Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấ n Dũng tới dự Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
 của Sở GDCK TP. HCM vào ngày 25/7/2015

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấ n Dũng tới dự Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Sở GDCK TP. HCM vào ngày 25/7/2015

15 năm, ôn cố tri tân cùng TTCK

(ĐTCK) TTCK Việt Nam vừa kỷ niệm 15 năm hoạt động, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong quá trình phát triển của TTCK, có những ký ức mà những người trong cuộc không thể nào quên.

“Có lúc phải dẫn nhân viên làm môi giới bất động sản để kiếm sống qua ngày”

15 năm, ôn cố tri tân cùng TTCK ảnh 1

Ông Trần Thiện Thể, Tổng giám đốc CTCK Đệ Nhất 

Vậy là TTCK Việt Nam đã tròn 15 năm hoạt động. Nhớ lại những ngày đầu, đối với những người tham gia “khai phá” thì thật là “vạn sự khởi đầu nan”. Hầu như tất cả, từ nhà quản lý đến thành viên tham gia thị trường, chỉ biết đến TTCK qua sách vở và đa số đều từ các ngành khác chuyển qua. Chả bù với bây giờ, thế hệ trẻ được học, trang bị “tận răng” về kiến thức không chỉ trong nước, mà còn có các bằng cấp “khủng” của nước ngoài.

Khó khăn bấy giờ là chồng chất, phương tiện thô sơ, lèo tèo bảng điện chạy kết nối dial up qua moderm với tốc độ rùa bò. Hàng hoá niêm yết khan hiếm, thuyết phục mỏi mồm mà các doanh nghiệp vẫn không tham gia. Ban đầu, thị trường “sốt nóng”, nhưng sau đó “sốt rét” kéo dài, có những người làm việc trong ngành phải ỡm ờ trả lời “kế toán” hay “đầu tư tài chính” khi được hỏi đang làm công việc gì.

Hết cơn bĩ cực, đến hồi thái lai. Sự sơ khai của thị trường ban đầu đã đem lại cơ hội sinh lời lớn cho những người tham gia. Tại quận 5, TP. HCM, không ít nhà đầu tư là những người kinh doanh khu vực gần đó, tiền gửi vào, rút ra quay vòng đến chóng mặt và được đựng bằng thau nhựa, hoặc bao tải, chuyên chở bằng xe ôm cho tiện. Kiếm được dễ thì tiền ra cũng dễ, có hôm năm bảy khách hàng rủ nhau ra Saloon Quận 1 mua xe, qua Phú Mỹ Hưng mua nhà đồng loạt. Đến khi thị trường lao dốc, nhiều nhà đầu tư lặng lẽ rút khỏi thị trường, nhưng cũng có những ồn ào khi một bộ phận nhà đầu tư để lại “trái đắng” cho CTCK.

Từ thuở nào, TTCK là nơi không có chỗ đứng cho những người “yếu”: yếu vốn, yếu tâm lý. Có lúc thị trường đạt 1.100 điểm mà vẫn có người hùng hồn tuyên bố “chứng khoán Việt Nam còn rẻ so với thế giới”. Rẻ đâu chẳng thấy, nhưng bong bóng căng quá thì phải nổ. Chứng khoán Âu, Mỹ nổ trước, nhưng nhiều người vẫn hy vọng mức độ ảnh hưởng của nó đến Việt Nam là không cao. Khi chứng khoán Việt Nam “nổ”, nhiều tên tuổi CTCK một thời bỗng điêu đứng với số nợ cả trăm tỷ đồng do nhà đầu tư để lại, không biết đến bao giờ mới khắc phục xong. Nhiều “đại gia” ngày nào giờ lặng lẽ đi về bên… nhà trọ, hí hoáy nghiên cứu công thức cơ bản của kinh tế thị trường T-H-H’-T. Một số người làm việc tại CTCK vướng vào vòng lao lý, chiêm nghiệm cuộc đời giữa 4 bức tường và thốt lên “Giá mà…”.

Nhìn người ngẫm lại mình: quả là may mắn khi đến giờ vẫn an lành. Tiếng là kinh doanh trong môi trường khốc liệt, nhưng sức ép từ cổ đông không lớn đến độ phải đánh đu, mạo hiểm. Bản thân cũng bình dị, ngó trước trông sau nên không muốn “thà một phút huy hoàng rồi…”. Qua bao sóng gió của thị trường, có lúc phải dẫn nhân viên làm môi giới bất động sản để kiếm sống qua ngày, nhưng sau đó vẫn quay về với ngành nghề chính. Quan hệ với khách hàng nặng một chữ tình, triết lý kinh doanh đơn giản: người ta sống được, mình cũng sống được.  

“Anh hùng bàn phím vướng nút thắt cổ chai”

15 năm, ôn cố tri tân cùng TTCK ảnh 2

Ông Trần Tuấn Anh,  Nguyên thành viên HĐQT, Trưởng ban Kiểm soát Sở GDCK TP. HCM, Phó trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. HCM 

15 năm trôi qua vùn vụt. Mới ngày nào là năm 2000. Vào năm đó, TTCK Việt Nam đi vào hoạt động. Sáng sáng, vài chục nam thanh nữ tú từ các CTCK tập trung tại căn phòng hơn 200 m2, gọi là sàn giao dịch tại Trung tâm GDCK TP. HCM (HoSTC), để ngồi gõ lệnh mua bán nhập vào hệ thống giao dịch.

