Nạn lấn chiếm hè phố và góc nhìn quản lý đô thị

Nạn lấn chiếm hè phố và góc nhìn quản lý đô thị

(ĐTCK) Việc người dân lấn chiếm vỉa hè để xây bậc tam cấp là sai phạm và cần phá bỏ để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này, một phần lỗi cũng do công tác quản lý quy hoạch, cũng như việc xây dựng, sửa chữa tùy hứng các con đường giao thông.

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ của UBND quận 1, TP.HCM bước đầu ghi nhận đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt và tích cực với không gian chung của đô thị và tạo ra sự hưởng ứng lan tỏa đến cấp chính quyền nhiều địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cũng đặt ra không ít vấn đề cần quan tâm, đặc biệt sau khi dẹp bỏ bậc lên xuống tại các nhà dân cũng lộ ra những hình ảnh nhà dân cao thấp quá nhiều, không tương thích với đường phố.

“Nhà nổi, nhà chìm” giữa đô thị

Trở ngược thời gian để đi tìm lời giải cho nguyên nhân về những hình ảnh phản cảm đó, nhiều chuyên gia về quy hoạch cho rằng, là do trước đây TP.HCM chưa quản lý tốt về đô thị, về giao thông công cộng, cấp nước, thoát nước và tiêu chuẩn về xây dựng… một cách khoa học nên có hiện tượng “nhà nổi, nhà chìm” giữa đô thị.

Với cách sửa đường kiểu Việt Nam trong một thời gian dài vừa qua, đường giao thông xuống cấp là sửa, cách đơn giản là đổ lớp nhựa mới luôn trên nền đường cũ, việc đó cứ tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt thời gian qua. Khi đường nâng cao, người dân phải tự nâng cao nền nhà để tránh nước từ đường phố tràn vào nhà.

Việc nhà dân bị cao hơn, hay thấp hơn mặt đường là chứng cứ cho việc tác động môi trường của việc làm đường trước đây

- Luật sư Trần Đức Phượng

Điệp khúc, khi xây mới nhà dân lấy đường phố làm chuẩn cho việc xây dựng nền nhà, còn nhà cũ thì do không có điều kiện hoặc do trần nhà thấp thì ngậm ngùi chịu cảnh chui ra chui vào, nhiều hộ đành phải khoét vỉa hè mới có thể chui lọt vào nhà.

Sau nhiều lần vá víu làm cho mặt đường quá cao vượt chuẩn, thì đơn vị thi công quay sang hạ cốt nền đường thấp xuống. Nhiều nhà dân bỗng nhiên nay nổi cao hơn mặt đường phố, đơn vị thi công đường vẫn hồn nhiên làm công việc của mình, phần người dân lại tự xoay xở làm thêm các bậc thềm để ra phố, nhiều nhà vướng đà bê tông không thể cưa cắt làm bậc thềm phía bên trong nhà, nên đành lấn ra hè phố, thậm chí có nhà dân do quá cao cả mét nên đành chấp nhận đi thang vào nhà.

Quận 1, TP.HCM ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè 

“Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người dân lấn chiếm hè phố là do việc thi công đường trước đây chưa thực hiện tốt, nghiêm túc về công tác đánh giá môi trường từ việc thi công, nên đã làm khó cho người dân. Ví dụ như tại đường Phạm Văn Đồng, trước khi Thành phố xây mới đường này, thì nhà dân cùng một cốt nền, tuy nhiên khi đường được xây dựng thì phía quận Bình Thạnh nhà dân thành hầm, thấp hơn mặt đường 1 m, nhưng phía quận Gò Vấp và quận Thủ Đức thì nhà dân lại cao hơn đường hơn 1 m”, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty Xây dựng Quang Lộc cho biết.

Câu chuyện “nhà chìm, nhà nổi” xuất hiện khá nhiều tại các tuyến đường mới xây dựng hiện nay tại TP.HCM. Đơn cử như đầu tháng 3/2017, TP.HCM xây dựng hai tuyến đường thường xuyên ngập nước mùa mưa là Phan Văn Hân và Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh). Mừng vì đường mới được xây, nhưng xây xong đường, các hộ dân lại méo mặt vì lo sợ khi nhà bỗng thấp hơn mặt đường cả mét. Để thoát khỏi cảnh nhà thành hầm, từ đường vào nhà phải đi cầu thang, các hộ dân tại đây đành nâng nền nhà nên bằng mặt đường, nhưng khi nâng tới gần mặt đường thì lại gặp cảnh đầu đụng nóc nhà.

Hay như năm 2016, những tuyến đường như Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) sau khi được Thành phố xây mới để chống ngập bỗng nhà thấp hơn mặt đường 1,2 m. Vậy là mùa mưa năm 2016, đường Kinh Dương Vương lần đầu tiên thoát ngập nước nhưng hàng trăm hộ dân sống hai bên đường này lại bị nước ngập đầy nhà bởi mặt đường cao, nước chảy thẳng vào nhà dân.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Trần Đức Phượng, Công ty Luật Hợp Việt cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và hiện nay là Luật sửa đổi năm 2014 quy định rõ, môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Các thành phần môi trường là yếu tố như: vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác…

Theo quy định này thì việc thi công đường giao thông nâng lên hay hạ xuống đều ảnh hưởng đến nhà dân. Do đó, đối với các dự án, công trình đô thị như đường giao thông, hạ tầng cơ sở... cần phải đánh giá đầy đủ về mặt tác động môi trường trước khi thực hiện.

“Nếu việc thi công đường giao thông mà có sự thay đổi về độ cao so với trước thì chủ đầu tư, đơn vị thi công phải hỗ trợ chi phí cho người dân bị ảnh hưởng từ sự thay đổi đó, đây chính là giải pháp giảm thiểu tác động môi trường. Trong các trường hợp này, người dân là bên bị tác động môi trường nhưng lại hoàn toàn không nhận được sự đền bù, mà phải tự bỏ chi phí do sự tác động của chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Việc nhà dân bị cao hơn, hay thấp hơn mặt đường là chứng cứ cho việc tác động môi trường của việc làm đường trước đây. Hiện nay, trong việc quản lý vẫn chưa coi trọng việc tác động môi trường, chỉ mới dừng lại thu hồi đất mới có bồi thường về đất”, luật sư Phượng nói.

Còn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, từ thời điểm mở cửa nền kinh tế đến nay, Thành phố xây dựng rất nhiều dự án giao thông, hạ tầng nhưng chưa có cốt nền chuẩn, khiến quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông chưa khớp với nhau. Tình trạng phá vỡ quy hoạch cốt nền đã gây khó khăn cho người dân khi xây nhà.

Khi cấp phép xây dựng, chính quyền địa phương thường căn cứ vào mặt đường hiện hữu để cấp phép, người dân muốn làm khác cũng không được dù biết rằng với cốt nền đó nhà họ có thể bị ngập.

Trong khi đó, đa số các con đường trên địa bàn TP.HCM hiện nay chưa được xây dựng theo cốt nền chuẩn quốc gia. Vì vậy, khi những con đường này được nâng cấp thì nhà dân đã thấp hơn mặt đường rất nhiều. Thậm chí, việc cấp cốt nền sai dẫn đến người dân xây nhà quá thấp so với mực nước biển dâng, triều cường đã khiến nhà dân bị ngập.

Cũng chung ý kiến với ông Sơn, ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Vina Mekong chỉ ra rằng, Thành phố đang sử dụng 2 hệ mốc song song gồm hệ mốc cũ năm 1972 và hệ mốc mới năm 2008, trong khi 2 hệ mốc này không cùng độ cao mà lệch nhau 20 - 25 cm.

Nếu 2 công trình gần nhau mà sử dụng 2 hệ mốc sẽ bị lệch, hệ thống thoát nước không thể đấu nối với nhau. Ông Long đề nghị các cơ quan chức năng tại TP.HCM phải sớm công bố mốc chuẩn dùng chung cho toàn Thành phố để các công trình kết nối đồng bộ với nhau.

Ngoài ra, có những ý kiến chỉ ra rằng, lỗi một phần tại nhà quản lý. Đơn cử như tình trạng các chủ đầu tư ăn gian độ cao nền để giảm bớt chi phí san lấp, nhằm giảm kinh phí cho dự án là khá phổ biến. Tuy nhiên, thay vì kiểm tra và có biện pháp chế tài, nhiều địa phương đã làm ngơ. Điều này đã dẫn đến một hệ lụy là sau khi thi công xong các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án, chắc chắn sẽ có ngập úng xảy ra khi có mưa hoặc triều cường.

Mới đây, một tín hiệu vui là việc thi công một tuyến đường ở nội ô Thành phố đã có những sự hỗ trợ từ chính quyền và đơn vị thi công đối với người dân khi mặt đường thay đổi đột ngột cao hơn 1 m dẫn đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, bài toán quản lý cốt nền trong đô thị cần khẩn trương hoàn thiện để việc quản lý một cách khoa học vẫn là bài toán khó với các cấp chính quyền đô thị.       

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan