Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sử đổi), chỗ để xe ô tô ở chung cư thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư (Ảnh minh họa)

Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sử đổi), chỗ để xe ô tô ở chung cư thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư (Ảnh minh họa)

Mua nhà chung cư không có nghĩa sẽ có chỗ để xe

(ĐTCK) Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự luật Nhà ở (sửa đổi). So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được chỉnh lý, bổ sung tuy không nhiều.

Điều kiện chặt hơn với người nước ngoài sở hữu nhà ở

Đối với việc mở rộng diện sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các đối tượng nước ngoài, ý kiến các đại biểu tại thảo luận trước đây cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt  Nam.

Về vấn đề này, báo cáo giải trình, tiếp thu cho rằng, mục tiêu của việc mở rộng là nhằm thu hút vốn của nước ngoài, thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ hơn, Dự thảo luật thêm quy định, giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư. Quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua ngân hàng.

Muốn có chỗ để xe ô tô, phải thuê, mua

Về diện tích chung, riêng trong nhà chung cư, nhiều đại biểu đã có ý kiến cho rằng, cần thống nhất quy định diện thích sử dụng chung. Trong đó, diện tích dùng làm nơi để xe, cả ô tô và xe máy đều là diện tích sử dụng chung, thay vì chỗ để ô tô thuộc sở hữu của chủ đầu tư, chỗ để xe máy thuộc sở hữu chung.

Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban thường vụ  Quốc hội, Luật hiện hành đã quy định rõ nơi để xe là thuộc sở hữu chung. Nhưng Nghị định 71, hướng dẫn thi hành luật lại chia diện tích này thành 2 loại diện tích để ô tô và xe máy. Quy định này đã dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp về nơi để xe ô tô trong nhà chung cư vì không rõ là thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng.   

Vì vậy, Dự luật lần này được quy định đối với chỗ để xe ô tô thì người ở chung cư được quyền quyết định mua hoặc thuê. Nếu không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này. Việc bố trí chỗ để xe phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước.

Thời hạn sử dụng:

Thảo luận tại kỳ họp trước, nhiều ý kiến đề nghị quy định ngay trong Luật thời hạn sử dụng cụ thể của loại nhà ở chung cư. Đồng thời, có cơ chế giải quyết sau khi phá dỡ nhà chung cư khi hết thời hạn sử dụng để bảo đảm quyền lợi của các chủ sở hữu. 

Tuy nhiên, theo báo cáo tiếp thu, giải trình, hiện đã có quy định về niên hạn sử dụng của từng loại nhà chung cư, ví dụ như nhà chung cư cấp 3 có niên hạn sử dụng từ 20 - 30 năm, nhà chung cư cấp 2 có niên hạn sử dụng từ 50 - 100 năm…

Không phải mọi trường hợp nhà chung cư khi hết niên hạn sử dụng nêu trên là không được tiếp tục sử dụng, mà sau niên hạn này thì cơ quan chức năng sẽ phải tổ chức kiểm định lại chất lượng nhà chung cư đó để quyết định thời hạn được sử dụng tiếp. Tùy thuộc vào chất lượng của từng loại nhà chung cư mà việc quyết định thời hạn được sử dụng tiếp sẽ dài, ngắn khác nhau.

Cũng có trường hợp thời hạn sử dụng nhà chung cư ngắn hơn niên hạn sử dụng do tác động của thiên tai như bão, lũ, động đất…

Vì lý do đó, Dự luật trình lần này, chỉ quy định có tính nguyên tắc cơ bản để xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư và giao Chính phủ tiếp tục quy định cụ thể.

Tuy nhiên, Ủy ban ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định việc xử lý đối với nhà chung cư bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ.

Tin bài liên quan