1.000 doanh nghiệp lên sàn: Vẫn dấu hỏi về minh bạch

1.000 doanh nghiệp lên sàn: Vẫn dấu hỏi về minh bạch

(ĐTCK) Kết thúc tháng 8, với việc tiếp nhận cổ phiếu CCH của Công ty cổ phần Tư vấn và Ðầu tư Xây dựng CCIC Hà Nội lên giao dịch trên sàn UPCoM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận một dấu mốc mới khi chạm mốc 1.000 doanh nghiệp (DN) niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Con số này gồm có 379 DN niêm yết và 621 DN đăng ký giao dịch. Sự phát triển nhanh chóng về quy mô là kết quả nổi bật, xuất phát từ tư duy chính sách, buộc các DN đại chúng phải minh bạch và lên sàn.

Bắt đầu từ năm 2014 với Quyết định 51/2014/QÐ-TTg, sau đó đến Nghị định 60/2015/NÐ-CP và các thông tư hướng dẫn, số DN sau cổ phần hóa, DN đại chúng (có trên 100 cổ đông, vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng) lên sàn tăng mạnh. Sàn UPCoM có ngày đón liền 4 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch.

Tuy nhiên, không phải các DN cứ lên sàn là “sang”, là minh bạch và có tính thanh khoản cao. Còn nhiều nỗi gian truân phải “chiến đấu” cho những giá trị từ thị trường chứng khoán (TTCK) được hiểu và thắp lên bởi chính các DN đại chúng.

Bên lề thị trường, không ít lãnh đạo DN không quan tâm đến việc cổ phiếu giao dịch hay không giao dịch. Ngày cổ phiếu chào sàn chẳng có ý nghĩa với DN  hay người lãnh đạo.

Phiên giao dịch cuối tháng 8, UPCoM có đến 425 mã hoàn toàn không có giao dịch. Thậm chí, có những DN còn không chịu đóng cả phí niêm yết (giá trị niêm yết dưới 100 tỷ đồng, đóng phí 15 triệu đồng/năm; giá trị niêm yết từ 100 - 500 tỷ đồng có phí 20 triệu đồng/năm…).

Ngoài những DN kiểu này, Bộ Tài chính mới đây công khai danh sách 747 DN thuộc diện đại chúng nhưng chưa lên sàn, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét xử phạt.

Bên cạnh việc xử phạt (như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, đây là giải pháp cuối cùng), để thúc đẩy sự minh bạch và thúc đẩy DN quan tâm đến giá trị của chính DN trên sàn bằng cách nào, vẫn là một câu hỏi lớn.

TTCK dường như chỉ quen được nhắc đến ở hai đầu đất nước, còn với các DN ở nhiều tỉnh, thành phố khác, đây vẫn là khái niệm xa lắc, xa lơ.

Ðể giá trị của sự minh bạch được nhận diện trong tư duy của các lãnh đạo DN, từ năm 2013, HNX đã thực hiện chương trình chấm điểm công bố thông tin và minh bạch. Trong các năm sau này, nhiều ý kiến cho rằng, nên mở rộng không gian chấm điểm sang sàn UPCoM, tuy nhiên, việc này vẫn chưa thực hiện được.

Năm 2017, HNX đổi tên chương trình thành đánh giá quản trị công ty (theo Nghị định 71/2017/NÐ-CP mới ban hành), nhưng cũng chỉ thực hiện trong phạm vi các DN niêm yết. Với trên 600 DN sàn UPCoM và gần 1.000 DN đại chúng khác, việc thẩm thấu khái niệm minh bạch vẫn còn là câu chuyện của… các năm sau.

Ngay với khối DN niêm yết, điểm công bố thông tin và minh bạch năm 2016 mà HNX công bố mới đạt 51,3%, trong đó 4 ngành có điểm trung bình thấp hơn 50% gồm thương mại và dịch vụ, xây dựng, bất động sản và thông tin truyền thông.

Ở mặt bằng minh bạch còn thấp, dù TTCK Việt Nam có được ghi nhận tăng trưởng (chỉ số) cao nhất khu vực thì khả năng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư quốc tế vẫn rất khó cải thiện. Nhà đầu tư cần hơn những nỗ lực tạo dựng chất lượng và niềm tin từ các DN, chứ không mấy quan tâm đến câu chuyện bề rộng, có thêm cổ phiếu kém minh bạch lên sàn.

Tin bài liên quan