Dự án Le Mont Ba Vì Resort and Spa xây dựng khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Dự án Le Mont Ba Vì Resort and Spa xây dựng khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Thủ tục hành chính dự án bất động sản, nhìn từ Dự án Le Mont Ba Vì

(ĐTCK) Câu chuyện Dự án Le Mont Ba Vì Resort and Spa xây dựng khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý làm nóng dư luận suốt thời gian qua. Không thể phủ nhận những sai sót của chủ đầu tư, nhưng qua sự việc này cũng cho thấy thủ tục hành chính trong việc triển khai dự án bất động sản quá rườm rà, kéo dài.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, chủ đầu tư Dự án Le Mont Ba Vì Resort and Spa khẳng định, đã thực hiện đúng chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, đảm bảo bảo tồn phát triển Vườn Quốc gia Ba Vì.

Theo đó, dự án du lịch nghỉ dưỡng này được xây dựng trên nền phế tích biệt thự thời Pháp trong Vườn Quốc gia Ba Vì và đã khởi động từ năm 2008. Đến nay, cơ quan có thẩm quyền vẫn chậm trễ trong việc phê duyệt mà không nêu rõ những hồ sơ, thủ tục cần bổ sung.

Theo báo cáo giải trình của chủ đầu tư - Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) gửi Đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án khu dịch vụ du lịch sinh thái này đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, theo đúng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Ba Vì.

Được biết, từ năm 2008, Vườn Quốc gia Ba Vì có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xin chủ trương hợp đồng liên kết khoán quản, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 1847 giao Vườn Quốc gia xây dựng đề án cụ thể.

Tháng 8/2008, giữa Vườn Quốc gia Ba Vì và Công ty CFTD đã ký hợp đồng liên kết. Vườn Quốc gia Ba Vì giao cho CFTD 53 ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng ở cốt 600 - 700 và 3,5 ha ở cốt 800 trong Phân khu dịch vụ hành chính.

CFTD được phép tác động, đầu tư theo quy hoạch chung, các hoạt động kinh doanh gồm: Du lịch và nghỉ dưỡng, bán hàng lưu niệm; Tổ chức các hoạt động cắm trại, các hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện, vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, vật lý trị liệu, kinh doanh hoa, cây cảnh, để cho khách tham quan; Khai thác rừng CFTD trồng mới; Khai thác công trình do CFTD xây dựng hoặc được bàn giao khi liên kết...

Hợp đồng liên kết này theo đúng chủ trương phát triển rừng đặc dụng, tuân thủ đúng quy chế quản lý rừng, theo đó, Phân khu hành chính dịch vụ - để xây dựng công trình làm việc, sinh hoạt của Ban Quản lý, các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.

Trong khi chờ ý kiến Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CFTD có văn bản đề nghị được cải tạo, sửa chữa các công trình trên để phù hợp với công năng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Những năm tiếp theo, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo nhằm làm cụ thể hóa chủ trương đầu tư xây khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các khu vực nhất định của rừng đặc dụng. Chẳng hạn như Quyết định số 1181/2010/QĐ-BNN “Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Ba Vì giai đoạn 2010-2015”; Quyết định số 2455/2011/QĐ-BNN phê duyệt nội dung đề cương, dự toán kinh phí lập dự án Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I Vườn Quốc gia Ba Vì; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg “Về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020”; Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I - Vườn Quốc gia Ba Vì vào năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Các văn bản này đều ghi nhận Phân khu hành chính dịch vụ I được quy hoạch khu bảo tàng, nhà hội thảo, công viên hoa, vườn sưu tập, nhà nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái…

Để đảm bảo cho dự án được triển khai, hoàn thiện đúng tiến độ, ngày 26/6/2015, Vườn Quốc gia Ba Vì đã có tờ trình gửi Tổng cục Lâm nghiệp xin triển khai dự án. Trong khi chờ ý kiến Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty CFTD có văn bản đề nghị được cải tạo, sửa chữa các công trình trên để phù hợp với công năng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Đề xuất này sau đó đã được Vườn Quốc gia Ba Vì chấp thuận dựa trên nền tảng cho cải tạo sửa chữa từ 13 công trình phế tích cũ.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Chánh văn phòng CFTD cho hay, hợp đồng được ký kết từ năm 2008, trong 8 năm qua, DN đã thực hiện nhiều hạng mục công việc từ việc bảo vệ rừng, tổ chức đội tuần tra ngăn chặn người dân khai thác rừng bừa bãi, khôi phục các đường đi bộ giữa các phế tích thời Pháp, trồng bổ sung cây rừng, cây ven đường; gia cố kết cấu đường chống sạt lở, phục chế một phần phế tích..., với chi phí hàng chục tỷ đồng.

Bà Hiên cho biết, CFTD đã đề nghị Đoàn Thanh tra xem xét những nội dung Công ty đã làm đúng, làm được, ghi nhận những hồ sơ, thủ tục đã hoàn thành và hướng dẫn những thủ tục còn thiếu để Công ty hoàn thiện. Đồng thời, kiến nghị cơ quan thanh tra sớm kết luận để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, cũng như công ăn việc làm của hơn 300 người lao động.

Câu chuyện Dự án Le Mont Ba Vì Resort and Spa bị chậm trễ hoàn tất thủ tục nhiều năm không phải trường hợp cá biệt, trước “thế bí” dự án bị kéo dài do thủ tục đầu tư chưa xong, vốn đầu tư bị chôn, khách hàng giục tiến độ, không ít trường hợp chủ đầu tư đành phải tặc lưỡi, vừa xây vừa xin. Chẳng hạn như trường hợp một dự án hỗn hợp văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), do phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết nên thời gian thực hiện dự án bị kéo dài. Lo ngại tiến độ dự án không đúng theo cam kết với khách hàng, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng khi chưa có giấy phép bổ sung.

Giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản có tiếng ở Việt Nam chia sẻ, để một dự án bất động sản có thể đi đến giai đoạn khởi công, chủ đầu tư có thể mất vài năm, những dự án cả chục năm chưa xong không phải hiếm.

Theo Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc các dự án đầu tư xây dựng kéo dài do thủ tục hành chính có thể nói là rất phổ biến. Có rất nhiều thủ tục hành chính cho một dự án bất động sản, từ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, xin phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, xin cấp phép đầu tư, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, thủ tục giao đất, thuê đất, cấp phép xây dựng công trình… Mỗi khâu đều có thể bị kéo dài thời gian thẩm định, yêu cầu hoàn thiện hay bổ sung hồ sơ.

“Mặc dù cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm và được coi là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trường kinh tế, nhưng khi thực thi ở từng sự việc cụ thể, thời gian ký duyệt hồ sơ vẫn đang bị kéo dài”, Luật sư Bùi Quang Thu nói.

Việc để các công trình làm nhà ở khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là trách nhiệm của cả hai phía, trong đó có cả trách nhiệm của nhà quản lý. Trong trường hợp Dự án Le Mont Ba Vì Resort and Spa, đề cập đến việc chậm trễ thủ tục hành chính khi cấp phép dự án không phải là cái cớ để chủ đầu tư bao biện việc đặt mọi sự vào “việc đã rồi”. Bản thân ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc CFTD cũng đã thừa nhận thiếu sót vì chưa xong thủ tục đã xây dựng dự án.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo Vườn Quốc gia Ba Vì yêu cầu các chủ đầu tư đình chỉ ngay việc thi công xây dựng công trình trái phép tại vườn quốc gia.

Vấn đề hiện tại là các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có kết luận, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, tránh để vụ việc rơi vào im lặng quá lâu.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan