Vụ án chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng tại UAC xuất hiện tình tiết mới

Vụ án chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng tại UAC xuất hiện tình tiết mới

(ĐTCK) Liên quan đến vụ án bị cáo Nguyễn Phương Mai - cựu Chủ tịch HĐQT của CTCP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (viết tắt là UAC) chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của khách hàng, công ty này kháng cáo phần trách nhiệm dân sự.

Quan điểm UAC đưa ra để từ chối bồi thường cơ bản không thay đổi so với phiên tòa sơ thẩm. Đó là Công ty không biết việc làm sai trái của bà Mai, số tiền huy động vốn không được nhập vào sổ sách Công ty, chủ trương huy động vốn không có, bà Mai vượt quyền huy động vốn... Nhưng trong phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa qua xuất hiện thêm các tình tiết mới để xác định trách nhiệm của Công ty. 

Sơ hở quy trình quản lý con dấu

Phiếu thu tiền là dạng chứng từ thể hiện quá trình giao dịch tiền. Bị cáo Nguyễn Phương Mai thừa nhận đã giả mạo chữ ký của kế toán trưởng, thủ quỹ; tự thuê khắc con dấu giả “Đã thu tiền”. Phòng Tài chính Kế toán khẳng định, các phiếu thu do 13 khách hàng đưa ra không phải do UAC phát hành.

Nguyễn Phương Mai khai nhận, bản thân lợi dụng chủ trương huy động vốn của UAC để ký kết các hợp đồng vay vốn, thỏa thuận vay vốn, hợp tác và trực tiếp nhận tiền của 13 cá nhân. Việc thu tiền diễn ra tại Công ty và có lúc tại ngân hàng. Khi thu tiền ở Công ty, bị cáo gọi văn thư mang dấu đỏ lên. Thời điểm thu tiền không có nhân viên kiểm đếm và thu tiền, không có ai chứng kiến.

Trái với lời khai của cựu Chủ tịch HĐQT UAC, các khách hàng khẳng định việc thu tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của bị cáo và có nhiều người đi lại. Sau khi nộp tiền, khách hàng được nhận phiếu thu có đầy đủ chữ ký.

Vì sao khách hàng nộp tiền tỷ không thông qua kế toán, thủ quỹ mà không mảy may nghi ngờ? Một khách hàng cho biết, khi tìm hiểu thông tin Dự án N04 Khu đô thị Đông Nam trên Sàn giao dịch Infotv thì được nhân viên môi giới giới thiệu đến UAC ký hợp đồng trực tiếp với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phương Mai. Khách hàng này bức xúc: “Người dân không biết quy trình của doanh nghiệp. Bà Mai là đại diện pháp luật, còn ai là thủ quỹ, kế toán, chúng tôi không thể biết được”.

UAC cũng thừa nhận không có quy trình hướng dẫn thu tiền cụ thể. Công ty có sơ hở trong quản lý con dấu dẫn đến việc bà Mai lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tiền khách hàng. Công ty khẳng định việc làm của bà Mai là lạm quyền. Tất cả giao dịch bị cáo thực hiện không thông qua Công ty và vượt quá 30% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất (khi đó, vốn điều lệ của UAC là 9 tỷ đồng). 

Mâu thuẫn lời khai

Đại diện ủy quyền của UAC tại tòa nhiều lần khẳng định, Công ty không ban hành nghị quyết huy động vốn Dự án N04. Bị cáo Nguyễn Phương Mai khai nhận, không có nghị quyết nhưng có các cuộc họp thể hiện chủ trương này.

Luật sư Nguyễn Thành Tài (bảo vệ bị hại) cho rằng, các hợp đồng vay vốn, thỏa thuận hợp tác ký kết giữa khách hàng và UAC là có giá trị pháp lý.

Tháng 7/2008, UAC tham gia liên danh với 3 doanh nghiệp khác là Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, CTCP Đầu tư Xây dựng công nghiệp, CTCP Thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư - Inveco để thực hiện dự án. Đến năm 2013, UAC đã rút toàn bộ vốn khỏi dự án trên.

Tại thời điểm ký kết hợp đồng, bà Mai là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Luật sư Tài trích dẫn một số bút lục cho thấy, ông Nguyễn Đình Thanh, Tổng giám đốc UAC có lời khai: “Thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty UAC, bà Mai là đại diện theo pháp luật chỉ đạo vay vốn để thực hiện dự án. Vì thế, bà Mai trực tiếp ký thỏa thuận với khách hàng. Phòng Kế toán Công ty chỉ nhận và theo dõi các thỏa thuận vay vốn khi khách hàng đã giao kết hợp đồng nộp tiền vào tài khoản Công ty”.

Như vậy, bà Mai là người duy nhất có đủ thẩm quyền để nhân danh và đại diện Công ty ký kết, đóng dấu pháp nhân vào hợp đồng với khách hàng.

Bản án sơ thẩm căn cứ Khoản 2, Điều 77, Luật Doanh nghiệp và Điều 618, Bộ luật Dân sự tuyên bố, UAC phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra. Sau khi xem xét toàn bộ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại do một số lời khai mới chưa được làm rõ. Về phía khách hàng, phải tiếp tục theo đuổi vụ việc để đòi lại quyền lợi.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.

Tin bài liên quan