Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I (TP. HCM): Khách nộp tiền gần 15 năm, nhà vẫn chưa xây

Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I (TP. HCM): Khách nộp tiền gần 15 năm, nhà vẫn chưa xây

Dự án Khu nhà ở Phước Kiểng I (huyện Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 12/2001. Chủ đầu tư đã huy động vốn của 400 khách hàng với giá từ 1,2 triệu đồng/m2 trở lên, tuy nhiên, tới nay đã gần 15 năm, người dân đóng góp tiền đầu tư dự án vẫn chưa được xây dựng nhà ở.     

Huy động vốn rồi bỏ mặc người dân

Dự án có quy mô 436 nền nhà biệt thự. Sau khi được cấp phép đầu tư, tháng 3/2002, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi và giao 19 ha đất cho Công ty Thái Sơn. Ngay sau đó, công ty này đã kêu gọi người dân góp tiền theo hình thức góp vốn đổi đất để chủ đầu tư thực hiện dự án. Vì vị trí của Dự án chỉ cách trung tâm TP.HCM 7 km, nên có rất nhiều người dân tham gia góp vốn.

Nhưng sau gần 15 năm, 400 người dân tham gia góp vốn vào dự án chỉ thấy cỏ mọc. Bà Lê Thị Cẩm, một người tham gia góp vốn tại dự án này cho biết, năm 2001, khi nghe thông tin Công ty Thái Sơn huy động góp vốn đổi đất với giá 1,8 triệu đồng/m2. Sau khi ký hợp đồng với Công ty Thái Sơn, gia đình bà đã đóng 300 triệu đồng, tương đương 100% giá trị hợp đồng.

“Theo hợp đồng, từ 12 đến 16 tháng, Công ty Thái Sơn sẽ giao đất với hạ tầng giao thông, điện nước đầy đủ. Vậy mà vài năm sau, Công ty mới giao đất, nhưng không cho xây nhà. Tìm tới Công ty thì họ trả lời là sẽ thông báo tình hình dự án sớm nhất tới khách hàng, nhưng đợi hoài vẫn không thấy họ có thông báo gì”, bà Cẩm bức xúc.

Ông Hoàng Văn Thắng, ngụ tại quận Tân Bình đưa chúng tôi xem hợp đồng mà ông cùng phía Công ty Thái Sơn thỏa thuận với nhau. Ông cho biết, từ sau khi đóng tiền đợt 1 và đợt 2 (210 triệu đồng), ông và hàng trăm hộ dân khác hoàn toàn không nhận được thông báo nào của Công ty Thái Sơn về việc cho xây nhà. Trong hợp đồng có ghi rõ “Bên A lập biên bản cắm mốc và giao đất cho bên B không quá 24 tháng kể từ ngày hợp đồng góp vốn có hiệu lực”, nhưng nay đã tròn 10 năm trôi qua, ông Thắng vẫn không được xây nhà trên lô đất mình góp vốn, dù tiền đã đóng đúng cam kết.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Thanh Hùng, mua lô B của dự án này và đã đóng đủ tiền, nhưng cũng chưa được giao đất. “Hợp đồng của tôi là lô B, nhưng lô B hiện nay Công ty vẫn chưa đền bù giải tỏa xong, nên không biết bao giờ mới được giao đất”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, khách hàng tham gia góp vốn dự án này còn cho biết, Công ty Thái Sơn đã thay đổi tên gọi pháp lý và tài khoản giao dịch, nhưng không hề thông báo cho khách hàng.

Đơn cử, trong hợp đồng góp vốn đầu tư, phiếu thu tiền và biên bản giao nhận mã số lô đất W13 (diện tích 140 m2 ) ký ngày 11/3/2006 với khách hàng Đỗ Thị Việt Hoa, con dấu của “Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh nhà - Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng”, do ông Bùi Văn Thái làm Giám đốc, số tài khoản giao dịch thuộc Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. Thế nhưng 3 năm sau, ngày 2/3/2009, cũng góp vốn để mua đất tại khu dân cư này, nhưng chị Ngô Thị Đỗ Quyên, ngụ đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận lại không ký hợp đồng với Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh nhà, mà thay vào đó là “Ban quản lý dự án - Công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng”, do ông Lê Đức Kính làm Giám đốc, số tài khoản thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Nam Sài Gòn.

Cũng theo chị Quyên, năm 2009, chị và Ban quản lý dự án - Công ty Thái Sơn có ký hợp đồng góp vốn đầu tư (210 triệu đồng) để nhận nền xây dựng nhà ở tại Dự án, nhưng đến nay đã 7 năm trôi qua mà chị không hề được Công ty Thái Sơn thông báo đóng tiếp tiền, cũng như không được nhận lô đất mã số Y29.

Hứa lên hứa xuống

Những hộ dân mua đất tại dự án này cho biết, đã không dưới 10 lần người dân tới làm việc với lãnh đạo Công ty Thái Sơn để hỏi về việc bao giờ phía Công ty sẽ cho xây dựng nhà tại dự án, thì đều được Công ty hứa một thời điểm nào đó trong năm, nhưng rồi lại không cho xây dựng.

“Đặc biệt, năm 2008, Công ty Thái Sơn thông báo cho người dân mua đất tại đây đóng 24 triệu đồng để xây tường bao rồi sẽ cho xây dựng, nhưng sau đó Công ty lại không xây tường bao, chỉ xây cái cổng Dự án và cũng không cho xây dựng nhà”, ông Phạm Đức, một người mua đất Dự án nói.

Một hộ dân khác là bà Trần Phạm Ngọc Ánh cho biết, ngày 25/7/2011, Công ty Thái Sơn ra Văn bản số 18/CV-BQLDA, thông báo sẽ cho các hộ dân xây nhà trên lô đất của mình. “Tôi thấy văn bản này liền bán nhà, đi ở nhà thuê để lấy tiền mua đất tại đây, nhưng tới giờ Công ty vẫn không cho xây dựng”, bà Ánh nói.

Cũng theo các hộ dân, thì hồi tháng 12/2014, một lần nữa Công ty Thái Sơn lại thông báo người dân mua đất phải đóng tiếp 5 triệu đồng để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho xây nhà, nhưng rồi vẫn không được xây.

“Tháng 7/2015, chúng tôi tới Công ty Thái Sơn để hỏi bao giờ được xây dựng nhà, ông Nguyễn Ngọc Thư, Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn trả lời, tới cuối quý III/2015 sẽ được xây nhà, nhưng rồi tới hạn vẫn không được xây. Ngày 22/9/2015, tôi lại cùng 20 hộ dân mua đất tại đây tới Công ty hỏi bao giờ được xây nhà thì ông Thư lại hẹn tháng 12/2015 sẽ cho xây nhà, sau đó tháng 3/2016 chúng tôi lại tới làm việc với Công ty thì ông Thư lại hẹn tới tháng 6 này sẽ cho xây, nhưng giờ vẫn chưa thấy Công ty có động thái gì”, bà Ánh cho biết.

Được biết, hiện tại Công ty Thái Sơn đã hoàn thành 93% diện tích đền bù giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, điện nước đã xây xong khá lâu.

Đem vấn đề này hỏi Sở Xây dựng TP.HCM, ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đối với dự án Phước Kiểng I, Sở Xây dựng đã thông báo với chủ đầu tư cần giải quyết gấp, tuy nhiên do tính phức tạp của Dự án, nên Sở Xây dựng sẽ cùng Công ty Thái Sơn trực tiếp giải quyết trong thời gian tới.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cũng cho biết, UBND Thành phố đã nắm được tình hình tại dự án này. Theo đó, cái vướng lớn nhất của Dự án là bồi thường giải tỏa tại một số vị trí, vì trong tình trạng “da beo” nên Dự án chậm triển khai.

“UBND huyện Nhà Bè đã báo cáo với Thành phố về vấn đề của dự án này, đồng thời phía huyện Nhà Bè cũng đề xuất hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để có thể triển khai dự án trong năm 2016”, ông Hoan cho biết.

Tin bài liên quan