Giăng lưới bắt… vịt

Giăng lưới bắt… vịt

(ĐTCK) Tại một cuộc gặp gỡ giữa tuần qua, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã kể lại câu chuyện “cay đắng” của một người bạn mà ông được chia sẻ trong dịp họp lớp đầu Xuân Bính Thân vừa rồi.

Số là một vài năm trước, tin tưởng ở uy tín của chủ đầu tư người nước ngoài, tin tưởng một dự án có vị trí đắc địa ngay trên mặt tiền Đại lộ Thăng Long, nên bạn ông Nam bỏ ra mấy tỷ bạc tiền tiết kiệm mua một căn hộ tại Dự án Tricon Tower…

Chủ đầu tư dự án này đã mấy năm “bóng chim tăm cá” và trường hợp trên chỉ là 1 trong 128 người mua nhà tại Tricon Tower mua phải "vịt giời" với số tiền lên đến trên 400 tỷ đồng.

Ông Nam nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, một trong những nhân vật chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản 2014 - sắc luật có nội dung về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trong trường hợp DN không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Ngân hàng bảo lãnh sẽ cam kết hoàn trả số tiền mà khách hàng đã thanh toán và các khoản tiền khác (nếu có) trong trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao sản phẩm.

Vị Chủ tịch VNREA kể câu chuyện trên nhân sự kiện lần đầu tiên, chủ đầu tư một dự án tại Hà Nội là HD Mon City tiếp nhận bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai từ ngân hàng và trực tiếp trao chứng thư bảo lãnh đó cho từng khách hàng mua nhà tại dự án trên.

Trong câu chuyện sau đó, ông Nam cũng có ý trách “một số anh chị em báo chí” không hiểu ngọn ngành câu chuyện bảo lãnh này, nên đã phản đối quyết liệt, khiến thị thị trường bị nhiễu.

Lời than phiền này có phần đúng, nhưng thực tế thì hồi ấy, không chỉ báo chí, mà rất nhiều thành viên thị trường đều lăn tăn.   

Các ngân hàng thì kêu ca quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ bảo lãnh cho DN phức tạp quá. Rồi thì phí bảo lãnh chẳng được bao nhiêu, mà gánh nặng đền bù lại lớn. Ngân hàng muốn bảo lãnh thì phải tìm hiểu rất kỹ về chủ đầu tư, về dự án và cả bối cảnh thị trường, cả khu vực dự án đó tọa lạc.

Và như vậy là quyền rơm vạ đá!?

Ngay tại sự kiện HD Mon City trao chứng thư bảo lãnh cho khách hàng, ông Lê Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc HD Bank - ngân hàng bảo lãnh dự án trên, cũng cho rằng, triển khai nghiệp vụ bảo lãnh không hề đơn giản. Nếu vừa cung cấp vốn, vừa bảo lãnh thì có cảm giác là nghĩa vụ của ngân hàng tăng gấp đôi…

Vậy nên, sau Thông tư 07/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quy định chủ đầu tư dự án phải được ngân hàng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, thì có rất nhiều công bố hợp tác bảo lãnh giữa ngân hàng và chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ là “thống nhất về nguyên tắc”, chứ chưa làm gì đến đầu đến đũa.

Còn với chủ đầu tư và khách hàng cũng không thiếu những lời phản đối, phổ biến cho rằng, việc yêu cầu bảo lãnh sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính nhiêu khê, giá bất động sản sẽ tăng và người mua có nhu cầu nhà ở sẽ chính là đối tượng phải gánh chịu cuối cùng về phí phát sinh từ việc bảo lãnh?

Thực tế, đúng là có phát sinh thêm thủ tục, phát sinh thêm chi phí, nhưng nếu nghĩ là bỏ tiền để mua sự an tâm, thì chi phí mua sự an tâm này lại quá nhỏ.

Trở lại với việc bảo lãnh Dự án HD Mon City, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng HD Bank cho biết, đây là dự án đầu tiên được ngân hàng này chấp thuận bảo lãnh.

“Trong nội dung của chứng thư đối với chủ đầu tư, đối với khách hàng, cũng như từng thông báo riêng lẻ cũng đã quy định các điều khoản rất rõ về những cam kết, nghĩa vụ của HD Bank đối với chủ đầu tư, khách hàng, cũng như những vi phạm của khách hàng đối với chủ đầu tư và chủ đầu tư đối với khách hàng. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ là đại diện của chủ đầu tư để thanh toán toàn bộ khoản tiền mà khách hàng đã nộp vào tài khoản của HD Mon tại HD Bank”, bà Hằng cho biết.

Có thể nói, hoạt động bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai càng phổ cập sẽ càng khẳng định tính chuyên nghiệp của thị trường bất động sản. Đó không chỉ là một loại “bảo hiểm” tài chính cho người mua nhà, mà còn là “mành lưới” giúp trói buộc những chú "vịt giời" trên thị trường.

Những ai cho rằng điều này khiến các bên thêm việc, mất tiền, chắc hẳn sẽ nghĩ lại nếu tận tai nghe những câu chuyện thấm đẫm nước mắt của khách hàng tại những dự án như Tricon Tower chẳng hạn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan