Chương trình cho vay ưu đãi dành cho nhà ở xã hội của VBSP triển khai chậm là vì thiếu nguồn vốn, thời hạn triển khai ngắn…

Chương trình cho vay ưu đãi dành cho nhà ở xã hội của VBSP triển khai chậm là vì thiếu nguồn vốn, thời hạn triển khai ngắn…

Gói “30.000 tỷ đồng” mới tắc do đâu?

(ĐTCK) Sau giai đoạn chờ đợi, chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, đã chính thức được Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) triển khai từ ngày 15/8. Tuy nhiên, đang có nhiều dấu hỏi về việc triển khai gói “30.000 tỷ đồng” mới này.

VBSP cho biết, căn cứ Điểm 2, Điều 74 Luật Nhà ở 2014 quy định: “VBSP được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.

Ngoài ra, tại điểm 5, Điều 13, Chương III, Nghị định 100/NĐ-CP cũng quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ VBSP phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại VBSP hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Chính vì thế, trong văn bản hướng dẫn của VBSP, một trong những điều kiện khi vay vốn chương trình nhà ở xã hội tại VBSP là người vay “phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại VBSP, với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với VBSP. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn”.

Bên cạnh đó, khi vay vốn tại VBSP, người vay vốn chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên. Đây là một trong những điểm khác biệt khi vay vốn chương trình nhà ở xã hội tại VBSP so với các ngân hàng thương mại khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thông qua VBSP đang là vấn đề được quan tâm. Song song với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, giờ đây, những người lao động có thu nhập thấp sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại VBSP với mức lãi suất là 4,8%/năm, thấp hơn gói vay 30.000 tỷ đồng ở các ngân hàng hàng thương mại là 0,2%/năm.

Tuy nhiên, cũng không vì thế mà vui mừng, bởi lẽ việc thực hiện chính sách này đang có nhiều bất cập, thậm chí có thể sẽ không triển khai được như kỳ vọng.

Lần giở lại chính sách hỗ trợ nhà ở này của VBSP cho thấy, quyết định được ra từ ngày 6/6/2016, nhưng đến ngày 27/7/2016, VBSP mới có văn bản (số 2526) hướng dẫn nghiệp vụ cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở có quy định, khi vay vốn tại VBSP.

Sau đó, đến thời điểm hiện tại, tức là thêm gần 1 tháng nữa, VBSP mới chính thức triển khai giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này. Đây chính là điều băn khoăn của thị trường, bởi thời hạn triển khai thực tế còn lại không nhiều (kết thúc ngày 31/12/2016, tức chỉ còn gần 4 tháng), ngay cả với dự án có tiến độ “thần tốc”, thì tối đa khách hàng cũng chỉ nhận được mức lãi suất ưu đãi chưa đến 50% tổng giá trị hợp đồng. Còn sau đó, mức lãi suất áp dụng là bao nhiêu vẫn là một dấu hỏi.

Cùng với đó, một vấn đề đáng quan tâm khác là nguồn vốn để triển khai chương trình này. Bản thân VBSP cũng thừa nhận, mục đích của yêu cầu “hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định” là nhằm tạo thêm một phần nguồn vốn để thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, trong phương án triển khai, nguồn vốn vẫn dựa chủ yếu từ Chính phủ thông qua việc huy động từ các nguồn lực khác nhau như ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương dành một phần để chuyển qua VBSP cho vay nhà ở phục vụ quá trình đô thị hóa; phát hành trái phiếu, công trái nhà ở; tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, vốn ODA…

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quyết định trên cũng không có gì là bất ngờ, bởi nó được quy định trong Luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, cũng như chủ trương chung để tiếp nối gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đó. Song cái khó hiện nay là Nhà nước vẫn đang nợ VBSP một số khoản tiền, trong khi nợ công đã đầy, phát hành trái phiếu chính phủ cũng đến giới hạn, nên không thể tùy tiện in tiền để VBSP cho vay được.

Đại diện VBSP cho biết, Ngân hàng đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách phân bổ nguồn vốn, nhưng các Bộ chưa bố trí được bởi đây là chính sách mới, trong khi nguồn vốn ngân sách 2016 đã trình Quốc hội phân bổ từ cuối năm 2015.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan