Chủ đầu tư Dự án Park City đã bán căn nhà đang có tranh chấp với khách hàng cho người khác

Chủ đầu tư Dự án Park City đã bán căn nhà đang có tranh chấp với khách hàng cho người khác

Cựu tổng giám đốc Park City: Mọi hợp đồng mua bán nhà do tôi ký đều hợp lệ

(ĐTCK) Ngày 28/10, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Habibullah Khong Sow Kee, cựu Tổng giám đốc CTCP Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Park City (Hà Nội). 

Ngày 28/10, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Habibullah Khong Sow Kee, cựu Tổng giám đốc CTCP Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Park City (Hà Nội). Ông Khong khẳng định, ông đã chấp thuận cho khách hàng Trần Thị Dung thay đổi thiết kế bên trong căn nhà vì đó là đề nghị hợp lý và không gây tốn kém thêm chi phí cho Công ty. Hợp đồng ông ký với bà Dung có giá trị pháp lý và phải được tôn trọng thực hiện.

Ông Khong nói rằng, thời điểm tháng 11/2011, ông ký hợp đồng mua bán nhà ở căn số 06/05/TH4B (M) Khu đô thị Park City với bà Dung trên tư cách là Tổng giám đốc VIDC, người đại diện theo pháp luật của Công ty, chứ không phải vai trò cá nhân. Ông đã  ký hợp đồng, trong đó có bản thiết kế phía trong căn nhà đã được điều chỉnh so với bản thiết kế công bố trong catalogue của VIDC. Việc này đã được ông và khách hàng thống nhất.

“Bà Dung hay bất cứ ai, đều là khách hàng của VIDC, đã mua nhà được chào bán công khai với giá áp dụng như mọi người. Việc đề nghị được thay đổi thiết kế phía trong căn nhà, nếu không ảnh hưởng đến chi phí xây dựng căn nhà, thì là việc rất bình thường. Nếu không phải bà Dung, mà các khách hàng khác có đề nghị tương tự với tôi, tôi đều chấp thuận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng và cho cả quyền lợi của VIDC”, ông Khong nói.

 “Tôi đã nói chuyện với luật sư của tôi và luật sư cho biết, những gì tôi làm đều đúng với chức trách và nhiệm vụ được giao. Các hợp đồng tôi đã ký với khách hàng mua nhà tại Park City đều có giá trị pháp lý và phải được tôn trọng thực hiện”, ông Khong nhấn mạnh.

Vị cựu Tổng giám đốc VIDC cũng đặt câu hỏi: “Hợp đồng ký với bà Dung được công bố công khai trong Công ty. Nếu tôi làm sai, tại sao trong suốt 4 năm qua, không có ai có ý kiến gì về việc này, mà đến nay, ông Lawrence Peh, Tổng giám đốc VIDC mới đưa việc này ra?”.

Cũng cần nói thêm về cung cách ứng xử với khách hàng của Ban lãnh đạo VIDC hiện nay. Theo tài liệu bà Trần Thị Dung cung cấp, ngày 19/5/2014, bà Dung và luật sư có cuộc làm việc với đại diện VIDC là bà Vũ Thúy Diễm, Trưởng ban Đối ngoại và phát triển doanh nghiệp và Công ty luật Winco, kết luận buổi làm việc nêu: “VIDC quyết định chấm dứt hợp đồng đã ký; bà Dung đồng ý hủy bỏ hợp đồng mua bán nhà; hai bên sẽ tiếp tục thương lượng, hòa giải để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng”. Tuy nhiên, sau đó, VIDC không liên lạc, trao đổi gì với khách hàng. Quá sốt ruột, phía bà Dung đã nhiều lần gọi điện hỏi thông tin và đề nghị tiếp tục trao đổi để thống nhất phương án xử lý vụ việc, nhưng VIDC không đáp ứng.

Hơn 1 năm sau, ngày 7/8/2015, Công ty luật Winco gửi thông báo cho bà Dung rằng, VIDC đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng căn nhà cho khách hàng khác và đề nghị bà cung cấp số tài khoản ngân hàng để trả số tiền 1,79 tỷ đồng (giảm 1,46 tỷ đồng so với số tiền bà Dung đã nộp cho VIDC gần 4 năm trước).

Bà Dung cho biết, VIDC đã bán căn nhà đang có tranh chấp với bà cho khách hàng khác và đơn phương giữ lại số tiền bà đã nộp để mua nhà, mà chưa đạt được sự thống nhất với bà.

Trước sự việc này, bà Dung đã gửi đơn đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tạm thời không thụ lý các thủ tục xin cấp sổ đỏ cho căn nhà (nếu có), vì căn nhà đang thuộc diện tranh chấp. Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết việc này.

Như vậy, không chỉ có bà Dung bị ảnh hưởng quyền lợi, có thêm khách hàng khác tại Khu đô thị Park City đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ việc này.

(Còn nữa)

Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cụ thể:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Tin bài liên quan