Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mông Cổ và triển khai đối ngoại đa phương

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ts. Elbegdorj và Thủ tướng Mông Cổ J. Erdenebat, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 tại Ulaanbaator, Mông Cổ từ ngày 13-16/7.      

Việt Nam - Mông Cổ thúc đẩy hợp tác

Kể từ khi Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954), quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước luôn được duy trì và phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mông Cổ là một trong những nước có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ, sâu rộng cả về vật chất và tinh thần. 

Mông Cổ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối để Mông Cổ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển với Mông Cổ. 

Những năm gần đây, Việt Nam và Mông Cổ duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn cấp cao cũng như đoàn các cấp, các bộ, ngành, tổ chức hữu nghị. Từ năm 1979, hai bên đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học kỹ thuật, đến nay đã tổ chức được 15 kỳ họp. Tháng 12/2012, hai bên cũng đã trao công hàm chính thức công nhận lẫn nhau về quy chế kinh tế thị trường đầy đủ. 

Về kim ngạch thương mại song phương hai nước, năm 2015 đạt 34,98 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mông Cổ chủ yếu là điện thoại, rau quả, hàng tiêu dùng như bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, hoa quả đóng hộp, đậu phộng, kem đánh răng, xà phòng… 

Mặt hàng nhập khẩu từ Mông Cổ về Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm từ kim loại thường khác, một số mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Có thể nói , quan hệ thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn là do vận chuyển hàng hóa không thuận lợi. Hiện nay chưa có đường bay trực tiếp từ Việt Nam sang Mông Cổ, do đó phải sử dụng hình thức vận tải đa phương thức, trung chuyển nhiều nơi, chi phí vận chuyển cao. 

Bên cạnh đó còn do cơ cấu mặt hàng nhỏ lẻ, mặc dù Mông Cổ có diện tích lớn gấp 5 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ có 3 triệu người , thị trường tiêu thụ quy mô nhỏ. 

Thời gian qua, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại. Trong cuộc họp lần thứ 15 tổ chức ngày 18/3/2013 tại Hà Nội, Ủy ban liên Chính phủ hai nước đã thống nhất thỏa thuận sẽ hợp tác thực hiện các dự án cụ thể trong ngành trồng trọt, đồng thời tiếp tục đàm phán về việc sản xuất thức ăn gia súc và việc liên doanh xây dựng các nhà trồng rau tươi tại Mông Cổ. 

Với thế mạnh mỗi nước, hai bên có thể tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam có thể cung ứng cho Mông Cổ nhiều mặt hàng như gạo, hoa quả, chè, đường, một số loại nông, lâm sản khác… Việt Nam cũng mong muốn phía Mông Cổ cung cấp thịt, các sản phẩm gia súc, da thuộc, len… 

Việt Nam và Mông Cổ cũng đã ký kết các hiệp định về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và lĩnh vực khác. Năm 2009, hai bên đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulaanbaator. 

Việt Nam và Mông Cổ đã phối hợp sản xuất bộ phim “Cuộc sống như một bộ phim” của Mông Cổ với các cảnh quay tại Việt Nam và được trình chiếu rộng rãi tại Mông Cổ. Về lĩnh vực khoa học, hai cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và Mông Cổ là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ (MAS) cũng đã ký kết Hiệp định hợp tác nghiên cứu và có các hoạt động thăm viếng, trao đổi học thuật, phối hợp nghiên cứu chung giữa hai bên. Bên cạnh đó, các hội hữu nghị của hai nước cũng tích cực hoạt động, góp phần đáng kể vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. 

Chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này là dịp để hai bên trao đổi những phương hướng và biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước, duy trì mối quan hệ chính trị, cùng tìm kiếm biện pháp phù hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế, nông nghiệp, văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam-Mông Cổ. 

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ đối ngoại đa phương 

Sau khi thăm chính thức Mông Cổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 diễn ra tại Ulaanbaator trong các ngày 15-16/7/2016.

Trong bối cảnh hội nhập, liên kết kinh tế tiếp tục là xu thế hợp tác kinh tế quốc tế cùng với sự hình thành các hiệp định thương mại tự do có tầm ảnh hưởng toàn cầu, các định chế tài chính quốc tế mới, ASEM tiếp tục là diễn đàn đối thoại quan trọng được các thành viên Á-Âu thúc đẩy trong nỗ lực phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu. 

Với chủ đề “20 năm ASEM: Quan hệ đối tác vì tương lai thông qua kết nối,” Hội nghị sẽ có ba phiên thảo luận tập trung trao đổi các nội dung chính: Các vấn đề toàn cầu; Đánh giá hai thập kỷ quan hệ đối tác và định hướng hợp tác; Kết nối Á-Âu; Tình hình ở hai khu vực Á-Âu; Các vấn đề hợp tác ASEM. Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 gồm các hoạt động chính như: Lễ khai mạc, bế mạc, ba phiên họp và phiên nghe Báo cáo kết quả của bốn hoạt động lớn hướng tới ASEM 11 gồm (Hội nghị Đối tác Nghị viện Á-Âu, Diễn đàn Nhân dân Á-Âu lần thứ 11, Hội nghị mô phỏng Hội nghị Cấp cao Á-Âu, Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 15). 

Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam chú trọng hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương. Trong năm 2016, coi trọng diễn đàn ASEM, Việt Nam tham gia với nhiều nét nổi bật.

Thứ nhất, thông qua việc tổ chức “Hội nghị tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21” tại Hà Nội ngày 20/4/2016, Việt Nam tích cực tham gia đóng góp xây dựng định hướng hợp tác ASEM trong thập niên tới để đề xuất tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11. 

Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên của diễn đàn đa phương được tổ chức sau Đại hội lần thứ XII của Đảng và cũng là hội nghị tầm chính sách đầu tiên về ASEM do Việt Nam đăng cai kể từ sau Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5. 

Thứ hai, trong năm 2016, Việt Nam đã và đang triển khai ba sáng kiến. Về “Tuần lễ Thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức đói nghèo” đã tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh ngày 31/3-7/4/2016. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị mô phỏng Hội nghị Cấp cao ASEM và Tuần lễ Thanh niên ASEM. 

Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của thanh niên Á-Âu về khả năng hợp tác trong việc xóa đói giảm nghèo để phát triển bền vững và đồng đều; tạo ra diễn đàn để thanh niên có cơ hội trao đổi ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất các sáng kiến nhằm tăng cường hiểu biết giữa các thành viên ASEM và thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn để xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào nỗ lực chung ASEM trong việc triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Tiếp theo là hai sáng kiến “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Sáng tạo công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 14-15/9/2016; “ Diễn đàn ASEM về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện về bền vững” tổ chức tại Hà Nội ngày 27-28/10/2016. 

Trong năm 2016, Việt Nam cũng xác định chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của ASEM nhất là các lĩnh vực như: kết nối, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn nước, an ninh lương thực, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nâng cao quyền năng của phụ nữ, phát triển nguồn nhân lực... 

Qua hai thập kỷ tham gia ASEM (1996-2016), Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, phát huy vai trò và vị thế tại Diễn đàn như: tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 vào năm 2004; 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực (kinh tế, công nghệ - thông tin, ngoại giao, giáo dục, lao động). 

Việt Nam cũng đã đề xuất hướng giải quyết cho hai lần mở rộng ASEM và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa-văn minh,” “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM.”

Trong khuôn khổ ASEM, Việt Nam cũng tích cực khởi xướng, đi đầu thúc đẩy, triển khai nhiều sáng kiến hợp tác. Đến nay, Việt Nam đã đề xuất 22 sáng kiến và đồng bảo trợ 25 sáng kiến, trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn cùng nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, biến đổi khí hậu, giáo dục... 

Những năm qua, Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM như: Điều phối viên hai nhiệm kỳ 1999-2000 và 2001-2002; Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á-Âu giai đoạn 2008-2012. Hiện nay, Việt Nam đang phát phát huy vai trò tích cực trong 3 nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai và đào tạo nghề. 

Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 nhằm tiếp tục tích cực triển khai mạnh mẽ đối ngoại đa phương; thúc đẩy triển khai nhiều sáng kiến mà Việt Nam đi đầu khởi xướng như “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, hợp tác quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, giao lưu thanh niên và kỹ năng xanh...

Tin bài liên quan