Một buổi mở bán của Alibaba

Một buổi mở bán của Alibaba

Vụ Alibaba quảng bá không đúng sự thật: Cần xử nghiêm để tránh bất ổn thị trường

(ĐTCK) Theo hàng loạt thông tin được các phương tiện truyền thông đăng tải thời gian qua, Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi chung là Alibaba) đã có hàng loạt động thái nhằm thu hút hút khách hàng ứng trước vốn, mua đất nền dự án... 

Các cơ quan quản lý tại TP.HCM cũng đã có thông tin cho biết, những đơn vị này chưa hề là chủ đầu tư một số dự án mà họ đang chào mời người dân đặt cọc. Nếu đúng như vậy thì đây là hành vi trái pháp luật không thể chấp nhận trong môi trường kinh doanh cần phải nâng cao chữ tín một cách đặc biệt như bất động sản.

Thị trường bất động sản ảnh hưởng đặc biệt tới đời sống xã hội

Không như những thị trường khác, bất động sản ảnh hưởng đặc biệt tới người dân do nhu cầu ổn cư và nhà đất là “tài sản cả đời người”. Khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh này thường phải bỏ ra cả một gia tài, có người gom góp cả đời mới mua được một căn nhà, một mảnh đất. Nên khi “gặp sự cố”, sẽ ảnh hưởng không chỉ riêng đối với cá nhân người mua, mà còn đến cả gia đình, người thân. Trong thực tế, không ít gia đình tán gia bại sản vì vướng nợ nần mà nguyên nhân do các chủ đầu tư làm ăn thiếu minh bạch gây ra.

Bởi tính chất quan trọng đó mà trong hệ thống pháp luật nước ta có hẳn một sắc luật (Luật Kinh doanh bất động sản) riêng nhằm điều chỉnh thị trường này. Ngoài ra, Nhà nước còn ban hành hàng loạt văn bản dưới luật liên quan tới nhiều luật khác nhau để hướng dẫn, quản lý, thúc đẩy cho thị trường này ngày càng lành mạnh, minh bạch và hoạt động ổn định.

Trong đó thông tin khi công bố được lưu ý đặc biệt. Bởi thông tin không trung thực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro quá lớn cho người dân. Cụ thể, công khai không trung thực về bất động sản là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014.

 Luật sư Trần Đình Dũng

Hành vi công bố mình là chủ đầu tư và chào mời người mua dưới một số hình thức như đặt chỗ, góp vốn… trong khi mình chưa phải là chủ đầu tư dự án như Alibaba chính là hành vi gian dối về thông tin, vi phạm điều cấm của pháp luật. Để trở thành chủ đầu tư và có đủ điều kiện đưa ra rao bán nền, công trình hình thành trong tương lai, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, trước hết, doanh nghiệp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để trở thành chủ đầu tư, phải được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và các quy hoạch khác, phải hoàn tất giải phóng mặt bằng, phải hoàn tất cơ sở hạ tầng và có văn bản xác nhận của Sở Xây dựng cấp tỉnh, thành phố.

Trong khi các điều kiện để thành chủ đầu tư chưa có nhưng Alibaba vẫn quảng bá và nhận tiền đặt cọc là quá coi thường pháp luật. Những sai phạm này  là rất nghiêm trọng, làm rối loạn hoạt động thị trường bất động sản không chỉ ở khu vực TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu an cư của người dân.

Không chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính?

Pháp luật quy định, hành vi cung cấp không chính xác các thông tin liên quan đến bất động sản trong lĩnh vực kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính ở mức từ 50 đến 60 triệu đồng (Điều 35 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản). Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc cải chính thông tin trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định cụ thể đối với hành vi vi phạm pháp luật hành chính xảy ra một cách đơn lẻ.

Trong khi đó, thông tin từ nhiều cơ quan, chính quyền và báo chí cho thấy Alibaba có hàng loạt vi phạm và xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau.

Cụ thể, tại các dự án như Dự án Marine City (ở Bà Rịa - Vũng Tàu), Dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5…
(ở Đồng Nai), Công ty Alibaba đều tự nhận là chủ đầu tư để lấy tiền đặt chỗ của khách hàng. Ngoài ra, Alibaba được cho là có hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản theo hình thức đa cấp, tăng vốn điều lệ ảo (vào tháng 5/2016 Alibaba có vốn điều lệ 1 tỷ đồng nhưng đến tháng 9/2017 đã lên đến 1.600 tỷ đồng).

Những vi phạm như trên không phải xảy ra đơn lẻ mà diễn ra có hệ thống gồm nhiều hành vi, nên khó có thể áp dụng xử lý hành chính đối với Alibaba mà cần phải xem xét một số sai phạm liên quan đến pháp luật hình sự.

Việc Alibaba trong một thời gian ngắn mà báo tăng vốn từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng như báo chí nêu là có dấu hiệu bất minh liên quan đến hành vi báo cáo không đúng sự thật với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Đồng thời, với những sai phạm về sở hữu dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ sự thật để xử lý, bởi có thể dẫn đến một số cá nhân điều hành ở Alibaba vi phạm pháp luật hình sự khi đưa thông tin giả nhằm chiếm đoạt tiền người dân, có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Xử lý nghiêm đối với những sai phạm của Alibaba không chỉ để răn đe đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh này mà còn nhằm tránh bất ổn cho hoạt động của thị trường bất động sản. Một lĩnh vực có ảnh hưởng quá lớn trong đời sống xã hội.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan