Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc

Đại biểu Quốc hội cảm thấy… xấu hổ

(ĐTCK) Trong hoạt động của mình với tư cách đại biểu chuyên trách, tôi có hai lần cảm thấy xấu hổ với nhận xét của cử tri về đại biểu chuyên trách…”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) chia sẻ.

Tiếc một chữ, một dấu phẩy?

Trong ngày làm việc hôm nay (28/3), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016)…

Ông Phúc cho biết: “Trong một lần tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh, một vị đại biểu chuyên trách đặt câu hỏi với tôi không biết các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách làm gì ở Quốc hội, mà để ban hành các đạo luật còn có nhiều điều, khoản thiếu chuẩn mực về câu cú, từ ngữ, chưa nói đến nội dung ý tứ”.

“Có lần một cán bộ tham mưu giúp việc của chúng tôi ở Văn phòng Quốc hội tâm sự: Đại biểu Quốc hội chuyên trách được nhà nước cho hưởng phụ cấp cao, hàng ngày có 1 xe đưa, đón, thế mà có trường hợp khi vụ giúp việc gửi văn bản xin ý kiến 1 chữ, 1 dấu phẩy cũng không cho được. Điều này làm cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải suy nghĩ, nhất là các đại biểu trong khóa tới...”, ông Phúc chia sẻ.

Cũng liên quan đến chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho biết, tại các kỳ họp Quốc hội, nhất là càng về sau có nhiều đại biểu vắng mặt, ít phát biểu. Đại biểu Quốc hội chưa phản ảnh được hết tâm tư, ý chí, nguyện vọng của người dân để Quốc hội bàn bạc và quyết định.

“Kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội. Có đại biểu vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước...”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thẳng thắn.

Theo ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng), làm đại biểu Quốc hội nhưng hoạt động chưa năng nổ, nghiên cứu không sâu các vấn đề nổi cộm, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân, không có tính phản biện, thiếu bản lĩnh, sợ va chạm..., thì đại biểu Quốc hội làm sao xứng đáng làm người đại biểu của dân?

“Tôi đề nghị Quốc hội khóa mới nên nghiên cứu quy định và chọn lựa đại biểu Quốc hội chuyên trách thật sự có năng lực, xứng tâm, xứng tầm và trọng trách được giao...”, ông Nghĩa đề xuất.

Hoạt động giám sát còn… hình thức

Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng theo cảm nhận của nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn không ít hạn chế.

“Bên cạnh kết quả rất tốt của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, thì các hoạt động giám sát khác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội còn nhiều tồn tại. Nội dung giám sát dàn trải, cách thức tổ chức chồng chéo, thiếu khoa học... Hiệu quả và hiệu lực hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nói chung chưa cao...”,  đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phát biểu.

“Tổ chức giám sát và cách thức tổ chức giám sát có cuộc chúng ta còn hình thức và kém hiệu quả. Thành viên của Đoàn giám sát chưa đảm bảo với yêu cầu của nội dung giám sát, thời gian giám sát ngắn, có những cuộc chỉ nghe báo cáo và ít giám sát trực tiếp nội dung giám sát nên hiệu quả chưa cao…”, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), nói.

Để giám sát có hiệu quả, bà Duyền đề nghị Quốc hội nên chọn nội dung giám sát, không dàn trải. Chỉ nên chọn từ 1-2 nội dung/cuộc giám sát của một địa phương hoặc một đơn vị trong năm. Đoàn giám sát cần có các cán bộ chuyên sâu của các ngành…

Chất vấn chưa truy được trách nhiệm

Chất vấn tại Quốc hội là nội dung thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri cả nước, nhưng theo nhiều đại biểu Quốc hội đang bộc lộ không ít hạn chế.

“Vấn đề quan trọng nhất của chất vấn là phải truy được trách nhiệm. Tôi cho rằng khâu này ta làm chưa tốt, thử kiểm lại hàng ngàn câu chất vấn trực tiếp và bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, không có câu nào là không hỏi trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, câu trả lời về vấn đề trách nhiệm cũng rất ít được trả lời…”, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhìn nhận: “Nhiều kiến nghị của cử tri, chúng ta có thể chất vấn, đặt câu hỏi và các Bộ trưởng hứa, trả lời bằng văn bản, nhưng nhiều việc vẫn không chuyển. Điều đó chứng tỏ, chúng ta chưa quyết liệt, chưa mạnh mẽ”.

“Tôi mong muốn nhiệm kỳ tới đại biểu Quốc hội phải làm tích cực hơn nữa và theo đuổi đến cùng những vấn đề mình chất vấn, kiến nghị…”, ông Thuyền nói.

Tin bài liên quan