Công ty PVCLand sẽ phá sản như thế nào?

(ĐTCK) Toà án Nhân dân TP.HCM chính thức ra quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với PVCLand, chủ đầu tư PetroVietnam Landmark. Một câu hỏi lớn được đặt ra, vậy công ty này sẽ phá sản như thế nào và tài sản của khách hàng đã đóng tiền cho Công ty sẽ ra sao?

Ngày 24/2/2017, sau thời gian dài “trùm mền”, dự án PetroVietnam Landmark (quận 2, TP.HCM) bị ngân hàng cũng như khách hàng mua căn hộ tại dự án khởi kiện, Toà án Nhân dân TP.HCM chính thức ra Quyết định 52/2017/QĐ-MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand - chủ đầu tư PetroVietnam Landmark).

Một câu hỏi lớn được đặt ra, vậy công ty này sẽ phá sản như thế nào và tài sản của khách hàng đã đóng tiền cho Công ty sẽ ra sao?

Dự án PetroVietnam Landmark được giới thiệu và mở bán năm 2009. Khi đó được giới thiệu rất hoành tráng là “Tổ hợp công trình Chung cư cao cấp - Trung tâm Thương mại - Văn phòng”, được xây dựng trên khu đất 1,9 ha thuộc tiểu khu 7 - Khu đô thị phát triển An Phú (quận 2, TP.HCM).

Dự án do PVCLand làm chủ đầu tư. Đến nay, gần 420 căn hộ chung cư được chủ đầu tư bán cho cán bộ nhân viên ngành dầu khí và cả khách hàng bên ngoài. Tuy nhiên, khi đã bước vào giai đoạn hoàn thiện thì dự án này lại phải “đắp chiếu” và PVCLand đã chậm bàn giao căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark cho khách hàng gần 6 năm nay.

Công ty PVCLand sẽ phá sản như thế nào? ảnh 1

PVCLand đã chậm bàn giao căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark cho khách hàng gần 6 năm nay 

Từ đây mọi rắc rối phát sinh, khách hàng khởi kiện, ngân hàng bảo lãnh cũng khởi kiện khiến vào đầu tháng 2/2017, Chi cục Thi hành án dân sự quận 2, TP.HCM phải ra quyết định phong tỏa hơn 15.000 m2 dự án PetroVietnam Landmark.

Sau đó, ngày 24/2/2017, Toà án Nhân dân TP.HCM ban hành Quyết định 52/2017/QĐ-MTTPS về việc mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Văn bản nêu rõ, sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của bà Trần Thị Châu Giang (địa chỉ 18/7 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM); xem xét các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản, xét thấy có các căn cứ chứng minh PVCLand mất khả năng thanh toán, Toà án Nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVC Land (địa chỉ tại Lầu 6, số 11Bis Nguyễn Gia Thiều, quận 3, TP.HCM).

Những người có giao dịch với doanh nghiệp phá sản cần chú ý xác định đúng tư cách của mình vì xác định tư cách chủ thể cũng có thể dẫn đến mất quyền lợi.

Quyết định nêu rõ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo, đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản - bà Nguyễn Thuỵ Anh - địa chỉ 197/3 Nguyễn Kim, phường 7, quận 3 TP.HCM. Trong đó, nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ phải trả.

Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên. Hết thời hạn này, các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến Toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ.

Cũng từ đây, xuất hiện mối lo của hơn 400 khách hàng mua căn hộ dự án này rằng nếu Công ty phá sản thì khối tài sản mà họ tích cóp có khi cả đời sẽ ra sao?

Phân tích về quyết định này của Toà án Nhân dân TP.HCM, luật sư Nguyễn Tiến Long, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, theo Luật Phá sản, đây chỉ là bước đầu của thủ tục phá sản nhưng chưa phải chính thức công ty này có quyết định phá sản, tuy nhiên nó cũng cho thấy tình hình sức khỏe của công ty và khiến nhiều người lo lắng.

Về bản chất, mở thủ tục phá sản là tình trạng của một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nên cũng không đồng nghĩa với việc các chủ nợ mất hết khả năng thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp vụ thuộc vào tổng giá trị tài sản và tổng giá trị nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp.

“Khi Tòa nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ, nếu có căn cứ thì Tòa sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản và chỉ định quản tài viên, cùng với đó là quản tài viên sẽ là bên tổ chức thực hiện xác định nghĩa vụ về tài sản, kiểm kê tài sản, thông báo đến các chủ nợ để lập danh sách chủ nợ… Sau thời điểm mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn hoạt động, xử lý và thanh toán các khoản nợ đặc biệt, hoàn trả tài sản…, nhưng phải theo quy định và dưới sự kiểm soát của quản tài viên và thẩm phán”, luật sư Long nói.

Cũng theo luật sư Long thì hội nghị chủ nợ sẽ được tổ chức với sự tham gia của các chủ nợ trong danh sách chủ nợ (chủ nợ có bảo đảm, chủ nợ không có bảo đảm), đại diện người lao động, người bảo lãnh. Tại hội nghị chủ nợ sẽ quyết định về doanh nghiệp sẽ có 3 hướng: (1) Đình chỉ tiến hành phá sản và doanh nghiệp hoạt động bình thường; (2) Phá sản; (3) Tiếp tục hoạt động thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Nếu phục hồi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có thời hạn tối đa là 3 năm để thoát cảnh phá sản, đặc biệt là việc thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh này sẽ do các chủ nợ không có bảo đảm hoàn toán quyết định, không phụ thuộc vào ý kiến của chủ nợ có bảo đảm (ngân hàng cho vay có bảo đảm…).

Khi tuyên bố doanh nghiệp phá sản sẽ giải quyết tài sản còn lại của doanh nghiệp (tài sản và quyền tài sản) để phân chia cho các chủ chủ nợ theo thứ tự mà pháp luật đã quy định. Tài sản của doanh nghiệp là những tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp bao gồm: tiền, giấy tờ có giá, bất động sản, động sản, tài sản vô hình, quyền tài sản, khoản phải thu của bên thứ ba…Việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp phá sản thường không xác định được thời gian nên chủ nợ có thể không đến được thứ tự để nhận hoặc nhận được giá trị còn lại cũng chưa biết khi nào.

“Những người có giao dịch với doanh nghiệp phá sản cần chú ý xác định đúng tư cách của mình vì xác định tư cách chủ thể cũng có thể dẫn đến mất quyền lợi. Đối với chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu doanh nghiệp phá sản trả lại tài sản mà không bị đưa nhầm vào danh sách chủ nợ. Các chủ nợ thì cần thực hiện đúng thời hạn thông báo của Tòa để quản tài viên lập danh sách chủ nợ để được thanh toán theo thự tự quy định”, luật sư Long tư vấn.

Ngoài ra, luật sư Long cho biết, đặc điểm giao dịch căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark là giao dịch tài sản hình thành trong tương lai. Nghị định 71/2010/NĐ-CP và Luật Nhà ở năm 2014 thừa nhận hợp pháp vốn đầu tư dự án có từ tiền của người mua. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, quyền sở hữu căn hộ chưa chuyển giao cho người mua, do đó người mua căn hộ cần chủ động tạo thành nhóm để có đại diện tham gia thủ tục mở phá sản của doanh nghiệp để có phương án phù hợp quy định pháp luật như: nhận căn hộ để bù trừ thanh toán, xem xét và yêu cầu tuyên bố các hợp đồng và giao dịch vô hiệu, hành vi vi phạm của người quản lý điều hành.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan