Cổ đông Prosimex đã đồng ý mức giá 26.000 đồng/CP, chưa bằng 1/3 giá trị của mức giá ban đầu

Cổ đông Prosimex đã đồng ý mức giá 26.000 đồng/CP, chưa bằng 1/3 giá trị của mức giá ban đầu

Tranh chấp tại Prosimex: Cổ đông chấp nhận bán cổ phiếu giá bèo

(ĐTCK) Những tranh chấp tại Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex (Prosimex) đã dần khép lại, khi mới đây, cổ đông và Ban lãnh đạo Công ty thỏa thuận thành công giá chào bán cổ phiếu.

Sau nhiều lần đàm phán, đầu tháng 12 vừa qua, nhóm cổ đông (nắm giữ 9,36% vốn) đồng ý chuyển nhượng lại 159.091 cổ phần Prosimex cho ông Bùi Quang Đông (nhà đầu tư bên ngoài) với giá 26.000 đồng/CP. Việc chuyển nhượng được chia làm 2 đợt. Đến ngày 15/12/2016, tất cả các cổ đông đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới.

So với con số 80.000 đồng/CP mà cổ đông đưa ra trước đây, mức giá 26.000/CP chưa bằng 1/3. Chính đại diện nhóm cổ đông này cũng thừa nhận, mức giá này là không thỏa đáng. Bởi lẽ, 10 năm trước, cổ đông mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP và trong thời gian Prosimex hoạt động, cổ đông chỉ được chia cổ tức duy nhất một lần. Trong khi đó, Prosimex vẫn có tài sản thuộc diện “đất vàng” giữa Thủ đô.

Mâu thuẫn tại Prosimex bắt đầu nổ ra từ cuối năm 2015 và được Báo Đầu tư Chứng khoán phản ánh qua một loạt bài. Theo đó, Prosimex tiền thân là Công ty Sản xuất gia công hàng xuất khẩu Prosimex được thành lập từ năm 1989. Năm 2006, Công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex, trực thuộc Bộ Công thương, vốn Nhà nước chiếm 56,6%. Từ sau cổ phần hóa đến nay, Prosimex thường xuyên kinh doanh thua lỗ, tồn tại nhiều công nợ.

Để vay hơn 120 tỷ đồng, Ban giám đốc Prosimex dùng tài sản của Công ty để thế chấp ngân hàng. Khối tài sản gồm lô đất và văn phòng làm việc có diện tích 8.900 m2 tại địa chỉ 45/35 Khương Hạ, Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội (vốn là trụ sở chính của Công ty); lô đất 15.000 m2 tại đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng và 3 xe ô tô.

Cũng theo đơn thư của nhóm cổ đông trên, năm 2014, Ban lãnh đạo Prosimex đã ký bán mảnh đất diện tích 8.900 m2 cho Công ty cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (Videc).

Tuy nhiên, tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Prosimex không hề đề đến cập việc bán thanh lý tài sản, mà chỉ trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh liên kết để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và xây căn hộ để bán.

Thực tế, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Prosimex đã thông qua việc lựa chọn đối tác chiến lược là Công ty Videc, thực hiện dự án chuyển đổi đất tại số 349 phố Vũ Tông Phan, Hà Nội. Theo đó, Prosimex được nhận khoản lợi nhuận tối thiểu là 75 tỷ đồng và 500-1.000 m2 diện tích văn phòng. Công ty Videc ứng trước lợi nhuận trong năm 2014 thanh toán trả nợ cho ngân hàng số tiền 45 tỷ đồng để giải chấp tài sản đảm bảo , trả tiền thuê đất còn nợ trong giai đoạn 2011-2014 số tiền 7 tỷ đồng, chi phí thuê văn phòng, hỗ trợ người lao động sau khi cơ cấu lại Công ty là 5 tỷ đồng (tổng cộng 57 tỷ đồng)…

Chính việc không minh bạch thông tin, không quan tâm đến quyền lợi cổ đông, nên trong một thời gian dài, giữa cổ đông và Ban lãnh đạo Prosimex luôn xảy ra căng thẳng. Đỉnh điểm là tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 30/6/2016, cổ đông đã phản ứng dữ dội khi các chất vấn không được giải đáp thỏa đáng, trong khi Chủ tịch HĐQT Công ty có lời lẽ nặng nề, quát tháo cổ đông. Sau đó, nhiều cổ đông giăng biểu ngữ phản đối và bỏ về.

Ngoài ra, mâu thuẫn trong nội bộ Prosimex còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của đối tác là Công ty Videc (chủ đầu tư Dự án Riverside Garden).

Ngày 17/11/2016, Prosimex đã tổ chức buổi trao đổi trực tiếp với các cổ đông, có đại diện chính quyền địa phương và Công ty Videc, nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Toàn bộ cổ đông có mâu thuẫn thống nhất đề nghị Prosimex mua lại cổ phần, hoặc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư bên ngoài. Ban lãnh đạo Prosimex đã tìm kiếm, liên hệ với nhà đầu tư mới và thống nhất mức giá như kết quả nói trên.

Xung đột lợi ích giữa cổ đông và lãnh đạo công ty lâu nay vốn không phải câu chuyện hiếm. Tuy nhiên, để tránh những xung đột có tính tiêu cực, gây hệ quả xấu đến hoạt động kinh doanh, thiết nghĩ, doanh nghiệp cần phải quan tâm xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa các cổ đông và dung hòa lợi ích giữa các bên.          

Tin bài liên quan