Dự án Khu đô thị Đông Bình Dương: Bán nền trên đất của... người khác

Dù chưa giải tỏa, đền bù xong, nhưng chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Đông Bình Dương (phường Tân Bình, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vẫn bán sản phẩm khiến cho nhiều người dân “chết đứng” khi biết mình đã mua nhà trên giấy.          

Bán… “lúa non”

Mới đây, hàng chục hộ dân tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương đứng ngồi không yên, tìm mọi cách để tác động tới chủ đầu tư, cũng như chính quyền địa phương khi lỡ mua phải sản phẩm tại Dự án Khu đô thị Đông Bình Dương (chủ đầu tư là Công ty TNHH phát triển đô thị Đông Bình Dương Công ty Đông Bình Dương).

Bà T.T.H, ngụ quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, cách đây khoảng 6 tháng, thông qua một số thông tin rao bán trên mạng Internet, bà đã tìm đến Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thiên Phú Hưng (Công ty Thiên Phú Hưng) trên địa bàn Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để mua nền dự án.

Tại đây, để thuyết phục người mua, người được giới thiệu là nhân viên công ty phân phối Dự án Đông Bình Dương đã đưa ra một số loại giấy tờ, văn bản có liên quan đến Dự án và khẳng định, Dự án đang tích cực thi công. Vì lần đầu mua đất, không biết nhiều về thủ tục mua bán, nhưng trước sự thuyết phục của nhân viên môi giới, nên bà quyết xuống tiền mua một nền đất tại tại “một dự án quá tốt”.

Dự án Khu đô thị Đông Bình Dương: Bán nền trên đất của... người khác  ảnh 1

 Biển cảnh báo của chính quyền địa phương về nguy cơ cho các giao dịch

Tuy nhiên, sau đó khoảng 3 tháng, khi đưa người thân tới thực địa, thì bà H. phát hiện một biển cảnh báo của chính quyền địa phương với nội dung: “Dự án khu dân cư Đông Bình Dương đang triển khai, yêu cầu không được tổ chức môi giới, mua bán đất nền gây mất an ninh trật tự, khi nào dự án chính thức mở sàn giao dịch mua bán sẽ thông báo đến người dân, tránh rủi ro sau này”.

“Khi tới UBND phường Tân Bình tìm hiểu vấn đề này, tôi thấy hàng chục người khác cũng đang ở đây đợi làm việc với chính quyền về dự án này, sau đó thì được biết, Dự án chưa được phép mở bán vì chưa thực hiện xong công tác giải tỏa, đền bù”, bà H nói.

Sau khi phát hiện mình bị mua nhà trên giấy, hàng chục người dân tiếp tục kéo tới Công ty Thiên Phú Hưng và Công ty Đông Bình Dương đòi tiền, nhưng theo họ, đến nay, các khổ chủ đều nhận được câu trả lời của chủ đầu tư là, muốn nhận lại tiền thì gửi nền lại cho chủ đầu tư bán, khi nào bán được thì họ sẽ chuyển trả tiền! “Dự án đang bị địa phương cấm mua - bán, thì biết đến bao giờ chúng tôi mới nhận được tiền”, anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân tại Khu công nghiệp VSP II tỉnh Bình Dương - một khách hàng lỡ mua đất tại dự án này bức xúc.

Tuy nhiên, sự việc không dừng lại đó. Một số khách hàng còn phản ánh, ngoài Công ty Thiên Phú Hưng, thì Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng HHA (Công ty HHA, trụ sở tại quận 1, TP.HCM) cũng tham gia việc bán nền đất tại Dự án Khu đô thị Đông Bình Dương.             

Tìm hiểu tại địa điểm được cho là sẽ xây dựng Dự án, phóng viên ghi nhận nơi đó vẫn đang chỉ là một cánh đồng cỏ, vài ba chỗ loang lổ do được đổ đất san lấp mặt bằng. Nhiều người dân tại đây cho biết, Dự án chưa thỏa thuận đền bù xong với họ.

Ngoài ra, bất chấp yêu cầu của chính quyền địa phương, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, các hoạt động giao dịch, mua bán đất tại dự án vẫn khá rầm rộ trên hàng chục trang mạng chuyên về bất động sản. Gọi vào số điện thoại trên website: www.khudancudongbinhduong.com một người tên P. giới thiệu là nhân viên môi giới dự án thuyết phục: “Giá bán từ 5,5 triệu - 9 triệu đồng/m2, diện tích từ 80 m2 - 100 m2. Anh tranh thủ mua sớm, sắp hết hàng”. Theo P., hiện nay, 2.000 trong tổng số 6.000 nền của Dự án đã có chủ. Để mua nền dự án, khách hàng phải đặt cọc ngay 50 triệu đồng, sau 7 ngày sẽ tiếp tục thanh toán đợt một là 180 triệu đồng,  4 - 6 tháng sau thanh toán tiếp đợt hai (144 triệu đồng). Số còn lại sẽ thanh toán khi dự án giao nền. Thông tin về “thủ tục”, P. nói: “Tụi em ký hợp đồng... hợp tác đầu tư”(!)

Vi phạm luật hình sự?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Dự án có tổng diện tích 126 ha được giao cho Công ty cổ phần Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM làm chủ đầu tư. Sau đó, công ty này đã liên doanh với một đối tác nước ngoài là Công ty Onshine Investments Ltd. lập ra Công ty Đông Bình Dương để phát triển dự án. Tính đến nay, dự án này vẫn còn đến 2,5 ha chưa đền bù, giải tỏa xong, nhưng đã bị phân lô bán ra ngoài dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư. 

Trước những diễn biến trên, ông Nguyễn Văn Yêm, Phó chủ tịch UBND P.Tân Bình, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã cho phóng viên Báo Đầu tư biết: “Khi vừa phát hiện chúng tôi đã báo ngay UBND Thị xã Dĩ An và đặt biển cảnh báo trên địa phận Dự án. UBND phường hàng ngày phát loa kêu gọi người dân không giao dịch, mua bán dự án lúc này”. Tuy nhiên, theo ông Yêm, tất cả các việc trên chỉ nhằm cảnh báo, khó ngăn chặn triệt để, bởi việc giao dịch được các đơn vị thực hiện “lách luật”. 

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, việc huy động vốn dự án khi chưa hoàn thành đền bù, giải tỏa không chỉ vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, mà còn có dấu hiệu xâm hại trái phép tài sản của người khác. Bởi, dự án chưa giải tỏa, đền bù xong, đất đai vẫn còn thuộc sở hữu của người dân. Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, còn có trách nhiệm của các công ty môi giới khi bán sản phẩm không đảm bảo điều kiện pháp lý. Không chỉ xử phạt, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ sai phạm. Riêng đối với khách hàng mua nền đất dự án dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư sẽ vô cùng rủi ro.

Theo thông tin từ một lãnh đạo UBND Thị xã Dĩ An cho biết, vụ việc đã được chuyển cho Công an Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ. Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thị xã Dĩ An đã đến địa phương xác minh vụ việc và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Tin bài liên quan