Tại dự án 21 Lê Văn Lương, khách hàng đang lo lắng về tính pháp lý và vai trò chủ đầu tư của dự án

Tại dự án 21 Lê Văn Lương, khách hàng đang lo lắng về tính pháp lý và vai trò chủ đầu tư của dự án

Cận cảnh 11 dự án bị đề xuất thu hồi ở quận Thanh Xuân

(ĐTCK) Trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) hiện có hàng chục dự án đắp chiếu nhiều năm liền, hậu quả của việc doanh nghiệp không đủ năng lực vẫn xin đất để xí phần, gây lãng phí tài nguyên và làm nhếch nhác bộ mặt đô thị.

Tràn lan dự án bỏ hoang

Theo báo cáo mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Thành phố, từ năm 2012 đến hết 2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất, trong đó có 194 dự án được điều chỉnh và 118 dự án triển khai chậm.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 300 dự án triển khai chậm tiến độ đã được rà soát từ trước năm 2012, chủ yếu do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.

Riêng trên địa bàn quận Thanh Xuân, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội ngày 16/5 vừa qua, UBND quận Thanh Xuân cho biết, đến hết năm 2017, địa phương này có 19 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, có 2 dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 11 dự án đã bàn giao đất nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án; 6 dự án có vướng mắc do nguyên nhân khác như chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Trước thực trạng trên, UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã đề xuất UBND TP. Hà Nội thanh tra, thu hồi 11 dự án đã giao đất chậm triển khai trên địa bàn; còn 8 dự án đề nghị chủ đầu tư tích cực triển khai dự án.

Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã giao các Sở, ngành liên quan xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng các lô “đất vàng” quá thời hạn được giao vẫn để đất trống hoặc sử dụng sai mục đích, yêu cầu đơn vị cho thuê sai mục đích phải chấm dứt việc cho thuê và nộp số tiền cho thuê sai mục đích vào ngân sách thành phố. Đối với trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện, đề xuất thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, khi tiến hành kiểm tra, Hà Nội có khoảng hơn 8 triệu m2 đất đai sử dụng chưa hợp lý đất. Việc thu hồi đất đai đã được đặt ra rất nhiều lần và trong nhiều năm vừa qua, nhưng thiếu sự quyết liệt trong xử lý thực hiện. Vì vậy, mới tồn tại thực trạng những khu “đất vàng” đã bị bỏ hoang tới cả chục năm, chính quyền biết nhưng lại chưa thực sự mạnh tay.

Cận cảnh 11 dự án bị đề xuất thu hồi ở quận Thanh Xuân ảnh 1

 Dự án tại 201 Trường Chinh của Hợp tác xã thương mại dịch vụ Cửu Long “biến tướng” thành quán nhậu

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, việc lập dự án “giữ chỗ” ở Hà Nội rất phổ biến và không phải bây giờ mới có. Đặc biệt, giai đoạn 2004 - 2005 khi Hà Nội có chủ trương thu hồi những dự án đất xen kẹt của các hợp tác xã giải thể và di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, các khu đất này trở thành miếng mồi béo bở với nhiều doanh nghiệp bất động sản, thậm chí cả với những doanh nghiệp tay ngang.

“Thủ tục giao đất dễ dãi khiến nhiều doanh nghiệp yếu năng lực, không có kinh nghiệm phát triển dự án vẫn có thể xin đất để xí phần, khiến nhiều dự án sau khi được cấp đất đã bị bỏ hoang cả chục năm trời, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị”, ông An nhấn mạnh.

Những dự án có vết

Trong 11 dự án bị UBND quận Thanh Xuân đề xuất thu hồi có Dự án Tổ hợp nhà ở, văn phòng, siêu thị và nhà để xe tự động tại 109 Trường Chinh do Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà làm chủ đầu tư.

Dự án này có diện tích đất 9.089 m2, mật độ xây dựng 38,5%, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 53.199 m2, không bao gồm tầng hầm. Trong đó, ô số 1 xây dựng tổ hợp nhà ở, văn phòng, dịch vụ, diện tích xây dựng 1.847 m2, cao 29 tầng, 3 tầng hầm. Từ tầng 1 đến tầng 5 bố trí khu dịch vụ thương mại, từ tầng 6 đến tầng 18 bố trí văn phòng, từ tầng 19 đến 29 bố trí căn hộ. Ô số 2 xây dựng nhà để xe tự động và dịch vụ cao 5 tầng, 2 tầng hầm, 4 tầng để xe nổi, diện tích xây dựng 1.231 m2. Tầng 5 diện tích xây dựng 1.584 m2 bố trí khu dịch vụ, vật lý trị liệu, giải khát. Tầng mái bố trí bể bơi, sân tennis.

Mục sở thị dự án án này, chúng tôi không khỏi xót xa cho sự lãng phí tài nguyên đất của Nhà nước. Cả một khu đất với gần 10.000 m2, được giao từ năm 2000, đến nay gần 20 năm, nhưng hiện vẫn chỉ được quây tôn để cỏ mục um tùm phía trong. Một phần dự án trở thành nơi án ngữ tạp nham của máy móc, vật tư, thiết bị xây dựng...

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án này đang bị “siết nợ”, vì Công ty Hồng Hà đã huy động gần 100 tỷ đồng của một đối tác để triển khai, nhưng lại để dự án đắp chiếu. Ngoài ra, Công ty Hồng Hà cũng từng bị dính vào vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại dự án giãn dân phố cổ. Bên cạnh đó, đơn vị này vừa bị Cục Thuế Hà Nội bêu tên nợ tiền thuê đất tại 102 Trường Chinh hơn 10 tỷ đồng.

Cách đó không xa, một dự án khác cũng nằm trong “danh sách đen” đề xuất thu hồi là Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long ở 201 Trường Chinh do Hợp tác xã thương mại dịch vụ Cửu Long làm chủ đầu tư. Dự án được quảng cáo là phần đế chung có chức năng thương mại, siêu thị khai thác dọc theo mặt đường nhằm tối ưu hoá khả năng tiếp cận và quảng cáo. Các sảnh chức năng được bố trí tách biệt, tạo ra khoảng sân nội bộ ngăn cách giữa các khối rõ rệt, giao thông mạch lạc và thuận tiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm trời, mọc lên trên khu đất này hiện nay là một quán nhậu.

Một dự án đáng chú ý khác là Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower ở 21 Lê Văn Lương của Tổng công ty Thành An và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư. Dự án này đã được giao đất từ năm 2009 và đã từng huy động vốn của hàng trăm khách hàng, nhưng để không gần chục năm trời và vừa mới được triển khai lại. Tuy nhiên, hiện nay trên khu đất này xuất hiện dự án có tên mới là Manhattan Tower do Công ty cổ phần Landmark Holding phát triển và bán ra thị trường. Ngoài ra, đây cũng là dự án bị Cục Thuế Hà Nội bêu tên đang nợ 74,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất hồi giữa tháng 3/2018.

(Còn nữa)  

11 dự án bị quận Thanh Xuân đề xuất thu hồi: 

- Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower của Tổng công ty Thành An và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình (số 21 Lê Văn Lương, phường
Nhân Chính);

- Cống hóa mương thoát nước kết hợp bãi đỗ xe của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà số 1 (Ô 11.4 ĐX tuyến đường LHTX, phường
Nhân Chính);

- Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng 18 (Ô 4.2 NO Láng Hạ - Thanh Xuân, phường Nhân Chính);

- Tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở của Công ty Vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (ngõ 105 đường Trường Chinh, phường Phương Liệt);

- Dự án Bệnh viện đa khoa Thanh Xuân của Công ty cổ phần Bệnh viện Thanh Xuân (phường Khương Đình);

- Dự án Đầu tư xây dựng văn phòng làm việc của Công ty cổ phần tập đoàn Austdoor (phường Nhân Chính);

- Dự án trụ sở làm việc của Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp (150 ngõ 72 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình);

- Công ty TNHH MTV Đá quý Việt Nhật Vimico (đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung);

- Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp bán của Tổng công ty phát triển phát thanh truyền hình thông tin
(đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Bắc);

- Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Cửu Long (201 Trường Chinh, phường Khương Mai);

- Khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê của Tổng công ty Thành An (đường Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính).

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan