Nếu ngân hàng cho vay nóng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, cần khẩn trương đặt vấn đề siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Nếu ngân hàng cho vay nóng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, cần khẩn trương đặt vấn đề siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nên nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản mạnh hơn

(ĐTCK) Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vừa được ban hành mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên nâng hệ số rủi ro bất động sản sớm hơn và mạnh hơn.

Theo ông, việc NHNN ban hành Thông tư 06 sẽ tác động như thế nào tới thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng?

Thông tư 06 có nhiều điểm sửa đổi và bổ sung Thông tư 36, trong đó có 3 điểm đáng quan tâm là điều chỉnh giảm dần tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn, điều chỉnh hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản và điều chỉnh tỷ lệ sử dụng nguồn vốn huy động đầu tư trái phiếu chính phủ.

Hai vấn đề đầu đã được giới tài chính ngân hàng bàn luận sôi nổi trong thời gian qua với những luồng ý kiến trái chiều về dự thảo bổ sung và Thông tư 06 ban hành có thể xem như một giải pháp dung hòa.

Cùng quan điểm với nhiều chuyên gia kinh tế khác, tôi cho rằng, Thông tư 06 được ban hành là phù hợp, giảm tác động mạnh đối với thị trường bất động sản và thị trường tín dụng nói chung.

Theo dự thảo trước đây, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống tới mức 40% và hệ số rủi ro cho kinh doanh bất động sản lên đến 250%. Nếu tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn giảm mạnh đến thế, nhiều ngân hàng sẽ lúng túng vì thời gian qua họ chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Khi tình hình lãi suất không ổn định, phần lớn khách hàng gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn để hưởng lãi suất cao hơn khi các ngân hàng thường xuyên điều chỉnh lãi suất huy động.

Một điều đáng quan tâm là tại các quốc gia có hệ thống ngân hàng tiên tiến, các ngân hàng có một loại tiền gửi không kỳ hạn nằm trong các tài khoản vãng lai (current account) được gọi là loại ký thác lõi (core deposit). Loại tiền gửi này thường chiếm khoảng 20% tổng số dư tiền gửi và dù đây là loại tiền gửi không kỳ hạn, nhưng được ký thác thường trực cho các ngân hàng, nên các nhà băng có thể dùng để cho vay trung và dài hạn.

Tại Việt Nam, loại ký thác lõi này rất thấp và chủ yếu vốn huy động nằm trong các tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn ngắn. Chính vì thế, nếu tỷ lệ sử dụng vốn kéo xuống từ mức cho phép 60% như hiện nay xuống 40%, nhiều ngân hàng sẽ phải siết lại rất chặt hoạt động cho vay trung và dài hạn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nên nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản mạnh hơn ảnh 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu, 

Về cơ bản, hệ thống ngân hàng hiện nay đã thận trọng hơn trong việc cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đang đứng trước tình trạng không “đủ ăn” (không có lợi nhuận để chia cổ tức). Do đó, các nhà băng sẽ tìm mọi cách để kiếm lợi, mà lĩnh vực “béo bở” nhất chính là cho vay bất động sản. Tất nhiên, đi cạnh với đó là rất nhiều rủi ro, cạm bẫy, vì thị trường bất động sản luôn biến động và đi theo chu kỳ lên xuống của nền kinh tế. Giá trị bất động sản lên xuống theo chu kỳ mà các ngân hàng lại dựa chủ yếu vào giá trị của bất động sản để cho vay.

Rủi ro lớn ở chỗ, khi cho vay tại thời điểm nóng, giá bất động sản tăng cao, ai cũng muốn mua, muốn vay và cho vay, nhưng khi thị trường bất động sản đổi chiều thì nhiều nhà đầu tư và người đi vay “bỏ của chạy lấy người” còn các ngân hàng phải lãnh đủ.

Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam được phép huy động vốn từ người dân để xây dựng và kinh doanh bất động sản đã tạo ra rủi ro rất lớn cho người dân. Tại các nước có hệ thống ngân hàng lâu đời, nhà đầu tư không được phép huy động vốn công khai và đại trà từ dân chúng (chỉ có ngân hàng mới được phép làm việc này) mà chỉ có thể vay tiền tại các tổ chức tín dụng.

Chủ đầu tư xây dựng xong, bán hàng và thu tiền để trả lại cho ngân hàng. Câu chuyện về Chung cư The Harmona (TP. HCM) đang diễn ra hiện nay là một ví dụ điển hình cho thấy thị trường tài chính Việt Nam có rất nhiều lỗ hổng và người dân dễ gặp phải rủi ro.

Bởi vậy, tôi cho rằng, việc NHNN ban hành Thông tư 06 là hợp lý khi siết lại tín dụng bất động sản với lộ trình giữ nguyên hệ số rủi ro 150% trong năm nay, năm sau sẽ tăng lên 200%. Lộ trình này có vẻ “mềm” nhằm tránh tác động mạnh đến thị trường bất động sản, cũng như giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với quy định mới.

Ông có cho rằng, việc ban hành Thông tư 06 thể hiện NHNN đã “nới tay” với thị trường bất động sản?

Như tôi nói ở trên, lộ trình nâng hệ số rủi ro lên 200% vào năm sau là một điều chỉnh “mềm”. Tuy nhiên, cảnh giác với nguy cơ bong bóng bất động sản là không bao giờ thừa. Theo tôi, NHNN nên tiếp tục xem xét nâng hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản lên đến 250% trễ nhất vào năm 2018 vì những lý do tôi đã nêu trên.

