai đoạn 2013 - 2014 

Nhìn sang các sở GDCK các nước trong khu vực, Sở GDCK Thâm Quyến được gọi là ChiNext (có thể hàm ý EuroNext của Trung Quốc); Sở GDCK Singapore được gọi là SESDAQ (học tập NASDAQ, JASDAQ hay KOSDAQ) sau được đổi thành CataList, ghép từ “catapult” (một loại vũ khí công thành thời cổ đại dùng nguyên lý đòn bẩy) với “listing”, Sở GDCK Đài Loan được gọi là TIGER (Taiwan Innovative Growth Enterprises) nghe rất oai hùng. Nếu đặt tên cho Sở là VISDAQ thì dập khuôn quá.

Ngay trước ngày mang sản phẩm mới đi quảng bá ở ATIC (một sự kiện thường niên của ngành chứng khoán châu Á), anh em làm thị trường chợt nảy ra ý tưởng đặt tên UPCoM, tức là viết tắt của Unlisted Public Company Market, lại có ý nghĩa mong các công ty chóng lên giá hay lên sàn chính thức. Ý tưởng này được lãnh đạo Sở thông qua ngay và cái tên UPCoM chính thức trở nên phổ biến. Chỉ mỗi tội chỉ số này hay đi xuống, nên dân đầu tư hay gọi đùa là DownCom.

Cái tên Tây của Sở GDCK Hà Nội cũng là một sự ngẫu nhiên thú vị. Đề án trình lên lấy tên là HSE, nhưng tên miền không đăng ký được. Lúc đó đã có HOSE, hay là ta đặt HASE? Nghe gợi lại ý niệm Hasino và Hosino cũng không mấy vinh dự. Hay đặt là HAX? Mấy chữ viết tắt này đã được CTCP Hàng Xanh đăng ký làm mã cổ phiếu mất rồi. Hay là HSX? Lãnh đạo bảo cũng được, nhưng tên miền này đã được người khác đăng ký (về sau mới biết là HOSE đã đăng ký).

Quyết định Thủ tướng ký đến nơi mà chưa nghĩ ra được tên cho Sở.

Tình cờ ai đó bảo: “HNX có chưa, nghe cũng được đấy”. Hỏi Google cái đã, chưa có ai dùng. Chốt nhé. Ừ, cũng được. Văn phòng Chính phủ thắc mắc, sao lại dùng chữ X? Ô, sao lại không? Có đến mấy chục Sở, nhất là Sở trẻ khoẻ đều dùng X mà. Duyệt. Thế xong lại hỏi “cụ” Google lần nữa cho chắc, ui chao, lần này càng thấy bất ngờ vì HNX theo “tiếng Anh đường phố” có thể hiểu là Hot&Exciting - Nóng bỏng và Cuồng nhiệt. Quá chuẩn, đúng là phong cách dân chơi Hà Thành!

Tin bài liên quan