Theo cư dân sở tại, vụ việc lấn chiếm của hộ gia đình ông Sính tại chung tư 12 Hàng Than đã diễn ra từ năm 1999 nhưng không được xử lý dứt điểm. Ảnh: Dũng Minh

Theo cư dân sở tại, vụ việc lấn chiếm của hộ gia đình ông Sính tại chung tư 12 Hàng Than đã diễn ra từ năm 1999 nhưng không được xử lý dứt điểm. Ảnh: Dũng Minh

Vụ lấn chiếm tại Chung cư 12 Hàng Than, chính quyền địa phương bó tay?

(ĐTCK) Theo phản ánh của người dân sống tại Chung cư 12 Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội), sự việc lần chiếm, xây sai phép của một hộ dân ở đây xảy ra gần 20 năm, nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm.

Tại chung cư 12 Hàng Than, các hộ dân ở đây đã nhiều lần đơn thư kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng hộ dân kề bên lấn chiếm đất lưu không, xây nhà ở trái phép bịt kín toàn bộ cửa sổ các hộ tầng 1 và tầng 2 của chung cư.

Biên bản làm việc của đại diện chính quyền địa phương đã đề nghị bên lấn chiếm phải “cắt bớt cột thép xuống thấp 10 cm để cửa sổ chung cư tầng 2 mở rộng được hết cỡ”.

Cụ thể, theo bà Trần Anh Thư, người được các hộ dân ủy quyền đại diện làm việc với các cơ quan chính quyền, chung cư số 12 Hàng Than được xây dựng hợp pháp từ năm 1979 trên diện tích đất UBND quận Ba Đình cấp. Khu chung cư này phía trước có một lối cổng chính đi ra phố Hàng Than - nay là số 12 Hàng Than, phía sau nhà có một cửa thoát hiểm đi ra khoảng sân chung vừa là giếng trời để lấy ánh sáng, không khí của chung cư.

Chính trên phần diện tích “sân chung - giếng trời” này, người dân cho biết, gia đình ông Phạm Chí Sính đã lấn chiếm và xây dựng nhà trái phép từ nhiều năm nay. Việc lấn chiếm diễn ra nhiều năm, mỗi lần sửa là một lần xây kiên cố hơn, mở chiều rộng, nâng chiều cao bịt kín toàn bộ cửa sổ tầng 1 và che lấp một phần cửa sổ tầng 2.

Các căn hộ tầng 1 không có chỗ lấy sáng, thông khí, nên tối tăm và ẩm thấp, ảnh hưởng sinh hoạt của các hộ dân. Vì vậy, các hộ dân chung cư đã có đơn thư, khiếu kiện từ năm 1999. Chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản hứa hẹn chuyển hộ gia đình đi nơi khác để giải phóng đất lưu không cho chung cư, nhưng đều chưa thực hiện.

Năm 1999, chính quyền địa phương có báo cáo xác định hộ gia đình này không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Năm 2002, hộ gia đình này tiếp tục lấn chiếm xây dựng mở rộng. Chính quyền địa phương đã ra văn bản cưỡng chế tháo dỡ bức tường mà hộ gia đình này chiếm đất xây dựng lấn sát vào tường chung cư và đã đè lên móng nhà chung cư. Nhưng thực tế chưa hoàn thành cưỡng chế.

Năm 2005, hộ gia đình này sửa chữa, nâng chiều cao, che lấp toàn bộ tầng 1 nhà chung cư. Văn bản giải quyết đơn khiếu kiện của các hộ dân đã xác nhận, diện tích của hộ gia đình này là lấn chiếm.

Gần đây nhất, ông Phan Chí Đông (con trai ông Sính) đã bán phần đất được chia cho chủ mới là bà Hương và chủ mới tiếp tục sửa chữa. Nâng cao mái, phần cao nhất đã ngang 1/3 tầng 2 của chung cư, lấn cả vào diện tích ban công của chung cư, khiến cửa sổ không thể mở ra được.

Khi cư dân kêu cứu, ngày 4/6/2017, đại diện chính quyền xuống lập biên bản, đưa ra cách giải quyết là: “Yêu cầu nhà bà Hương cắt bớt cột thép xuống thấp 10 cm để cửa sổ nhà tầng 2 mở rộng được hết cỡ”.

Tuy nhiên, chủ mới vẫn sửa chữa, mái tôn đã hoàn thành, bên trong đã thành nhà 2 tầng và đang lắp đặt nội thất.

Việc các chung cư cũ ở Hà Nội bị lấn chiếm diện tích lưu không, sân chơi là tình trạng phổ biến. Ở nhiều nơi, sân chơi đã bị lấn chiếm để làm nơi kinh doanh buôn bán, như các khu chung cư ở Thành Công, Giảng Võ... Trong khi đó, giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện ở chung cư cũ không triệt để dẫn đến ảnh hưởng điều kiện cuộc sống sinh hoạt người dân.

Cùng với tình trạng chung cư cũ xuống cấp, Hà Nội có chủ trương cải tạo chung cư cũ nhưng tiến độ rất ì ạch. Trên địa bàn Thủ đô có 1.273 chung cư cũ, nhưng sau hơn 10 năm, mới có 14 khu đã được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 khu đang phá dỡ và đang triển khai xây dựng. Có 4 khu nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời chưa có phương án xây dựng lại.

Gần đây nhất, tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2017, Hà Nội giới thiệu 13 dự án cải tạo chung cư cũ mong muốn thu hút đầu tư, nhưng số lượng này vẫn còn quá ít so với số lượng chung cư cũ cần cải tạo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan