Án lệ đất đai chiếm số lượng lớn

(ĐTCK) Có rất nhiều vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm chưa được giải quyết xong. Việc này khiến đương sự tốn thời gian, chi phí, thậm chí không thể xây dựng, mua bán vì đất đai trong có tranh chấp.

Một trong nhiều nguyên nhân khiến tranh chấp đất đai kéo dài là do quan điểm áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc không thống nhất dẫn đến án kiện xử đi, xử lại, hủy án, giám đốc thẩm...

Chính vì vậy, khi cơ quan có thẩm quyền phát triển án lệ, tỷ lệ các án lệ có liên quan đến đất đai khá lớn. Trong số 6 án lệ được ban hành gần đây nhất, có tới 4 án lệ liên quan đến đất đai.

Đơn cử như án lệ số 14 liên quan đến vấn đề tặng cho bất động sản có điều kiện trên cơ sở vụ kiện liên quan đến hợp đồng tặng cho bất động sản giữa bố mẹ và con cái từ năm 2006 tại Điện Biên. Theo đó, người cha tặng cho quyền sử dụng đất có kèm theo điều kiện con cái phải làm nhà chăm sóc cha mẹ. Hợp đồng tặng cho không ghi rõ điều kiện này nhưng có giấy tờ ủy quyền thể hiện vợ chồng người con có trách nhiệm xây nhà trên đất, có trách nhiệm chăm sóc bố, ông, bà...

Sau khi hoàn tất thủ tục tặng cho thì vợ chồng người con không thực hiện việc xây nhà như đã hứa, dẫn đến người cha khởi kiện đề nghị Tòa án hủy bỏ hợp đồng tặng cho. Vụ kiện qua 2 cấp xét xử và lên tới giám đốc thẩm. Cấp giám đốc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để giải quyết lại từ đầu. Theo đó, mặc dù điều kiện tặng cho không được ghi vào hợp đồng nhưng nếu có các văn bản, giấy tờ khác xác nhận điều kiện thì vẫn được công nhận.

Hay như án lệ số 15, công nhận nội dung thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp. Hai hộ gia đình (ở Hà Nội) đã thỏa thuận miệng về việc đổi đất canh tác từ năm 1992 và sau đó đã kê khai đất, có văn bản thể hiện nội dung hợp tác xã sở tại giao đất cho hai hộ theo vị trí mới. Nhưng sau này một hộ gia đình đã đòi lại đất cũ và khởi kiện đề nghị Tòa án buộc hộ gia đình kia đổi lại đất như cũ.

Vụ kiện này cũng trải qua 2 cấp xét xử nhưng bị đơn vẫn không đồng thuận. Cấp giám đốc thẩm đã hủy cả hai bản án yêu cầu giải quyết lại. Theo đó, có căn cứ xác định việc đổi đất là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của hai bên. Sau khi đổi đất, hai bên đã đăng ký, kê khai được ghi nhận tại Sổ địa chính cho nên cần phải công nhận việc đổi đất dù chỉ là thỏa thuận miệng.

Theo Tòa án Nhân dân tối cao, thời gian qua, cơ quan này đã lựa chọn trong số các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mang tính chuẩn mực của các tòa án để tổng kết, phát triển thành án lệ vận dụng trong công tác xét xử. Các án lệ có giá trị như nguồn luật, đưa ra những nguyên tắc, nền tảng áp dụng cho các vụ việc xảy ra tương tự sau này.

Đồng thời là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai. Việc ban hành các án lệ sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, thúc đẩy giải quyết các vụ án nhanh hơn, tránh tình trạng hủy án dẫn tới kéo dài nhiều năm.

Tại cuộc họp đầu năm 2018 về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng công tác năm 2018 của Tòa án Nhân dân tối cao, Phó chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết, theo quy định hiện hành, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất bằng án lệ. Từ năm 2016 đến nay, Tòa án đã ban hành quy định về việc ban hành án lệ và thực tế đã ban hành 16 án lệ.

Theo ông Tuệ, đối với các trường hợp vụ việc giống án lệ thì phải vận dụng án lệ, nếu không vận dụng án lệ thì bản ánh phải lý giải rõ ràng vì sao không áp dụng.

“Có 76 bản án đã áp dụng án lệ và tới đây Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiếp tục tăng cường rà soát ban hành án lệ đối với những việc pháp luật chưa quy định cụ thể”, ông Tuệ cho biết.     

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan