Trong hai ngày 26,27/4, một lớp tập huấn cho 40 nữ ứng cử viên nữ đại biểu Quốc hội đã được tổ chức

Trong hai ngày 26,27/4, một lớp tập huấn cho 40 nữ ứng cử viên nữ đại biểu Quốc hội đã được tổ chức

Nỗ lực tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ

(ĐTCK) Nhiệm kỳ 2011 – 2016, tỉnh Quảng Bình chỉ có 1 đại biểu Quốc hội nữ trong số 6 đại biểu Quốc hội. Tương tự, Quảng Trị có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 1/6. Còn Thừa Thiên Huế, thậm chí, không có đại biểu Quốc hội nữ nào.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2015 quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”.

Nghị quyết số 11 năm 2007 của Bộ Chính trị cũng đề ra nhiệm vụ “phấn đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%”.

So với mục tiêu Nghị quyết số 11 đề ra, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tại một số tỉnh như đã nêu trên là quá thấp. Trong khi nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, sự tham gia chủ động, tích cực của nam và nữ mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển.

Nhằm hỗ trợ các nữ ứng cử viên lần đầu tham gia tranh cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Dự án Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế”, một chương trình hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp, tài trợ tổ chức các lớp tập huấn tại nhiều địa phương.

Lớp tập huấn giúp các nữ ứng cử viên củng cố kiến thức tổng quan về Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương, vai trò của nữ giới trong chính trị, vấn đề bình đẳng giới trong các Luật hiện hành.

Cách thức xây dựng một chương trình hành động hấp dẫn, trình bày chương trình đó tại hội nghị tiếp xúc cử tri, cách thức làm việc với các cơ quan truyền thông…

Việc xây dựng đội ngũ nữ ứng cử viên có kiến thức, kỹ năng vững chắc là một trong nhiều biện pháp giúp đảm bảo thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và từng bước khẳng định vị thế của nữ giới trong đóng góp vào sự phát triển của đất nước, xã hội.

Khi công bố chỉ số PAPI vào giữa tháng 4 vừa qua, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: “Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới, báo cáo PAPI năm 2015 được công bố hôm nay cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới”.

Báo cáo PAPI thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy công quyền các cấp. Đây là một nguồn tham khảo giúp các nữ ứng cử viên đánh giá hiệu quả của bộ máy chính quyền và từ đó cân nhắc, xem xét xây dựng chương trình hành động.

Được biết, năm 2016, Dự án đã hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức 2 lớp tập huấn dành cho nữ ứng cử viên lần đầu, lớp miền núi phía Bắc với 50 học viên và lớp miền Tây đồng bằng sông Cửu Long là 45 học viên.

Mới đây nhất, ngày 26, 27/4, Dự án phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Thừa Thiên Huế tổ chức tập huấn dành cho 40 nữ ứng cử viên lần đầu từ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.

Trước đó, năm 2015, Dự án đã tài trợ và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 20 khóa tập huấn bồi dưỡng cho hơn 800 ứng cử viên nữ tiềm năng và 4 hội thảo nâng cao nhận thức của các lãnh đạo các cấp của tỉnh về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cán bộ nữ tham gia các cơ quan dân cử.

Tin bài liên quan