Thanh tra Bộ Xây dựng đã có quyết định thanh tra đối với Vicem và các đơn vị thành viên

Thanh tra Bộ Xây dựng đã có quyết định thanh tra đối với Vicem và các đơn vị thành viên

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, những câu hỏi cần làm rõ

(ĐTCK) Hàng loạt động thái khó hiểu trong hoạt động tại Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và các đơn vị thành viên đang khiến thị trường đặt ra nhiều nghi vấn về những khuất tất tại doanh nghiệp hàng đầu ngành vật liệu xây dựng này. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng vừa có quyết định thanh tra đối với Vicem và các công ty thành viên.

Làm khó đơn vị thành viên?

Ngày 29/11/2010, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã có Quyết định số 01995/QĐ-XMVN về việc “Đầu tư xây dựng công trình hệ thống làm kín lò nung bằng graphit”. Đến tháng 1/2011, Dự án chính thức có quyết định đầu tư, với tổng mức đầu tư lên đến 77.768.260.000 đồng.

Kết quả đấu thầu thực hiện Dự án, Công ty ITECA SOCADEI SES (Cộng hòa Pháp) thắng thầu với số tiền sát sao là 77.767.259.767 đồng, chỉ kém tổng mức đầu tư dự toán đúng 1 triệu đồng.

Theo Hợp đồng số 008-48/XMVN - ITECA, từ tháng 7 - 9/2012, Công ty ITECA có trách nhiệm thi công Dự án tại 6 công ty là: Vicem Bỉm Sơn; Vicem Hải Phòng; Vicem Hoàng Mai; Vicem Hoàng Thạch; Vicem Kiên Lương và Vicem Tam Điệp.

Với số tiền đầu tư lớn, nhưng chỉ sau gần 2 năm hoạt động, chưa có đánh giá kết quả rõ ràng, ngày 21/2/2014, Vicem đã có Văn bản số 307/XMVN-HĐTV yêu cầu chuyển nhượng tài sản cho các đơn vị thành viên, nhằm thu hồi vốn đầu tư vào dự án này. Việc chuyển nhượng tài sản được phân bổ cho 6 thành viên. Theo đó, đơn vị phải chuyển trả cho Vicem ít nhất là Vicem Kiên Lương với 6,4 tỷ đồng. Năm đơn vị thành viên còn lại được phân bổ thanh toán từ 12,3 - 13,6 tỷ đồng về Công ty mẹ.

Việc Vicem bất ngờ thu hồi vốn đầu tư theo phương thức chuyển nhượng tài sản, khi chưa biết hiệu quả của Dự án đến đâu đã khiến các đơn vị thành viên bị động. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường vật liệu đang rất khó khăn, đã khiến các đơn vị thành viên càng thêm khó khăn về mặt tài chính. Không ít đơn vị sau đó, để có tiền hoàn vốn cho Tổng công ty, đã phải vay vốn ngân hàng để hoàn vốn cho Vicem.

Trong khi đó, vật tư nguyên liệu để thi công Dự án “Đầu tư xây dựng công trình hệ thống làm kín lò nung bằng graphit” sau này được một số đơn vị thành viên xác định đã bị đội giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế. Chẳng hạn như tại Vicem Tam Điệp, toàn bộ vật tư này đắt nhất chỉ có 198 tấm graphits. Theo giá thị trường, một tấm graphits nhập từ  Pháp có giá thành 6,225 triệu đồng (sau thuế). 198 tấm graphits có tổng giá thành hơn 1,23 tỷ đồng, cùng chi phí lắp đặt khoảng 400 triệu đồng, tức tổng chi phí là khoảng 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vicem Tam Điệp đã phải thanh toán cho Vicem khoảng 12,7 tỷ đồng (?).

Biến nợ khó đòi thành…  vốn góp?

Từ năm 2008 đến 2012, Vicem đưa ra chủ trương yêu cầu các công ty thành viên tại phía Bắc bán clinker cho CTCP Xi măng Hà Tiên 1 và Hà Tiên 2 ở phía Nam (nay đã sáp nhập thành CTCP Xi măng Hà Tiên) với số lượng lên đến hàng triệu tấn, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, gây thiệt hại lớn cho các đơn vị thành viên phía Bắc. Tuy nhiên, số clinker không sử dụng hết, tồn kho lên đến 500.000 - 600.000 tấn.

