Chính sách gửi tiết kiệm để mua nhà đang nhận được nhiều sự chú ý của người dân

Chính sách gửi tiết kiệm để mua nhà đang nhận được nhiều sự chú ý của người dân

Chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội mới, vẫn còn nhiều lấn cấn

(ĐTCK) Khảo sát của Đầu tư Bất động sản đối với nhiều công nhân và người thu nhập thấp, không chứng minh được thu nhập cho thấy, với mức thu nhập hiện tại, có mơ cả đời cũng không dồn đủ vài trăm triệu để mua nhà. Vì vậy, người lao động mong chính sách thay đổi, cho phép mỗi tháng chỉ cần gửi 1 - 1,5 triệu đồng mà được mua nhà.

Trong hướng dẫn đối với việc tạo dựng quỹ cho nhà ở xã hội bên cạnh bố trí vốn từ ngân sách, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với "Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn".

Như vậy, tại TP. HCM, giá nhà ở xã hội hiện dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ
đồng/căn, nếu được vay khoảng 70 - 80% trong 15 năm, thì mỗi tháng trung bình người mua phải gửi từ 2 - 4,5 triệu đồng. Mức gửi này người mua có thể chấp nhận nếu biết chắc chắn dự án được mua sau thời hạn tiết kiệm 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn cung nhà ở xã hội tại TP. HCM và trên cả nước khó đáp ứng được nhu cầu của người mua trong vòng 1 - 2 năm.

Kết quả khảo sát nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2016-2020 do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố thực hiện (với đối tượng và địa bàn điều tra chưa phủ đầy đủ) thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000; hầu hết các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội, chiếm tỷ lệ từ 65 - 94%. Trong khi đó, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, từ năm 2016-2020, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai 39 dự án nhà ở xã hội với 44.700 căn hộ. Trong năm 2016, Thành phố sẽ hoàn thành 4 dự án nhà ở xã hội với 1.764 căn hộ. Đa số trong số các căn hộ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2016 đều của Công ty Địa ốc Hoàng Quân. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chậm và giãn tiến độ do chưa bố trí được nguồn vốn để triển khai. Như vậy, lượng căn hộ hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của người mua. Điều này dẫn đến tình trạng từ thời gian gửi tiết kiệm đến lúc ký hợp đồng mua nhà không phải là 12 tháng, mà có thể dài hơn, thậm chí là 10 năm sau.

Vấn đề thứ hai là mức lãi suất tiền gửi của người mua lại do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định, mà không theo mức thực gửi trên thị trường. Cách làm này có thể dẫn đến tình trạng những người gửi tiền phải chịu thiệt thòi trong thời gian chờ đợi mua nhà. Ví dụ, họ phải chờ cả 5 - 10 năm chỉ được hưởng lãi suất thấp, thì người mua sẽ thấy ngay thiệt thòi trong khi quyền lợi chưa có. Vì thế, quy định này sẽ làm người mua không gửi tiết kiệm, kế hoạch tạo nguồn vốn sẽ khó thành công.

Hơn nữa, vì giá nhà ở xã hội khác nhau và mức vay của khách hàng cũng khác, nên sẽ rất khó ấn định mức gửi tiết kiệm hàng tháng.

Những lý do trên cho thấy, quy định "Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn" không mấy khả thi. Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã gửi kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thay quy định trên bằng cách định ra mức gửi tối thiểu của người tham gia mua nhà ở xã hội từ 0,5 - 1 triệu đồng/tháng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng: “Mức gửi đến 1 triệu đồng/tháng là phù hợp với khả năng của hầu hết người thu nhập thấp. Với mức lương của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP. HCM từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà, sinh hoạt cá nhân, thì mức gửi trên là phù hợp. Hơn nữa, khoản tiền không lớn sẽ huy động được rất nhiều người tham gia. Mục tiêu huy động dễ thành công hơn. Mức gửi này có thể áp dụng trong cả nước, đảm bảo tính thống nhất trong văn bản quy phạm pháp pháp luật và Ngân hàng Nhà nước ban hành”.

Ngoài việc đề xuất trên, HoREA còn kiến nghị cho người gửi tiết kiệm nhà ở xã hội được hưởng lãi ngay từ thời điểm gửi tiền và được hưởng lãi suất cao nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, do tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội có tính chất dài hạn, để khuyến khích gửi tiết kiệm nhà ở xã hội và để người gửi tiết kiệm không bị thiệt thòi.

Khảo sát của Đầu tư Bất động sản đối với công nhân trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM và người thu nhập thấp, không chứng minh được thu nhập cho thấy, đa số họ đều trả lời: “Nếu mỗi tháng chỉ gửi khoảng 1 triệu đồng mua nhà ngay càng tốt, còn nếu không, đành chờ 5 hay 10 năm. Vì với mức thu nhập hiện tại, có mơ cả đời cũng không dồn đủ vài trăm triệu để mua nhà”. Ngoài ra, họ còn kiến nghị, nếu chưa được mua nhà ở xã hội thì cho phép người gửi được rút tiền ra khi có nhu cầu.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố ngày 1/7/2016 cho thấy, chỉ tính riêng công nhân trong các khu công nghiệp, thì đến năm 2020 đã có khoảng 4,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở, chưa kể đến lượng người nhập cư vào các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, hoặc các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Tuy nhiên, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong các khu công nghiệp chỉ có khoảng 20% công nhân có chỗ ở ổn định, còn lại phải đi thuê chỗ ở tạm.

Nếu những kiến nghị trên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, thì cả nước có đến hàng triệu người tham gia chương trình này, thay vì như hiện nay, người có nhu cầu nhà ở thật thì không mấy mặn mà vì không có khả năng gửi số tiền vài triệu đồng/tháng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan