nhân dân và cử tri cả nước đang trông chờ các vị lãnh đạo sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển ngày càng nhanh hơn, thịnh vượng hơn trong tương lai (Ảnh Internet)

nhân dân và cử tri cả nước đang trông chờ các vị lãnh đạo sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển ngày càng nhanh hơn, thịnh vượng hơn trong tương lai (Ảnh Internet)

Khi chính khách xin lỗi người dân

Chuyện Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa nói lời xin lỗi thể hiện thái độ tôn trọng nhân dân, đồng thời đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các chính khách, đúng hơn là các vị lãnh đạo trước dân.     

Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh tuần qua và ngày mai (7/4), nhân dân cả nước đã và sẽ tiếp tục được chứng kiến giây phút thiêng liêng khi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ nhậm chức. Đây là lần đầu tiên, theo Hiến pháp 2013, nghi thức tuyên thệ nhậm chức được thực hiện, trước cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, trong tiếng nhạc Quốc ca rền vang và dưới “ánh sáng” của Hiến pháp 2013. Đó là thời khắc mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Khi lời tuyên thệ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, “nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó” vang lên, đó là lúc Nhân dân cả nước trao trọn niềm tin và sự kỳ vọng vào các nhà lãnh đạo mới.

Nhưng đúng như đại biểu Dương Trung Quốc, một trong những người người đề xuất tổ chức lễ tuyên thệ cách đây 2 nhiệm kỳ Quốc hội, đã nói, đây không phải là lúc để phát biểu về chương trình hành động, mà là lời hứa thực hiện nhiệm vụ. Bởi lời hứa tạo động lực cho người tuyên thệ, làm tăng trách nhiệm đối với người đảm nhận chức vụ, là cơ sở giám sát với người tiếp nhận chức vụ.

Chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn. Giờ đây, nhân dân và cử tri cả nước đang trông chờ các vị lãnh đạo sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển ngày càng nhanh hơn, thịnh vượng hơn trong tương lai.

Câu chuyện về lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng không khác bao nhiêu, bởi ông là một trong những thành viên của Chính phủ. Phát biểu của ông trước Quốc hội có thể gây hiểu lầm và lời xin lỗi là đáng được thông cảm, tôn trọng và chấp nhận. Nhưng đằng sau lời xin lỗi, điều nhân dân trông chờ là Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm hơn nữa, quyết tâm khắc phục thiếu sót trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng, trong các hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ nói chung, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát hứa cải thiện tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và từ nay đến cuối năm, cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, không còn tình trạng buôn lậu thuốc bảo quản thực phẩm qua biên giới…

Khi lời xin lỗi, lời hứa đã cất lên, nhân dân đòi hỏi Bộ trưởng Cao Đức Phát hãy thực hiện đúng điều đó và nhân dân sẽ giám sát. Đây là đòi hỏi đặt ra không chỉ riêng với Bộ trưởng Cao Đức Phát hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà còn với tất cả thành viên Chính phủ, tất cả các vị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Khi lời tuyên thệ thiêng liêng vang lên, cả dân tộc, cả đất nước đang ngóng đợi.

Mong các vị lãnh đạo đất nước xứng đáng sự tín nhiệm của cử tri, với trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Tin bài liên quan