Quốc hội muốn Chính phủ chỉ rõ hơn các yếu tố cản trở tái cơ cấu nền kinh tế

Quốc hội muốn Chính phủ chỉ rõ hơn các yếu tố cản trở tái cơ cấu nền kinh tế

(ĐTCK) “Chính phủ cần phân tích rõ hơn những yếu tố cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan...”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nói khi trình bày kết quả thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo nội dung thẩm tra được công khai tại phiên họp ngày hôm nay (22/3), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các thành viên Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chủ trương sửa đổi Hiến pháp, nghị quyết của Quốc hội về thi hành Hiến pháp, về xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ và hằng năm...

“Cùng với việc đề xuất các chính sách, pháp luật, sự điều hành, chỉ đạo tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc các lĩnh vực...”, ông Lý cho hay.

Cũng theo “chấm điểm” của Ủy ban Pháp luật, việc kiểm soát “nợ” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số văn bản được ban hành chậm, chất lượng chưa cao. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn tình trạng luật được ban hành và đã có hiệu lực pháp luật nhưng phải chờ nghị định, thông tư để thực hiện...

Việc gửi hồ sơ, tài liệu, báo cáo của Chính phủ phục vụ cho công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, nhất là các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số dự án luật còn chậm.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá kỹ hơn việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nước ngoài đóng góp tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; vấn đề nợ công.

Cũng cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp; vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả…

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá kỹ hơn vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước gắn với việc bảo toàn và sử dụng có hiệu quả vốn của Nhà nước... 

Tin bài liên quan