Việc bán clinker dưới giá thành sản xuất khiến các công ty thành viên phía Bắc chịu thiệt hại lớn. Ngoài ra, số nợ được xác định lên tới trên 1.200 tỷ đồng của Xi măng Hà Tiên với các đơn vị này, Xi măng Hà Tiên cũng không có khả năng thanh toán.

Khoản nợ quá lớn, trong khi tình hình tài chính của Xi măng Hà Tiên không mấy sáng sủa, không có khả năng thanh toán, lãnh đạo Vicem đã quyết định tăng vốn của Xi măng Hà Tiên để hoán đổi số tiền nợ thành vốn góp.

Tháng 12/2013, CTCP Xi măng Hà Tiên chào bán 120 triệu cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, mục đích chính của đợt phát hành này để thực hiện việc hoán đổi nợ dài hạn. Chính vì vậy, việc chào bán cổ phần và hoàn thành bán cổ phần chỉ diễn ra chóng vánh trong ngày 20/12/2013.

Đặc biệt, trong khi giá cổ phiếu của Vicem Hà Tiên được giao dịch trên sàn chỉ là 5.000 đồng/CP, thì 120 triệu cổ phiếu trong phát hành này lại bằng mệnh giá, 10.000 đồng/CP. Với kết quả đợt phát hành này, Vincem Hà Tiên đã xóa được khoản nợ trên 1.200 tỷ đồng với các công ty thành viên của Vicem tại phía Bắc. Tuy nhiên, thương vụ này được cho là đã gây thất thoát tiền của Nhà nước bằng 50% giá trị tăng vốn của Vicem Hà Tiên.

Chỉ định độc quyền vận chuyển với giá đắt?

Từ năm 2000 đến nay, do lĩnh vực xây dựng trong nước gặp khó khăn, Vicem có chủ trương điều động clinker từ phía Bắc vào phía Nam và phục vụ mục đích xuất khẩu clinker, xi măng.

Trong việc lựa chọn đơn vị vận tải, Công ty TNHH Vĩnh Phước có địa chỉ tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã được chỉ định làm đơn vị độc quyền vận chuyển clinker từ phía Bắc vào phía Nam cho Vicem. Tuy nhiên, điều bất thường là đơn giá do Công ty Vĩnh Phước đưa ra được cho là cao hơn giá thị trường từ 40.000 - 80.000 đồng/tấn.

Cụ thể, cùng tuyến vận chuyển từ Vicem Bút Sơn đi Quảng Ninh, giá cước của Công ty Vĩnh Phước là 135.000 đồng/tấn, nhưng đơn giá của Doanh nghiệp Nam Phương chỉ là 95.454 đồng/tấn. Từ Vicem Bỉm Sơn đi Quảng Ninh, giá cước của Vĩnh Phước là 148.500 đồng/tấn, trong khi đơn giá của Nam Phương chỉ là 109.545 đồng/tấn. Từ Vicem Tam Điệp đi Quảng Ninh, đơn giá của Vĩnh Phước là 142.000 đồng/tấn, nhưng đơn giá của Nam Phương chỉ là  101.363 đồng/tấn.

Liệu có phải Vicem chọn nhầm giá đắt hay có câu chuyện lợi ích nhóm trong việc chọn nhà thầu vận chuyển là câu hỏi cần làm rõ? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là việc bị đội giá vận chuyển không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà người tiêu dùng cũng chịu thiệt.

Để tiếp tục cơ cấu lại ngành xây dựng, Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ và các công ty thành viên của Vicem. Theo đó, Vicem và 3 công ty thành viên là Công ty TNHH Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Vicem Hải Phòng và Xi măng Tam Điệp. Thế nhưng, để cổ phần hóa thành công, những câu hỏi trên cần được Ban lãnh đạo Vicem giải đáp một cách minh bạch để tạo lòng tin với nhà đầu tư.

Được biết mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng có quyết định thanh tra đối với Vicem và các đơn vị thành viên sau khi nhiều cơ quan báo chí vào cuộc phản ánh những vấn đề diễn ra tại tổng công ty này.

Để rộng đường dư luận, chiều 25/7, phóng viên Đầu tư Bất động sản đã trao đổi qua điện thoại với ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem. Tuy nhiên, ông Khải cho biết, hiện Thanh tra đang vào cuộc và sẽ trả lời công khai, minh bạch những băn khoăn của dư luận vào dịp khác.  

Tin bài liên quan