Sàn giao dịch nằm tại tầng trệt khu nhà B, trước vốn là nhà cho thư ký, thượng nghị sĩ chế độ cũ mỗi khi về họp tại hội trường Diên Hồng phía trước làm việc, ngủ nghỉ. Khi cải tạo thành sàn thì tiến hành đập tường nối thông nên có hai hàng, mỗi hàng có 4 cột lớn. Đường điện chạy nổi được lấy từ mạng âm tường có sẵn từ xưa, công tác phòng cháy chữa cháy được trang bị 4 bình chữa cháy lớn bên ngoài (dĩ nhiên là không có khái niệm cảm ứng báo cháy).

Thoạt tiên, có 12 bàn giao dịch, màu vàng, màn hình được giấu trong hộc, khá đẹp. Mỗi bàn có 2 màn hình giao dịch, màn hình giữa dành cho CTCK để truyền số liệu. CTCK sẽ truyền lệnh vào cho đại diện sàn thông qua màn hình này, hoặc bằng máy fax, điện thoại bàn, điện thoại di động.

Với phương thức này thì tự động ở đâu không biết, khi lệnh đến thì đại diện sàn bắt buộc phải gõ thủ công để nhập vào hệ thống. Như vậy, thông thường mỗi bàn sẽ có 2 người: 1 người nhập lệnh, 1 người đọc và soát lệnh.

Khi mới đi vào hoạt động, TTCK “sôi” sùng sục, nhà đầu tư xếp hàng tại các CTCK từ 5h sáng để đặt lệnh mua bán, “nóng” đến mức bản tin của HoSTC phải đăng tin: dự kiến ai mua chứng khoán sẽ phải giữ 90 ngày, không được bán liền - dĩ nhiên là tin dọa! Nhà đầu tư đông như thế nên xuất hiện tình trạng bên ngoài gọi là tranh mua khi thị trường lên, tranh bán khi thị trường xuống, còn giới trong sàn gọi là đua lệnh.

Điểm mấu chốt là ai nhập lệnh được nhanh vì lệnh vào trước sẽ được ưu tiên khớp trước. Vì thế, trước khi được chấp nhận làm đại diện sàn thì ngoài giấy phép hành nghề môi giới còn phải qua huấn luyện sử dụng phần mềm DCTerm để trở thành “anh hùng bàn phím”. Kiểm tra thử cho thấy, để nhập xong một lệnh chừng 20 ký tự trên bàn phím máy tính chỉ mất hơn 3 giây.

Ngoài kỹ năng nhập lệnh nhanh thì tốc độ truyền lệnh từ CTCK tới sàn giao dịch sao cho nhanh cũng là một vấn đề. Bây giờ, công nghệ hiện đại với smartphone, đường truyền băng thông rộng…, nhiều người khó hình dung về thời sử dụng Internet bằng dial up, rồi cân nhắc mãi xem việc truyền lệnh vào, công bố thông tin thị trường ra thì hạ tầng viễn thông có đáp ứng nổi không vì hồi đó mới dùng tới giao thức X.25 (đường truyền thường bị “nghẽn” khi lưu lượng gia tăng). Tới năm 2008, giao dịch trực tuyến ra đời đã giải quyết được tình trạng “thắt cổ chai” trong khâu nhập lệnh.

Có thể nói, sự cạnh tranh về thời gian đầu những năm 2000 được tính bằng giây thì qua giao dịch trực tuyến đã tính tới phần trăm (%) giây. Có một điều thú vị là khi lập dự án xây dựng lại tòa nhà B cao 12 tầng, nhiều người hy vọng các CTCK sẽ thuê ngay, vì một lý do đơn giản là nếu truyền lệnh từ đó vào hệ thống giao dịch sẽ rút ngắn được thời gian tính bằng phần trăm giây, tùy theo khoảng cách.

Đối với công chúng đầu tư thì thời gian được thể hiện bằng tốc độ thay đổi xanh đỏ trên bảng điện tử. Có lẽ, chờ đèn đỏ dưới trời nóng 40 độ còn chưa khó chịu bằng độ đỏ trên bảng điện. Mới phút trước còn xanh ngăn ngắt, mang lại sự mừng vui hoan hỉ, thì khi chuyển đỏ lại mang cảm xúc trái ngược hoàn toàn. Có trải qua những thời khắc đó mới thấm thía thế nào là “bầy thú điện tử”.

Tiếp xúc với tốc độ cao thì người trẻ phù hợp hơn nên nhân lực ngành chứng khoán từ CTCK, quỹ đầu tư, Sở GDCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… so với các ngành khác cũng trẻ hơn nhiều. Không ít đại diện giao dịch tại sàn ngày nào giờ trở thành tổng giám đốc, giám đốc các CTCK, công ty quản lý quỹ…

10 năm là một khoảng thời gian quan trọng để đo đếm sự thành bại của cá nhân, tổ chức. Nhà nước, tổ chức cũng thường đặt ra kế hoạch 5 năm, 10 năm. Nếu 1 cá nhân làm trong 1 tổ chức, hoặc tự kinh doanh làm giàu, sau 10 năm sẽ đạt những kết quả, thành tựu. Còn nếu sau 10 năm mà không thành tựu thì coi như lựa chọn nghề nghiệp, lĩnh vực kinh doanh sai.

Nếu để ý sẽ thấy, Trung tâm GDCK TP. HCM từ khi hoạt động phục vụ thị trường năm 2000 là đơn vị hành chính sự nghiệp, tới năm 2007 được nâng cấp, chuyển đổi thành Sở GDCK TP. HCM. Như vậy, chu trình 10 năm đã được rút ngắn xuống còn 7 - 8 năm. Ảnh hưởng của thời gian, của công nghệ lên TTCK là không thể phủ nhận và tất cả các thành phần liên quan đến thị trường đều được hưởng lợi từ sự tăng tốc này.

Tin bài liên quan