Niên giám ngân hàng 2015

Nguồn : ĐTCK

Ngành : Ngân hàng

Download : nien-giam-nh-2015_YNXQ.pdf

(ĐTCK)Trong phần này, Đặc san tổng hợp BCTC của 20 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, là những ngân hàng đã công bố BCTC hợp nhất năm 2015 đã kiểm toán trên website của mình. Tuy nhiên, do một số lý do khách quan, chúng tôi đăng tải BCTC tóm tắt của 18 ngân hàng được xếp theo thứ tự ABC. Các BCTC dùng để phân tích không bao gồm BCTC của các ngân hàng 100% vốn nhà nước, 100% vốn nước ngoài, các ngân hàng liên doanh, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Hàng hải, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. HCM, Ngân hàng TMCP An Bình.

Như vậy, có thể nói, các số liệu tổng quan này không phản ánh tình hình hoạt động của cả hệ thống ngân hàng, nhưng theo chúng tôi, chúng cũng cung cấp những giá trị nhất định cho quý bạn đọc.

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu, trong đó bao gồm vốn điều lệ, là cơ sở và cũng là điều kiện để một NHTM xác định quy mô hoạt động của mình. Nói cách khác, quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng chi phối quy mô tổng tài sản của ngân hàng, dĩ nhiên là còn bị giới hạn bởi các tỷ lệ an toàn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tính đến cuối năm 2015, tổng vốn chủ sở hữu của 20 ngân hàng được tập hợp của Đặc san này là 304.841 tỷ đồng, tăng 10,38% so với cuối năm 2014, đặc biệt là trong các ngân hàng trong Top 10 do các một số ngân hàng trong nhóm này nhận sáp nhập ngân hàng, công ty tài chính khác trong năm vừa qua. Do vậy, riêng 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất chiếm gần 81,71% tổng vốn chủ sở hữu của 20 ngân hàng.

Cụ thể, trong năm 2015 tăng vốn chủ mạnh nhất là VPBank, tăng hơn 49%, tương đương 4.409 tỷ đồng, từ 8.980 tỷ đồng, lên 13.389 tỷ đồng; MB tăng hơn 35%, tương đương 6.035 tỷ đồng, từ 17.148 tỷ đồng, lên 23.183 tỷ đồng, BID tăng gần 26%, tương đương 8.729 tỷ đồng, từ 33.606 tỷ đồng, lên 42.335 tỷ đồng; Bắc Á Bank cũng tăng vốn thành công trong năm 2015, giúp vốn chủ tăng thêm 890 tỷ đồng, tương đương 21,6%, từ 4.122 tỷ đồng, lên 5.012 tỷ đồng.

Các vị trị dẫn đầu trong Top 10 không nhiều thay đổi, ngoại trừ việc VPBank lọt vào danh sách với vị trí thứ 7, trong khi Sacombank không có mặt vì không có dữ liệu do xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính kiểm toán. 

Nợ phải trả

Thông thường, ngân hàng nào có quy mô vốn chủ sở hữu càng lớn thì ngân hàng đó càng có điều kiện để (nhưng không nhất thiết) huy động thêm vốn vay, nợ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, dù có sự hoán vị trí, nhưng Top 10 những ngân hàng có tổng nợ phải trả nhiều nhất cũng bao gồm những ngân hàng có vốn chủ sở hữu nhiều nhất.

Hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả là một trong những thước đo về khả năng thanh toán của ngân hàng và xét ở góc độ này, thì Top 10 về vốn chủ sở hữu không phải là 10 ngân hàng có khả năng thanh toán tốt nhất. Hệ số này tính bình quân cho 20 ngân hàng là 8,66% ở thời điểm cuối năm 2015, giảm so với mức 8,98% ở thời điểm cuối năm 2014 và các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu, cũng như nợ phải trả lớn nhất có hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả dao động gần với các mức bình quân này, ngoại trừ VPBank và MB trên 11,7%.

Chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả của các ngân hàng là Tiền gửi của khách hàng. Trong năm 2015, tổng tiền gửi của khách hàng của 20 ngân hàng là 3.103.074 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2014, góp phần quan trọng vào việc tăng tổng nợ phải trả thêm 17,18%. 

Tài sản

Khi những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng là ngân hàng có nợ phải trả lớn nhất, thì đương nhiên đó cũng là những ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất. Giống như cơ cấu vốn chủ sở hữu, Top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất cũng chiếm hơn 84,78% tổng tài sản của 20 ngân hàng: 3.753.984 tỷ đồng so với 4.427.393 tỷ đồng. 9/10 ngân hàng trong Top 10 này đều tăng tài sản so với năm 2014, ngoại trừ Eximbank giảm 22%. 

Kết quả kinh doanh

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2015 của 20 ngân hàng tăng 4.906 tỷ đồng, tương đương tăng 15,75%, so với năm 2014, lên 36.060 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh 21.792 tỷ đồng, tương đương tăng gần 25%; lãi từ hoạt động khác cũng tăng rất mạnh 3.147 tỷ đồng, tương đương tăng 40,7%... Do đó, dù dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng năm qua tăng khá mạnh, 6.292 tỷ đồng, tương đương tăng 23,5%, nhưng do các nguồn thu khác tăng tốt, nhất là từ thu nhập lãi thuần chiếm tới 82% tổng thu nhập, nên lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng tốt trong năm vừa qua.

Nếu xét về hiệu quả hoạt động, đối với cổ đông của các ngân hàng TMCP, chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là có ý nghĩa nhất và sau cùng. Theo chỉ tiêu này, VPBank là ngân hàng đứng đầu với 3.072 đồng và cũng là ngân hàng có mức tăng EPS tốt nhất năm qua với mức tăng 79,4%, dù vốn điều lệ cũng tăng mạnh (26,9%). Một ngân hàng khác cũng có mức tăng EPS khá tốt trong năm 2015 là Techombank với mức tăng 41,9%, từ mức 974 đồng, lên 1.382 đồng.

 Tải tài liệu báo cáo tài chính của 25 Ngân hàng tại đây