Mua phải dự án “vịt trời”
Mới đây, Báo Đầu tư Bất động sản nhận được đơn thư phản ánh của độc giả về việc mua sản phẩm tại Dự án khu dân cư, nhà ở công nhân Thiên Phúc - Hoàng Gia (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Phúc làm chủ đầu tư nhưng không nhận được đất.
Cụ thể, bà Huỳnh Thị Kim Ngoan, người mua đất tại dự án này cho biết, tháng 4/2017, bà được nhân viên môi giới của Công ty Thiên Phúc tại Long An giới thiệu dự án này với giá 366 triệu đồng/nền đất 60 m2. Khi mua đất, nhân viên môi giới cho biết, hiện dự án đang tiến hành xây dựng hạ tầng, trong đó có cổng đã xây xong, còn hạ tầng khu dân cư chuẩn bị xây dựng.
Bà Ngoan đã ký hợp đồng nguyên tắc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả góp Dự án khu dân cư Thiên Phúc - Hoàng Gia với Công ty Thiên Phúc. Theo hợp đồng nguyên tắc, bà Ngoan sẽ thanh toán theo 12 đợt, thời gian giao đất là đầu năm 2018.
Theo bà Ngoan, bà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán với chủ đầu tư, trong đó đợt đóng tiền gần đây nhất là ngày 5/2/2018. Sau đợt này, khi chủ đầu tư giao sổ đỏ và đất, bà sẽ hoàn tất số tiền 5% giá trị cuối cùng, nghĩa là bà Ngoan đã đóng được 95% giá trị lô đất.
“Theo cam kết của chủ đầu tư, đầu năm 2018 sẽ giao đất, nhưng tới thời điểm này, tôi vẫn không nhận được. Xuống tới nơi mới biết dự án vẫn chỉ xây dựng được mỗi cái cổng ra vào, còn tất cả hạ tầng phía trong chủ đầu tư chưa triển khai bất cứ cái gì. Tìm tới đơn vị bán hàng, thì đơn vị này cho biết, chủ đầu tư đang xin pháp lý dự án. Tôi muốn trả lại hàng, nhưng đơn vị này nói không nhận lại”, bà Ngoan bức xúc.
Tìm hiểu thực địa của phóng viên Đầu tư Bất động sản tại dự án này cũng cho thấy một khung cảnh khá hoang tàn. Chính quyền địa phương cũng cho biết, dự án này chưa được quy hoạch, chưa đóng tiền sử dụng đất…
Cũng khổ vì mua phải “vịt trời”, ông Lê Hoàng Quân, ngụ tại quận 7, TP.HCM cho biết, khoảng đầu năm 2008, biết thông tin dự án khu nhà ở Tuấn Hùng của Công ty TNHH Tuấn Hùng (phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang mở bán, ông cùng nhiều khách hàng khác tìm đến mua. Theo hợp đồng ký kết, chỉ trong khoảng 1 năm, khách hàng sẽ đóng xong tiền cho chủ đầu tư và nhận nền, xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trong lúc các khách hàng thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán, thì tiến độ dự án chỉ thực hiện cầm chừng.
“Theo hợp đồng, khoảng tháng 7/2008, tôi sẽ đóng đủ cho chủ đầu tư và nhận nền đất có diện tích 200 m2 để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, khi tôi đóng được khoảng 80% giá trị nền đất (640 triệu đồng) mới phát hiện dự án thực hiện rất chậm, thậm chí nhiều thời điểm không làm gì cả”, ông Quân phản ánh.
Cũng tại dự án này, ông Tăng Hồng Khanh, ngụ tại quận 5, TP.HCM cho biết, đã góp trên 80% giá trị hợp đồng (khoảng 512 triệu đồng). Theo hợp đồng, đến tháng 7/2008, Công ty Tuấn Hùng phải hoàn thành toàn bộ hạ tầng và giao nền cho ông xây dựng nhà ở, nhưng đến nay, ông giật mình phát hiện dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, hầu như chưa làm gì. Với tiến độ này, không có cách gì để chủ đầu tư có thể bàn giao sản phẩm như đã hứa.
“Tôi nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư nhưng họ không trả lời và có ý trốn tránh. Đặc biệt, Công ty liên tục chuyển trụ sở làm việc, từ quận 2 đến quận 7, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình...” ông Khanh nói.
Đây chỉ là hai trong số nhiều sự án “vịt trời” mà khách hàng nhỡ xuống tiền phải mệt mỏi đi đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Chẳng hạn, tại Dự án Thái Sơn 2 tại huyện Nhà Bè, TP.HCM của Tổng công ty Thái Sơn. Dự án này được chủ đầu tư phân lô bán cho khách hàng từ năm 2004, nhưng tới nay, hàng trăm khách hàng vẫn chưa hề nhận được đất để xây nhà ở. Đặc biệt, tới nay, chủ đầu tư vẫn chưa xong phần đền bù giải tỏa và khu đất dự định triển khai dự án vẫn chỉ là khu đầm lầy đầy cây dừa nước.
Bà T.T.H, người dân mua đất tại dự án này cho biết, hiện nay, hàng trăm người dân mua đất tại dự án đã tập hợp nhau lại để gửi đơn thư kêu cứu tới các cơ quan chức năng và chủ đầu tư đòi đất mà mình đã mua.
Dự án Khu dân cư 6A do Công ty Intresco làm chủ đầu tư được quy hoạch cách đây 15 năm nhưng hiện vẫn là bãi đất hoang
Cũng như Thái Sơn 2, Dự án Khu dân cư 6A do Công ty Intresco làm chủ đầu tư đã qua 15 năm bán cho khách hàng và được Ban quản lý khu Nam TP.HCM phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 vào năm 2002, nhưng tới nay, dự án này vẫn nằm trên giấy. Mặc cho khách hàng sốt ruột đi đòi nhà khắp nơi, chủ đầu tư này vẫn “bình chân như vại”…
Hay như Dự án nhà ở xã hội 584 Lỹ Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM, mở bán từ năm 2009, nhưng tới nay, hơn 400 khách hàng mua căn hộ dự án này vẫn đang vác đơn đi khắp nơi đòi nhà. Dù thu tiền tới 90% giá trị căn hộ, nhưng chủ đầu tư vẫn cho biết “hết tiền” và bỏ hoang dự án.
Cách nhận biết dự án “vịt trời”
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, các dự án “vịt trời” xuất hiện chủ yếu ở thời điểm thị trường bất động sản nóng sốt. Điểm chung của các dự án này là giá của dự án luôn rẻ hơn các dự án khác cùng thời điểm bán và các chính sách hậu mãi cũng được hứa hẹn rất cao để hút khách hàng.
Theo ông Tuấn, để nhận biết các dự án “vịt trời” này không hề khó, chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy phép pháp lý dự án, nếu dự án đã có giấy phép, chủ đầu tư sẽ đưa ra cho khách hàng kiểm chứng, còn không sẽ tìm mọi cách nói dối khách hàng về pháp lý.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng không nên ham rẻ mà mua ngay dự án, bởi ở các dự án “vịt trời”, chủ đầu tư hay vẽ ra nhiều tiện ích để dụ người mua. Ngoài ra, khi có nhiều người quan tâm, chủ đầu tư sẽ chọn thời điểm bố trí đưa khách xuống xem thực địa dự án. Lúc này, chủ đầu tư sẽ thuê xe cẩu, máy xúc… giả vờ như đang tích cực triển khai xây dựng, nhưng khi khách hàng về, đâu lại vào đó. Vì vậy, để biết dự án có thực sự được triển khai hay không, khách nên xuống kiểm tra độc lập và đột xuất.
“Bên cạnh đó, việc quan trọng nữa là khi mua đất dự án, khách hàng nên qua chính quyền địa phương để xin kiểm tra hồ sơ pháp lý, liệu dự án này có được phép xây dựng, triển khai, đã đóng tiền sử dụng đất… hay chưa trước khi xuống tiền mua đất”, luật sư Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, việc xuất hiện dự án “vịt trời” là vì chủ đầu tư sau khi có quỹ đất, cứ nghĩ sẽ làm thủ tục pháp lý dễ, nên tổ chức bán rầm rộ. Sau khi thu tiền khách hàng mua đất, doanh nghiệp sẽ sử dụng để đóng tiền sử dụng đất và xin giấy phép triên khai. Tuy nhiên, nếu quá trình làm thủ tục không thuận lợi, thời gian kéo dài, hoặc không được cấp phép, thì dự án sẽ bị bỏ hoang, trong khi tiền thu của khách đã sử dụng hết.
Theo luật sư Tuấn, đối với những dự án “vịt trời” mà khách hàng đã mua, việc đầu tiên là phải bình tĩnh, tìm tới cơ quan chính quyền hoặc văn phòng luật sư để nhờ tư vấn và hỗ trợ. Sau đó, tiến hành các bước đòi sản phẩm hoặc tiền bạc đã nộp theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng tranh cãi, đôi co với chủ đầu tư, mà người chịu thiệt vẫn là khách hàng.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com