Bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới 2016 - 2021: Kỳ vọng một Chính phủ hành động

Bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới 2016 - 2021: Kỳ vọng một Chính phủ hành động

Khi bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới 2016 - 2021 chính thức ra mắt ngày hôm qua (28/7), người dân kỳ vọng đây thực sự là một Chính phủ hành động nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức hôm nay để tăng trưởng và phát triển mạnh hơn trong tương lai, trước mắt là nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm 2016.     

Thực tế, 3 tháng qua, kể từ sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về một Chính phủ hành động. Hành động là khi ngay những ngày đầu, tháng đầu thành lập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chính phủ mới phải kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Danh sách 27 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021:

Hành động là khi ngay sau khi được thành lập, Chính phủ mới đã có một “Hội nghị Diên Hồng” với cộng đồng doanh nghiệp, ở đó, thông điệp “Chính phủ sẽ thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển” đã được phát đi.    

Hành động là ngay sau khi đi vào hoạt động, Chính phủ mới đã đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm của nền kinh tế; ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Hành động là khi trước những khó khăn, dấu hiệu đi xuống của nền kinh tế, Chính phủ nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Chính phủ mới đã “đánh trúng” kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Đó là điều đã được khẳng định, sau 3 tháng đầu tiên một Chính phủ hành động, liêm chính được thành lập. Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới. Song khó khăn, thách thức ở phía trước còn rất lớn, đòi hỏi Chính phủ mới phải hành động quyết liệt nhiều hơn nữa.

Câu chuyện hiện thời không chỉ là làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016, mà còn phải giải quyết hàng loạt tồn tại, điểm nghẽn của nền kinh tế. Từ chuyện nợ xấu, nợ công, bội chi ngân sách đang ở mức cao, đến hiệu quả vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp. Từ chuyện tái cấu trúc nền kinh tế còn đi những bước chậm chạp, tới chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng chưa tiến xa được bao lăm. Chưa kể, còn là phải cải cách thể thế kinh tế, tiến tới kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại hơn. Còn là làm sao để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực, hướng tới một năm 2035 thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ…

 “Bệnh” của nền kinh tế đã được bắt. Quyết tâm, nỗ lực đã có. Chính phủ mới cũng đã và đang hành động khi vừa ban hành Chương trình Hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nhằm thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Và quyết tâm cải cách, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính cũng đã nhiều lần được khẳng định. Nhưng quyết tâm phải biến thành hành động. Chỉ có hành động, Chính phủ hành động, địa phương hành động, doanh nghiệp hành động, cả nền kinh tế cùng hành động, mới có thể kỳ vọng đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Tin bài liên quan