Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: “Bây giờ tiến sĩ giấy nhiều..."

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: “Bây giờ tiến sĩ giấy nhiều..."

(ĐTCK) "Sắp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV rồi, cần cảnh giác với tình trạng anh đang làm vụ phó, rồi thăng lên vụ trưởng để đủ tiêu chí lọt vào danh sách bầu cử. Là con người sinh ra trong trời đất này phải làm gì được cho dân, cho nước, chứ cứ lên lãnh đạo để kiếm chác gì đó thì nguy lắm…"

“Bây giờ tiến sĩ giấy nhiều…”

Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhìn nhận như vậy khi đề cập đến định hướng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ý kiến của ông Đương được nêu ra trong ngày làm việc hôm nay (23/3), khi Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016), Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ…

Theo ông Đương, việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới tính đến các yếu tố đại diện cho vùng miền, ngành nghề, giới… là cần thiết, nhưng phải chú trọng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội.

“Chất lượng căn cứ vào đâu, có phải là tốt nghiệp đại học, tiến sĩ không? Bây giờ tiến sĩ giấy nhiều lắm. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội là phải chú trọng đến các tiêu chí về kinh nghiệm thực tế, cuộc sống; có bản lĩnh cao, dám nói những vấn đề của cuộc sống. Không ngại nói gai góc, thì thực tế mới tốt được…”, ông Đương nói.

Ông Đương cũng nhìn nhận, trong số các đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội tuy lớn tuổi, nhưng tư duy trẻ, quyết liệt như đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), còn khóa trước có đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Trong khi đó, nhiều đại biểu trẻ lại có tư duy “già”, vì thiếu kinh nghiệm cuộc sống.

“Sắp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV rồi, cần cảnh giác với tình trạng anh đang làm vụ phó, rồi thăng lên vụ trưởng để đủ tiêu chí lọt vào danh sách bầu cử. Là con người sinh ra trong trời đất này phải làm gì được cho dân, cho nước, chứ cứ lên lãnh đạo để kiếm chác gì đó thì nguy lắm…”, ông Đương cảnh báo.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), Quốc hội khóa XIV tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết, nhưng phải đảm bảo thực sự gần dân.

“Hoạt động của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách đang ngày càng hành chính hóa, chưa gần dân. Dân muốn gặp đại biểu Quốc hội cũng khó. Quốc hội khóa XIV phải thực sự khắc phục được hạn chế này, để Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực sự gần dân…”, bà Tâm đề nghị.

Còn “nợ” dân nhiều

Theo bà Tâm, một trong những vấn đề cử tri không hài lòng về hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII là hiệu lực giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chưa cao.

“Nhiều điều khoản trong một số luật chưa hợp lý, mà nếu đưa vào áp dụng sẽ không thực tế, khó khả thi, bản thân tôi không đồng tình, nhưng theo quy trình xây dựng luật, nếu không bấm nút thông qua, thì không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng bấm nút thông qua rồi sau đó rất trăn trở. Cảm thấy có ‘nợ’ với dân...”, bà Tâm nói.

"Là con người sinh ra trong trời đất này phải làm gì được cho dân, cho nước, chứ cứ lên lãnh đạo để kiếm chác gì đó thì nguy lắm…"

Cũng với tâm trạng tương tự, đại biểu Võ Thị Dung trăn trở, cử tri gửi nhiều đơn, thư khiếu nại tới bà, nhưng dù đã nỗ lực vẫn không đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

“Sự quan liêu của không ít cán bộ, công chức khiến cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa hiệu quả. Đại biểu Quốc hội chuyển đơn, thư khiếu nại của cử tri tới các cơ quan chức năng, nhưng không giải quyết được. Nay sắp hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII rồi, tôi thấy còn ‘nợ’ dân nhiều quá…:, bà Dung day dứt.

Theo ông Đương, hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Quốc hội còn nặng nghe báo cáo, nên làm sao sâu sắc, có tính phản biện cao được?

“Trong hoạt động giám sát, thành tích thì ca ngợi mức độ thôi, chứ tôi thấy còn vuốt ve nhiều quá. Một người mắc bệnh, thì phải nói rõ cho họ hiểu, dĩ nhiên phải nói khéo để tránh gây sốc...”, ông Đương nói

Cũng liên quan đến hoạt động của Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng tính tranh luận ở Quốc hội chưa đúng bản chất, vì nhiều khi chỉ là đại biểu đăng ký đứng lên trình bày quan điểm, chứ chưa được tranh luận trực diện, tới cùng về một vấn đề. Hạn chế này cần được khắc phục với Quốc hội khóa tới.

Tin bài liên quan