Vụ “sử dụng sai hành lang an toàn đường sắt”: Vẫn còn nhiều dấu hỏi

(ĐTCK) Báo Đầu tư Bất động sản số ra mới đây có bài “Những dấu hỏi trong sử dụng đất hành lang an toàn đường sắt”, phản ánh sự buông lỏng quản lý của Công ty Hà Thái dọc theo hành lang tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (đoạn thuộc địa bàn phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi để cho tình trạng lấn chiếm và sử dụng sai mục đích phần đất hành lang này.

Theo đó, Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái là doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ sang công ty cổ phần do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối.

Trên tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (Hà Nội), Hà Thái được phê duyệt hạng mục xây dựng hàng rào bảo vệ đất hành lang hai bên đường, phục vụ quản lý, khai thác dịch vụ, ươm giống cây trồng, trồng cây thảo dược, rau sạch và hoa cây cảnh.

Tuy nhiên, theo hình ảnh thực tế từ hiện trường mà phóng viên ghi nhận, có hàng nghìn khối đất đang được vận chuyển chất thành đống ngổn ngang, đồng thời việc tập kết hàng hóa (có dấu hiệu là hóa chất độc hại - PV), gây mất an toàn đường sắt và có dấu hiệu sử dụng sai mục đích đã được cấp phép. Nếu chiếu theo Mục 2, 8 Điều 12 Luật Đường sắt số 35/2005/QH11, đó là các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Lê Minh Khai, Phó giám đốc Công ty Hà Thái khẳng định: “Chúng tôi chưa ký hợp tác kinh doanh với ai ngoài Công ty cổ phần Xây dựng - Thương mại Hùng Vĩ. Đoạn này chúng tôi có tuần đường đi kiểm tra thường xuyên, nếu có thông tin gì anh em về báo cáo ngay”.

Tiếp tục đi sâu tìm hiểu vụ việc, phóng viên Đầu tư Bất động sản phát hiện nhiều điểm nghi vấn về hoạt động của công ty này trong quản lý, khai thác, kinh doanh dự án. Trong đó, một trong những vi phạm là Hà Thái đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh khi hết hạn giấy phép xây dựng.

Cụ thể, ngày 25/3/2011, Hà Thái đã có Công văn số 158/ĐSHT-KD gửi Tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam về việc xin giải tỏa hành lang an toàn đường sắt và tổ chức phối hợp quản lý, khai thác. Theo đó, Công ty được chấp thuận cho thực hiện giải tỏa, xây dựng hành lang an toàn tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển (chưa cho phép khai thác kinh doanh - PV). Tuy nhiên, sau đó do chậm thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào hành lang an toàn đường sắt nên công ty này chưa thể triển khai dự án khi thời gian cho phép đã hết hạn.

Ngày 6/9/2012, sau khi tiếp tục nhận được đề nghị của Hà Thái, Đường sắt Việt Nam có Quyết định số 1217/ĐS-CSHT do Phó tổng giám đốc Trần Phúc Tiến ký đồng ý về việc gia hạn giấy phép xây dựng công trình. Quyết định nêu rõ: “Thời điểm kết thúc thi công theo Giấy phép xây dựng số 1353/GPXD ngày 23/12/2011 của Đường sắt Việt Nam: 30/6/2012. Thời gian gia hạn thi công: 365 ngày, từ ngày 01/7/2012 đến 30/6/2013. Lý do gia hạn: Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do phải tuân thủ các thủ tục và trình tự cưỡng chế, giải tỏa”.

Vụ “sử dụng sai hành lang an toàn đường sắt”: Vẫn còn nhiều dấu hỏi ảnh 1

Dự án triển khai khi giấy phép đã hết hạn  

Tuy nhiên, đến tận ngày 24/1/2014, tức là đã quá thời hạn cuối hơn nửa năm, Công ty Hà Thái vẫn ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 125/2014/HĐ-HTKD với Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Hùng Vĩ về việc triển khai dự án, trong đó vốn đầu tư 4 tỷ đồng toàn bộ do phía Hùng Vĩ đóng góp. Hợp đồng nêu rõ: “Bên A (Công ty Hà Thái) chịu trách nhiệm góp vốn và thực hiện toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết để xin các cấp phê duyệt, chấp thuận và cho phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các bên được thực hiện việc đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án. Bên B (Công ty Hùng Vĩ) chịu trách nhiệm góp vốn để thực hiện toàn bộ các việc thi công xây dựng các công trình của dự án theo bản vẽ thiết kế chi tiết và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt…”.

Bên cạnh đó, dù chưa được cho phép kinh doanh tại dự án này, nhưng trong hợp đồng vẫn có nội dung: “…Trong giai đoạn khai thác và kinh doanh dự án, bên A sẽ ủy quyền cho bên B thực hiện toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành và kinh doanh dự án”.

Chính ông Lê Minh Khai, Phó Giám đốc Công ty Hà Thái cũng thừa nhận: “Ngành đường sắt cho phép Hà Thái xây dựng hàng rào bảo vệ, thế nhưng trong lúc chưa có kinh phí thực hiện thì cho phép Công ty tự huy động vốn, cũng có một vài đơn vị đến hợp tác và dự kiến khai thác kinh doanh sau này. Còn hiện tại thì ngành đường sắt chưa cho phép khai thác kinh doanh”.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Trương Tiến Hùng, đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: “Việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Hà Thái với Công ty Hùng Vĩ khi giấy phép xây dựng hết hạn là sai quy định, cố ý làm trái quy định nhà nước, đồng nghĩa với việc hợp đồng này vô hiệu lực”.

Hai đơn vị trên đang và dự kiến sẽ triển khai những hạng mục gì trong phần đất hành lang đường sắt, Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.               

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan