VDSC: Khuyến nghị tích lũy cho mục tiêu trung hạn đối với PVD
Trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVD – sàn HOSE) là công ty có nhiều lợi thế trong ngành khoan dầu khí trong nước và trên khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên là năng lực điều hành giàn khoan trẻ với hiệu suất hoạt động cao. Thứ hai là khả năng kết nối chương trình khoan để đưa giàn đối tác vào hoạt động trong nước từ đó duy trì được thị phần lớn. Lợi thế quan trọng thứ ba là giá cho thuê giàn và dịch vụ của PVD có độ trễ hơn so với khu vực đồng thời mức độ điều chỉnh giảm giá cũng thấp hơn. Tuy vậy, chúng tôi lo ngại triển vọng không khả quan của giá dầu thô và nguồn cung giàn khoan trong khu vực đã và đang là áp lực lên hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2015 và cả năm 2016. Sau năm 2016, chúng tôi lạc quan hơn với triển vọng hồi phục trong hoạt động kinh doanh của Công ty nhờ nhiều dự án khai thác dầu khí trong nước được triển khai.
Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2015 của công ty đạt lần lượt 16.028 tỷ đồng và 2.041 tỷ đồng (giảm khoảng 16% so với năm 2014). Trong điều kiện chưa đánh giá được tiềm năng của dự án Lô B – Ô Môn đối với hoạt động kinh doanh của PVD, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá tương đối gồm P/E và EV/EBITDA để đưa ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu PVD trong trung hạn. Trong khu vực Đông Nam Á, công ty cạnh tranh trực tiếp với các nhà thầu khoan quốc tế lớn như Seadrill và Transocean nên chúng tôi tính toán mức P/E và EV/EBITDA hợp lý đối với cổ phiếu PVD là khoảng 10,6x và 7,4x. Dựa trên kết quả dự phóng năm 2015 và 2016, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu PVD là 61.700 đồng/cp với khuyến nghị TÍCH LŨY cho mục tiêu TRUNG HẠN. Công ty dự kiến sẽ thực hiện chia cổ phiếu thưởng (15%) và cổ tức tiền mặt (15%) của năm 2014 vào ngày 17/07/2015.