Tại các công trường, nhiều công nhân vẫn chủ quan với tính mạng của mình. Ảnh: Việt Dũng

Tại các công trường, nhiều công nhân vẫn chủ quan với tính mạng của mình. Ảnh: Việt Dũng

Báo động tình trạng tai nạn lao động trong xây dựng

(ĐTCK) Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh của thị trường bất động sản, nhiều công trình dự án được triển khai. Tuy nhiên, do việc quản lý an toàn trong các công trình xây dựng còn thiếu sót, nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn xây dựng nghiêm trọng.

TP.HCM đứng đầu tình trạng tai nạn lao động

Theo số liệu vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 8.251 người bị nạn, trong đó có 862 người chết, 1.952 người bị thương nặng. TP.HCM là địa phương có số vụ và người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2016.

Cụ thể, trong năm qua, tại TP.HCM đã xảy ra 1.721 vụ tai nạn lao động, tăng hơn 196 số vụ so với năm trước, làm 98 người chết và 617 người bị thương nặng.

Trên tổng số các vụ tai nạn lao động trên cả nước, thì lĩnh vực xây dựng để xảy ra nhiều vụ nhất, chiếm gần 24% tổng số vụ và gần 25% tổng số người chết. Phân tích từ các biên bản điều tra các vụ tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; người lao động không được huấn luyện về an toàn lao động, không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động…

Quan sát một số công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ (trên địa bàn quận 9, TP.HCM), phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nhận thấy, phần lớn công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, mũ cối, ít sử dụng mũ bảo hộ, nhiều công nhân làm việc trên tầng cao hàng chục mét, nhưng không có đai bảo vệ.

“Chúng tôi khi đi làm thuê thì chỉ quan tâm làm sao công việc ổn định, chứ an toàn lao động thì chẳng ai để ý. Chủ đầu tư hầu như không quan tâm trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân cũng như nhắc nhở tụi tôi. Với các công trình xây dựng nhỏ, chúng tôi làm quen rồi thì cũng không có nguy hiểm gì, đội mũ bảo hộ lao động, đeo dây đai, vướng víu, mồ hôi ra rất khó chịu”, anh Nguyễn Văn Toàn (36 tuổi, quê Trà Vinh), thợ hồ đang làm việc tại công trình cho biết.

Báo động tình trạng tai nạn lao động trong xây dựng ảnh 1

  Ngày 18/4, tại công trình thi công nhà ở tái định cư nằm trên phường Tam Phú, quận Thủ Đức, do Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh Nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư đã xảy ra vụ sập giàn giao khiến ít nhất 1 người chết và 2 người bị thương

Không chỉ tại công trình này, tại nhiều công trình xây dựng khác, chủ đầu tư hay chỉ huy công trường đều không chấp hành các quy định về an toàn lao động.

“Việc xảy ra tai nạn như dẫm phải đinh hay ngã gẫy chân, gẫy tay là chuyện xảy ra như cơm bữa. Sau mỗi vụ như vậy, chủ thầu chỉ bồi thường chút tiền rồi cho thời gian nghỉ ngơi, bao giờ khỏi lại đi làm bình thường”, anh Cường, công nhân xây dựng tại quận 12 chia sẻ.

Cũng chính vì sự chủ quan, thiếu ý thức mà bỏ qua các quy định về an toàn lao động là nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn lao động chết người thương tâm. Nhiều vụ tai nạn, các sự cố công trình, sự cố từ thiết bị thi công đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đơn cử, như vụ tai nạn sập giàn giáo ngày 18/4 vừa qua tại công trình thi công nhà ở tái định cư nằm trên phường Tam Phú, quận Thủ Đức, do Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh Nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư, khiến ít nhất 1 người chết và 2 người bị thương.

Cần siết chặt công tác quản lý

Theo các chuyên gia, văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của người lao động, cũng như xã hội, được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động, Luật Xây dựng, Luật An toàn vệ sinh lao động. Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện cũng như ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong ngành xây dựng.

Tuy nhiên, các chế tài xử phạt hiện nay vẫn chủ yếu là xử lý hành chính, nên chủ lao động còn “phớt lờ” các quy định hiện hành. Do đó, cần tăng cường công tác thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm, nên xử lý hình sự các vụ việc nghiêm trọng để xảy ra tai nạn lao động chết người.

Trong thời gian tới, các ngành cần có cơ chế giám sát các đơn vị sản xuất kinh doanh, bởi thực tế, công tác chấp hành an toàn vệ sinh lao động ở một số đơn vị chưa nghiêm túc, trong đó công tác tập huấn về đảm bảo an toàn lao động đang rất hạn chế, một số đơn vị chưa trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động; đặc biệt người lao động chưa có ý thức tự bảo đảm an toàn lao động cho bản thân, hơn ai hết người lao động phải ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan