Phân tích cổ phiếu PGS
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 18%cùng kỳ, đạt 178 tỷ đồng chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,3% lên 16%. Trong năm 2013, tỷ trọng khí CNG trong tổng doanh thu tăng lên mức 29,8% từ mức 23,3% trong năm 2012 trong khi CNG là sản phẩm có biên lợi nhuận gộp khá cao 37% (LPG khoảng 12%). Ngoài ra, PGS được giảm 50% thuế TNDN (12,5%) đối với mảng kinh doanh khí CNG trong thời gian 2011-2016.
Chuyển sang vị thế tiền mặt ròng. Do tình hình kinh doanh năm 2013 thuận lợi, PGS đã chuyển từ vị thế nợ ròng 264 tỷ đồng năm 2012 sang vị thế tiền mặt ròng 67,9 tỷ đồng do nợ dài hạn giảm 54,3%cùng kỳ xuống còn 148,4 tỷ đồng. Tổng nợ trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ mức 95,8% xuống còn 57,7%. Kết quả, chi phí lãi vay 2013 giảm 53,3%cùng kỳ còn 54,9 tỷ đồng.
PGS dẫn đầu cung cấp khí LPG tại miền Nam và CNG trên cả nước. Với 108 tổng đại lý, PGS chiếm lĩnh 33% thị phần LPG của cả nước và dẫn đầu các công ty kinh doanh LPG tại miền Nam. Ngoài ra, PGS và công ty con là CTCP CNG Việt Nam (PGS sở hữu 55,2%) hiện chiếm 100% thị phần cung cấp khí CNG trên cả nước.
Năng lực sản xuất kinh doanh lớn. PGS sở hữu 13 trạm chiết nạp khí gas với tổng công suất 7.800 tấn/tháng từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Ngoài ra, PGS cũng đã sở hữu hệ thống trạm nạp CNG cung cấp cho giao thông vận tải và công nghiệp với công suất thiết kế là 150 triệu m3, trong đó riêng PGS có công suất là 80 triệu m3 và công ty con CNG Việt Nam tại KCN Phú Mỹ là 70 triệu m3.
Triển vọng từ mảng kinh doanh khí CNG. Nhu cầu sử dụng khí CNG trong nước ngày càng tăng do khí CNG là loại khí thân thiện với môi trường (giảm 92% lượng CO2 thải ra môi trường) và giá thành CNG thấp hơn khoảng từ 10% đến 30% so với xăng (tính trên cùng đơn vị năng lượng). Với các lợi thế trên, cơ sở khách hàng tiêu thụ CNG của PGS ngày càng tăng lên nhanh chóng với khoảng 50 khách hàng trong Q1/14 từ mức chỉ 3 khách hàng năm 2009.
Định giá. PGS đang được giao dịch tại P/E kỳ vọng 2014 là 8,7x, thấp hơn trung bình ngành khoảng 12,8x.