Về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tôi cho rằng, quy định các ngân hàng dùng 50% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn có rủi ro về thanh khoản, kỳ hạn, bởi hiện nay, người gửi tiền chủ yếu gửi kỳ hạn ngắn và hệ thống ngân hàng Việt Nam thiếu loại core deposit có thể dùng để cho vay trung và dài hạn. Do vậy, dù đồng tình với lộ trình mà NHNN đưa ra, nhưng tôi đề xuất có thể rút ngắn giai đoạn 2, kéo tỷ lệ 50% xuống 40% sớm hơn chứ không đợi đến 1/1/2018.

Nhìn chung, trong năm 2016, chúng ta vẫn giữ nguyên trạng, quan sát thị trường trong năm 2017, nếu ngân hàng vẫn cho vay nóng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, cần khẩn trương đặt vấn đề siết lại hai điểm trên, càng sớm càng tốt.

Nhìn rộng hơn đối với nền kinh tế, theo ông, Thông tư 06 có tác động như thế nào?

Nền kinh tế đang tăng trưởng chậm, mức tăng trưởng GDP 5,46% trong quý I không được như mong muốn. Đồng thời, nền kinh tế đang có nguy cơ quay trở lại lạm phát, sức cầu chậm lại, VND đang đối diện với sự bất ổn từ phía Trung Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình trạng nhập siêu…

Siết lại tín dụng sẽ khiến phát triển kinh tế vĩ mô ngày càng khó khăn nên NHNN đã đưa ra một lộ trình giảm phù hợp. Tuy nhiên, vẫn cần bám sát thị trường để đối phó kịp thời khi tăng trưởng tín dụng quá nhanh gây ra rủi ro hệ thống, khi nguy cơ mất thanh khoản chực chờ và những rủi ro khó lường của thị trường bất động sản.

Chúng ta đã có bài học nợ xấu từ tín dụng bất động sản tăng nóng và những khó khăn hiện tại buộc chúng ta phải tính đến siết lại cho vay bất động sản, mặc dù việc này có thể khiến nền kinh tế Việt Nam phải chịu “đau nhức”. Cơn đau này giúp chúng ta thêm cảnh giác với nguy cơ nợ xấu, bong bóng bất động sản, là liều thuốc đắng để giã tật.

Một điều nữa cần quan tâm là chúng ta không có một thị trường vốn có khả năng cung cấp nguồn vốn trung, dài hạn cho DN. Phần lớn các DN không có khả năng và uy tín để phát hành trái phiếu trên thị trường vốn.

Thị trường vốn của Việt Nam cũng vắng bóng những nhà đầu tư cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí, hãng bảo hiểm… là những nhà đầu tư dư tiền sẵn sàng mua trái phiếu DN trung và dài hạn. Do vậy, DN chỉ có một con đường là tìm tới ngân hàng để vay vốn, trong khi nếu có thị trường vốn hoàn thiện, DN sẽ có nhiều lựa chọn và không phải lệ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng.

Tại Việt Nam, thị trường tiền tệ đã phát triển rất mạnh trong 20 năm qua, tuy nhiên, thị trường vốn 30 năm rồi vẫn chưa phát triển tương xứng. Chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng một thị trường vốn phù hợp.

Việc lui lại thời điểm áp dụng đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động có làm chậm tiến trình tuân thủ các quy định của Basel?

Quản trị rủi ro là một trong những mục tiêu quan trọng của Basel và Thông tư 36, cũng như Thông tư 06 siết lại hoạt động tín dụng để hệ thống ngân hàng đi vào đúng quỹ đạo nhằm thực hiện Basel II. Tuy nhiên, Thông tư 06 đưa ra một lộ trình tương đối “mềm” để giảm thiểu tác động lên thị trường. Lộ trình có tính cách dung hòa này có thể làm chậm lại tiến độ thực hiện Basel II tại Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, chúng ta chưa sẵn sàng áp dụng Basel II.

Chúng ta dường như đang tiến thoái lưỡng nan: một mặt muốn đi vào sân chơi quốc tế, một mặt khác chưa đủ sức đối phó với các lực cản, đó là câu chuyện của ngành ngân hàng (cần tiếp tục tái cơ cấu, ổn định đồng nội tệ, kiểm soát lạm phát…) và kinh tế vĩ mô (nền kinh tế gặp nhiều khó khăn: xâm nhập mặn, khô hạn…; xuất khẩu không ổn định; du lịch giảm…).

Tiến trình gia nhập sân chơi quốc tế đang gặp nhiều trở ngại nhưng tuân thủ các nguyên tắc quốc tế là con đường phải lựa chọn. Nếu muốn vào Basel II bắt buộc phải có sự hy sinh, cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội phải chịu hy sinh ở một mức nào đó để hội nhập.

Thông tư 06 đã cho thấy sự nhân nhượng của cơ quan quản lý đối với thị trường, nhưng nếu nhân nhượng quá nhiều, nhà quản lý sẽ chậm lại trong tiến trình cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam và sẽ trả giá trong thời gian tới nếu tiếp tục nhân nhượng. Phải chăng nền kinh tế đang đòi hỏi quá nhiều ở hệ thống ngân hàng?

Tin bài liên quan