PHS: Nền kinh tế 2017 khó bứt phá mạnh

Nguồn : PHS - CTCK Phú Hưng

Ngành : vĩ mô

Download : baocaovimo2016-v_TMAK.PDF

Kinh tế Việt Nam trong năm 2016 có nhiều dấu hiệu tích cực như cán cân thương mại thặng dư 2,6 tỷ USD trong khi năm 2015 thâm hụt 3,5 tỷ USD và giải ngân FDI đạt 15,8 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự trữ ngoại hối cũng đạt mức kỷ lục trong năm 2016 là 41 tỷ USD, đã hỗ trợ tích cực cho việc ổn định tỷ giá và giúp thị trường ngoại hối có một năm 2016 khá yên ả.

Thêm nữa, 2016 là năm chuyển giao quyền lực bộ máy nhà nước, khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển giúp môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Điều này thể hiện qua việc số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2016 đạt mức kỷ lục với 110.1 nghìn doanh nghiệp.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng cải thiện tích cực thể hiện qua số liệu PMI luôn duy trì trên 50 điểm nhờ mức tăng của số lượng đơn đặt hàng mới với điểm nhấn quan trọng là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng kỷ lục giúp ngành sản xuất tăng trưởng trong suốt năm qua.

Tuy nhiên, nền kinh tế trong năm qua cũng có nhiều điểm kém tích cực trong năm 2016 thể hiện qua việc tăng trưởng có dấu hiệu chững lại với GDP năm 2016 ước tính tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt kế hoạch tăng trưởng 6,7%. Khó khăn này đến từ sự sụt giảm của ngành khai khoáng do giá dầu lao dốc trong năm 2016 và sự sụt giảm của ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết cực đoan.

Không những vậy, diễn biến tiêu cực của thời tiết như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt diễn ra liên tục cũng ảnh hưởng đến đà tăng chung của giá hàng hóa và là một trong những nguyên nhân khiến CPI tăng cao trở lại bên cạnh những yếu tố khác như điều hành của Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí, tăng lương tối thiểu.

Với độ mở ngày càng cao, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều thách thức trong năm 2017 do rủi ro từ những sự kiện mang tính toàn cầu. Tình hình xuất nhập khẩu có thể gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi hậu Brexit và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nền kinh tế lớn đặc biệt là Mỹ sau khi ông Donald Trump lên làm tổng thống.

Kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng tích cực dưới thời Donald Trump cùng với việc FED nâng lãi suất khiến cho USD tăng mạnh, qua đó gây áp lực lên tỷ giá và là một thách thức đối với thu hút FDI.

Định hướng điều hành của Chính Phủ với mục tiêu CPI 2017 tăng dưới 4% khó thực hiện. Giá dầu thô có khả năng hồi phục trong năm 2017 nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của khối OPEC sẽ gây áp lực lên CPI, qua đó gây khó khăn cho việc giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thêm nữa, thâm hụt ngân sách ở mức cao làm cho Chính Phủ khó khăn trong điều hành chính sách tài khóa theo hướng mở rộng để kích thích nền kinh tế.

Do đó, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 khó bứt phá mạnh do chịu áp lực từ những yếu tố rủi ro bên ngoài. Tuy nhiên, nền kinh tế nhiều khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% như Quốc hội đặt ra.