Phối cảnh Dự án Vinaland

Phối cảnh Dự án Vinaland

Rủi ro rình rập khách hàng mua căn hộ Saigon South Plaza của Vinaland

(ĐTCK) Báo Đầu tư Bất động sản đã có 3 bài viết phản ánh những lùm xùm của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland - VNI) liên quan đến việc huy động vốn bằng việc phát hành chứng chỉ nhà ở và mẫu thuẫn nội bộ doanh nghiệp... Chưa dừng lại ở đó, hiện VNI đang tiếp tục rao bán căn hộ dự án đang có tranh chấp và pháp lý chưa rõ ràng.

Dự án chưa đóng tiền sử dụng đất?

Thời gian gần đây, trên địa bàn quận 7, TP.HCM xuất hiện khá nhiều thông tin về việc rao bán căn hộ Dự án Saigon South Plaza. Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, thực chất đây chỉ là việc “thay tên, đổi họ” của từ Dự án Vinaland Tower do Công ty VNI làm chủ đầu tư, nhằm gây ngộ nhận cho khách hàng trong việc chào bán dự án ra thị trường.

Trong vai khách hàng mua nhà, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã tiếp cận với nhân viên môi giới căn hộ của dự án này. Khi được hỏi vì sao dự án thay tên, thì nhân viên này cho biết, do vướng mắc một số vấn đề pháp lý, nên chủ đầu tư đổi tên dự án. Còn vướng mắc gì thì môi giới này không nói, chỉ bảo là trên thị trường cũng có nhiều trường hợp như vậy, nhưng trong hợp đồng thì vẫn dùng cả 2 tên.

Cũng theo nhân viên môi giới này, hiện dự án đang bán nhiều loạt căn hộ, trong đó loại căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích từ 68 - 69 m2 có giá bán từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/căn.

“Hiện tại, hợp đồng bên chủ đầu tư ký với khách hàng vẫn là hợp đồng giữ chỗ góp vốn, phải đến ngày 1/5/2017, khi xây dựng hoàn thành xong móng mới chuyển sang hợp đồng mua, bán”, nhân viên môi giới nói, rồi xin số điện thoại của chúng tôi và nói sẽ cung cấp hồ sơ pháp lý theo yêu cầu, nhưng sau đó không gọi lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Dự án Vinaland Tower được VNI giao cho Công ty cổ phần Đô Thành Land độc quyền phân phối. Không chỉ phân phối, VNI còn ký một hợp đồng ủy quyền với nội dung giao cho Đô Thành Land là đơn vị duy nhất được thu toàn bộ các khoản đặt chỗ, đặt cọc và thanh toán của khách hàng mua căn hộ của dự án. Hiện nay, dự án đang được rao bán rầm rộ ra thị trường với tên gọi Saigon South Plaza và những thông tin bán căn hộ mập mờ, nên khách hàng mua nhà dự án này có khả năng đối mặt với những rủi ro.

Để làm rõ vấn đề pháp lý Dự án Vinaland Tower, chúng tôi đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về việc Dự án Vinaland Tower đã đóng tiền sử dụng đất hay chưa và việc huy động vốn của dự án có đúng pháp luật không?

Ngày 10/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có Công văn số 2253/STNMT-QLĐ phúc đáp Báo Đầu tư Bất động sản. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM có dự án trung tâm thương mại - dịch vụ và chung cư quy mô 5.852,4 m2 do Công ty VNI làm chủ đầu tư, đã được giao đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện xong thủ tục (phải có xác nhận hoàn tất nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất) để được giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn việc huy động vốn, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ đầu tư làm theo luật định.

Từ thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường có thể hiểu rằng, đến thời điểm này, Dự án Vinaland Tower vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, VNI công khai huy động vốn từ khách hàng.

Không chỉ về pháp lý dự án, bản thân doanh nghiệp này cũng đang diễn ra nhiều vấn đề tranh chấp nội bộ chưa được giải quyết dứt điểm và điều này có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người mua nhà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi đưa ra quyết định xây dựng Dự án Vinaland Tower, VNI đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng dự án này, cùng dự án chợ Phước Long (quận 7, TP.HCM)... Tuy nhiên, 2 nội dung về việc chuyển nhượng dự án Vinaland Tower với mức giá 140 tỷ đồng và chuyển nhượng dự án chợ Phước Long với giá 250 tỷ đồng đã không được thông qua.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaland, đồng thời là một cổ đông lớn của Vinaland cho rằng, hiện nay, nhóm cổ đông nắm giữ 40% cổ phần Công ty không hề biết về việc triển khai dự án này.

“Về nguyên tắc, mọi hợp đồng hợp tác phát triển dự án hoặc hợp đồng thầu xây dựng đối với dự án Vinaland Tower đều phải được trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, vì các hợp đồng này đều có giá trị trên 35% tài sản Công ty theo kiểm toán gần nhất (theo Điều 162 Luật doanh nghiệp 2014). Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông thông qua các hợp đồng này chưa hề được triệu tập thì không thể có căn cứ để ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng thầu xây dựng với Đô Thành Land.

Không có căn cứ để Đô Thành Land trở thành đơn vị phát triển dự án theo quảng cáo và thu tiền của người mua nhà”, ông Hoàng nói và cho rằng, hiện nhóm cổ đông nắm giữ 40% cổ phần còn chưa được biết Công ty đã đóng tiền sử dụng đất cho dự án hay chưa.

Nếu chưa đóng, không có căn cứ để Công ty được cấp phép xây dựng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản, nên càng không có căn cứ để ký hợp đồng thu tiền của khách hàng. Do vậy, khả năng tranh chấp sẽ xảy ra và lúc đó, chính các khách hàng là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

 Hợp đồng ủy quyền giữa Vinaland và Thành Đô Land

Khách hàng cần cẩn trọng với rủi ro

Không chỉ có nguy cơ rủi ro về pháp lý dự án, mà khách hàng mua căn hộ của Dự án Vinaland Tower còn phải đối mặt với rủi ro về thương hiệu, uy tín lẫn năng lực của chủ đầu.

Như chúng tôi đã từng đề cập, hơn 6 năm trước, VNI đã từng một lần đứng ra huy động vốn của khách hàng thông qua hình thức chứng chỉ quyền mua nhà và trên thực tế, đã có hàng trăm khách hàng ký hợp đồng cho VNI vay vốn để có được quyền mua nhà với số tiền hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các dự án của VNI không hề được xây dựng, nhiều khách hàng nóng lòng tìm đến doanh nghiệp để đòi lại tiền gốc và lãi suất, nhưng vẫn không được VNI giải quyết.

Sau khi Báo Đầu tư Bất động sản có loạt bài phản ánh, ngày 22/12/2016, Công ty Vinaland đã có công văn do ông Trần Bình Long, Tổng giám đốc Công ty ký gửi một số cơ quan truyền thông với nội dung cho rằng, hiện Công ty đang xây dựng án Trung tâm thương mại - Dịch vụ và Chung cư Vinaland Tower tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM. Kèm theo công văn này, Vinaland có thông cáo báo chí với nội dung cho rằng, Vinaland đã có thông báo gửi tới toàn bộ khách hàng đang sở hữu chứng chỉ về việc thực hiện trả nợ, trong đó khách hàng có thể lựa chọn phương án tiếp tục quyền mua nhà với đơn giá xây dựng gốc hoặc quyền nhận lại tiền cả gốc và lãi theo Quy chế quỹ tiết kiệm nhà ở.

Trong thông cáo báo chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaland khẳng định: “Trong 2 năm 2015 và 2016, Công ty đã trả nợ được hơn 30 tỷ đồng bằng sạp kinh doanh tại chợ Phước Long, tức là đã trả được hơn 60% tổng số nợ của khách hàng chứng chỉ”.

Nhiều khách hàng tham gia chứng chỉ đã mừng thầm vì nghĩ rằng mình sẽ sớm được trả nợ. Tuy nhiên, ngày 27/2/2017, VNI lại có Thông báo gửi cho các khách hàng sẽ trả nợ cho khách hàng theo hình thức nhỏ giọt, mỗi lần 10% kéo dài đến năm 2019.

“Họ là con nợ, nhưng gửi thông báo cho chúng tôi giống như “ra lệnh” mà chúng tôi không còn đường lựa chọn. Lúc huy động vốn thì họ hứa hẹn đủ điều, còn bây giờ đưa chúng tôi vào thế phải chấp nhận”, một khách hàng mua chứng chỉ bức xúc.

Ông Trần Minh Hoàng cảnh báo, khách hàng mua nhà tại Dự án Vinaland Tower cần hết sức tỉnh táo, nếu không kiểm tra kỹ thông tin có thể bị thiệt hại nghiêm trọng.

“Hiện nay, Vinaland đang có những tranh chấp nội bộ gay gắt của một số nhóm cổ đông lớn. Trong đó, nhóm cổ đông chỉ giữ khoảng 30% cổ phần nhưng lại nắm giữ toàn bộ 5 ghế thành viên HĐQT thông qua việc bãi nhiệm các thành viên HĐQT cũ và bầu các thành viên HĐQT mới mà theo quan điểm của nhóm cổ đông năm giữ 40% còn lại, là hoàn toàn trái quy định của pháp luật”, ông Hoàng nói và nhấn mạnh thêm, ngay cả việc Vinaland là chủ đầu tư dự án nhưng khách hàng lại đóng tiền cho Đô Thành Land cũng cần đặt ra những câu hỏi. Bản thân Đô Thành Land đã từng 3 lần bị Đại hội đồng cổ đông bác bỏ việc mua lại dự án Vinaland Tower.

Cũng theo ông Hoàng, khi có tranh chấp nội bộ tại Vinaland chưa được giải quyết, thì người đã nộp tiền cho Đô Thành Land sẽ gặp những rủi ro khi rất thiếu cơ sở để đòi tiền từ chủ đầu tư thật sự của dự án là Công ty Vinaland.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan