Ảnh Internet

Ảnh Internet

Cải tạo chung cư cũ: Vẫn “húc đầu vào đá”

(ĐTCK) “Khó như húc đầu vào đá” là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khi bình luận về những khó khăn khi triển khai chương trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm cải tạo các chung cư cũ được kể đến rất nhiều.

Từ thiếu cơ chế đồng bộ, không đảm bảo lợi ích của các bên tham gia, thiếu chế tài mạnh để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đến quy hoạch chung Thủ đô hạn chế chiều cao nhà cao tầng, yêu cầu giảm dân số nội đô...

Chỉ có điều, nguyên nhân đã được chỉ ra, giải pháp cũng đã được đề xuất, nhưng dường như những "hòn đá tảng" ngăn trở tiến độ cải tạo chung cư cũ vẫn chưa được dọn dẹp, mà còn phát sinh những vướng mắc mới.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn còn chậm do vướng mắc lợi ích giữa ba bên là Nhà nước - DN - người dân. Người dân không muốn dời đi do lo ngại không có cơ hội quay về nơi cũ sinh sống, hệ số đền bù thấp, không thỏa thuận được với chủ đầu tư…

Về phía DN, lãnh đạo 1 công ty xây dựng lớn tại Hà Nội cho biết, cũng không mặn mà do việc cải tạo chung cư cũ không sinh lợi cao, không tận dụng được chiều cao không gian. Trong khi đó, Nhà nước thì lại không muốn thay đổi quy hoạch kiến trúc, nên không cho phép xây cao tầng.

Mới đây, có DN đã trình bày kế hoạch khá khả thi trong việc xây mới chung cư cũ, nhưng câu chuyện lại vướng bởi một lý do khác.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Truyền, đại diện CTCP Phát triển năng lượng Sơn Vũ cho biết, công ty ông đang lên kế hoạch triển khai dự án cải tạo chung cư cũ B7b Thành Công. Trên thực tế, kế hoạch ấy đã được tới 96% chủ hộ đồng ý.

Đồng thời, với những công nghệ, vật liệu được áp dụng, DN này khẳng định, không như các đơn vị trước đòi hỏi phải được xây dựng đến 20 tầng, Công ty chỉ cần 10 tầng là có lãi với giá xây dựng không cao hơn 7,5 triệu đồng/m2.

“Công ty còn dự kiến trích từ 3 đến 5 tỷ đồng để làm quỹ bảo trì cho hoạt động của tòa nhà, vì những căn hộ ở đây đã được bán theo Nghị định 61 từ lâu nên không thu được 2% phí như chung cư mới”, ông Truyền cho biết.

Với phương án mà Công ty Sơn Vũ đề xuất, 2/3 số rào cản đến từ DN và người dân đã được tháo gỡ, thế nhưng lại phát sinh vấn đề mới!

Số là đầu tháng 12/2014, Công ty Sơn Vũ đã có văn bản đề nghị Hà Nội cho phép thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ B7b Thành Công. Ngay sau đó, UBND Thành phố đã có công văn yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, câu trả lời của Sở Xây dựng Hà Nội là chưa triển khai được vì… khu vực đó chưa có quy hoạch chung.

Một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội khi trao đổi với Đầu tư Bất động sản đã cho biết, theo Quyết định số 996/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, khu vực nội đô lịch sử bao gồm 4 quận nội thành cũ là Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng và phía Nam quận Tây Hồ.

"Khu vực này sẽ tạm dừng các dự án phát triển nhà ở để chờ quy hoạch tổng thể", vị này nói và cho biết thêm, quy hoạch chi tiết các khu nhà chung cư cũ tại 4 quận nội thành được giao cho một công ty có uy tín xây dựng và đã hoàn thành, đang trình lãnh đạo UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Vậy là DN vẫn phải chờ đợi chưa biết đến bao giờ mới có đủ thủ tục để bắt tay vào việc triển khai. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, phải lập, phê duyệt quy hoạch các khu chung cư theo hướng tổng thể, không làm từng dãy nhà đơn lẻ và xây dựng lại phải theo đúng quy hoạch.

Điều này là chính xác, tránh được sự manh mún. Tuy nhiên, với một cách làm mới đã được đại diện chủ đầu tư và hầu hết cư dân đồng thuận, nên chăng, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu và cho phép thực hiện thí điểm nếu thấy khả thi.

Nếu thành công, hướng triển khai của Công ty Sơn Vũ có thể mở ra một con đường mới, tránh được việc “húc đầu vào đá” để tất cả đều buông xuôi như thực tế cải tạo chung cư cũ bấy lâu nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan