Chất lượng xây dựng kém
Theo phản ánh cư dân sống tại khu nhà ở xã hội Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City thuộc Khu đô thị Hồng Hà Eco City (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), chất lượng xây dựng của công trình và cách hành xử của chủ đầu tư khiến cho nhiều hộ dân nơi đây rất bức xúc.
Một chủ hộ tại tòa CT16 cho biết: “Chất lượng công trình tại dự án rất tệ, có nhiều căn bị nổ gạch, nổ sàn. Có hôm gạch nổ kêu rất sợ. Quan sát phía dưới, tôi thấy toàn cát, chắc là ít xi măng, nên một thời gian, gạch bị giãn nở, gây nứt, nổ”.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chỉ tính riêng sàn tầng 5 của tòa CT16 đã có 5 căn hộ bị nổ sàn với chung một kịch bản là sàn nhà bị cương lên và tự nứt, nổ gạch.
Anh Hiếu, cư dân sống tại tòa CT16 cho biết: “Nhà tôi lát sàn gỗ, nên khi sàn nhà bị phồng rộp lên không được chủ đầu tư bảo hành. Tôi phải tốn khoảng 3 triệu để tự sửa chữa”.
Tương tự, anh Điệp, cư dân sống tại tòa CT16 cũng cho biết, nhiều căn hộ trong tòa nhà bị bong nền, sàn nhà tự phồng, trong đó có căn hộ của anh. Theo đánh giá của anh Điệp, lý do sàn nhà tự phồng là do thiếu ximăng.
“Nhà tôi không làm sàn gỗ và còn trong thời gian bảo hành, nên chủ đầu tư có trách nhiệm sửa chữa. Tuy nhiên, thời gian là khá lâu, tới hơn 1 tuần mới sửa, nên ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt gia đình”, anh Điệp cho biết.
Nước sạch… có giun
Không chỉ chất lượng công trình kém, cư dân tại đây còn phải ánh chất lượng dịch vụ cũng rất tệ. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Một cư dân đang thuê nhà tại tòa CT16 cho biết, tình trạng nước bẩn diễn ra từ lâu và chủ đầu tư chưa đưa ra được hướng giải quyết căn cơ.
“Trước kia trong nước còn có cả giun, giờ đỡ hơn chút, nhưng nước vẫn có màu vàng. Máy lọc nước của dự án chủ đầu tư lắp cho vui, chứ không hoạt động”, cư dân này nói và cho biết, sắp tới sẽ phải tìm chỗ ở khác, vì không thể chịu được tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt như ở đây.
Người dân tố công trình bị cắt xén vật liệu
Theo cư dân ở đây, khi họ phản ánh với Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai, đơn vị này khẳng định, việc cấp nước của Xí nghiệp đến 2 đồng hồ tổng tại chân tòa nhà đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, còn việc phân phối nước đến các hộ dân là trách nhiệm của chủ đầu tư.
“Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cho biết, đã xuống thực tế và chỉ ra cho chủ đầu tư nguyên nhân chính dẫn đến việc nguồn nước bị nhiễm bẩn là do hệ thống cấp nước ở trên bể mái bất hợp lý, đường vào một bể sau đó mới tràn sang bể khác dẫn đến hiện tượng sục nước ở các bể”, một cư dân cho biết.
Tuy nhiên, khi trao đổi với đại diện chủ đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản lại nhận được câu trả lời: “Nguồn nước là do bên nước sạch cung cấp, chúng tôi không thể can thiệp được” (!?)
Nhiều khuất tất
Không chỉ nguồn nước ô nhiễm kéo dài, chất lượng xây dựng kém, theo phản ánh của cư dân và ghi nhận của phóng viên, chủ đầu tư hiện đang chiếm dụng không gian chung là sân chơi làm bãi gửi xe ô tô. Được biết, mức phí hiện tại là 800.000 đồng/xe/tháng, xe bên ngoài gửi tính lượt 20.000 đồng/lượt, thời gian cộng thêm tính theo block là 10.000 đồng/giờ.
“Nước sạch” ở Chung cư Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City
Mức phí 800.000 đồng/tháng/xe ô tô được ông Nguyễn Xuân Đức, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí xác nhận và cho biết thêm, hiện Công ty chỉ cho tối đa 29 xe ô tô đậu trong bãi. Số tiền này (khoảng hơn 23 triệu đồng/tháng - PV) sẽ được sử dụng vào công tác vận hành khu dân cư.
Tuy nhiên, giải thích này của ông Đức không nhận được sự đồng tình của cư dân, vì theo họ, quyền lợi của người dân không có xe bị ảnh hưởng (mất không gian chung) và nguồn thu này được sử dụng cho việc quản lý là chưa thỏa đáng.
Một vấn đề mà nhiều người dân đặc biệt quan tâm là việc bàn giao quyền quản trị và phí bảo trì 2%. Theo cư dân phản ánh, dù đã đưa vào khai thác, vận hành gần 2 năm, nhưng đến nay, cư dân vẫn chưa được chuyển giao quyền quản trị.
Về vấn đề này, ông Đức khẳng định, từ khi nhận quỹ bảo trì, chủ đầu tư đã lập riêng một tài khoản ở ngân hàng và nộp tiền vào đó. Hiện số tiền quỹ bảo trì khoảng 20 - 30 tỷ đồng.
“Chúng tôi chưa chuyển giao vì chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư và bầu ra ban quản trị. Dự kiến, vào ngày 10/12 tới sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất cho cụm CT5, CT6, còn các cụm CT15, CT16 và CT4 thì chưa có kế hoạch cụ thể”, ông Đức cho biết.
Điều 13, Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định, Hội nghị của tòa nhà chung cư phải được tổ chức trong thời hạn 12 thán, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao (bao gồm cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán); Trường hợp quá thời hạn quy định tại điểm này mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao, thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Quy định là như vậy, nhưng tính đến nay, đã gần 2 năm đưa vào vận hành (từ 30/12/2015), Dự án Nhà ở xã hội Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, chưa có ban quản trị, chưa nhận chuyển giao quyền quản trị, quỹ bảo trì.
Về lý do chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất, đại diện chủ đầu tư cho biết, do chưa có được sự thống nhất của cư dân, thiếu thành phần tham dự, cư dân muốn tách thành 2 ban quản trị (hai tòa CT15 và CT16), trong khi chủ đầu tư lại muốn gộp làm một…
Ông Đức khẳng định, chủ đầu tư đều làm đúng quy trình, không hề sai sót, nhưng người dân cho rằng, chủ đầu tư cố tình bày vẽ ra các lý do để trì hoãn bàn giao quyền quản trị chung cư.
“Trước đây, khi cư dân yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất, thì chủ đầu tư tổ chức họp, nhưng sau đó lấy lý do các trưởng tầng chưa thống nhất, dân cư chưa cùng hướng… Cơ bản là chủ đầu tư muốn trì hoãn”, một cư dân bức xúc.
Ngoài Khu đô thị Hồng Hà City, Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí còn đang triển khai Dự án chung cư Sakura Hồng Hà Eco City với gần 200 căn hộ thương mại và đang được Hà Nội cân nhắc lựa chọn làm đơn vị thực hiện một phần dự án đặt 22.000 căn hộ thương mại làm quỹ tái định cư trên địa bàn Thủ đô.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com