MSI: Khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu QNS
Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành thực phẩm và đồ uống tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chế biến thực phẩm tăng 12,9% yoy, sản xuất đồ uống tăng 10,1% so với cùng kỳ và chỉ số tồn kho đã giảm được 6%.
Ngành thực phẩm và đồ uống được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới do (1) thu nhập tăng nên người tiêu dùng tăng chi tiêu, (2) quy mô dân số lớn với cơ cấu dân số trẻ, (3) hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng, (4) các chủng loại sản phẩm ngày càng phong phú với chất lượng và số lượng ngày càng cao...
Là một doanh nghiệp có thâm niên hoạt động đa ngành nghề trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hiện CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS) đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chính của mình gồm: (1) Sữa đậu nành Fami và Vinasoy, (2) Đường An Khê và Phổ Phong, (3) Nước khoáng Thạch Bích, (4) Bia Dung Quất, (5) Bánh kẹo Biscafun.
Trong đó, nhãn hiệu sữa đậu nành Fami và Vinasoy đạt thành công lớn nhất khi được biết đến như cái tên dẫn đầu trong ngành sản xuất sữa đậu nành bao bì giấy khi chiếm đến 84,2% thị phần cả nước trong năm 2015, vượt xa và áp đảo các đối thủ khác. Không những thế, các dòng sản phẩm sữa đậu nành cũng đóng góp phần lớn nhất trong cơ cấu doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của QNS.
Trong năm 2016, QNS đã hoàn thành dự án mở rộng nâng công suất ép của nhà máy đường An Khê là 18.000 tấn mía/ngày với tổng vốn đầu tư là 1.653,2 tỷ đồng, diện tích đất là 301.557,1 m2.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đã triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện sinh khối An Khê công suất 95MW với vốn đầu tư là 1.900 tỷ đồng sử dụng bã mía thừa làm nguyên liệu đốt tạo năng lượng sạch, an toàn và thân thiện môi trường, phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nhà máy An Khê và hòa vào lưới điện Quốc gia. Đây là kế hoạch khai thác chuỗi giá trị ngành đường của doanh nghiệp, giúp ổn định giá trị cây mía trong vùng nguyên liệu, hỗ trợ người nông dân và giải quyết được nhiều vấn đề khác.
Công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định qua thời gian dài hoạt động với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ròng trung bình giai đoạn 2012 - 2015 là 24,1%. Biên lợi nhuận gộp qua các năm dao động trong mức 27 - 30%, cao hơn tỷ suất lợi nhuận gộp của các Công ty khác cùng ngành. Biên lợi nhuận ròng luôn được duy trì quanh mức 14%. Bên cạnh đó, QNS còn có tiềm lực tài chính vững chắc.
Tính đến cuối tháng 9/2016, lượng tiền và tương đương tiền của Công ty là 294 tỷ đồng và 1.594,7 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, nợ vay ngắn hạn và dài hạn chỉ bằng 23,9% tổng tài sản và đang có xu hướng giảm dần.
Cổ phiếu QNS đang được giao dịch thấp hơn giá trị thực tế với P/B là 4,5x và P/E Trailing là 13,0x, thấp hơn 15,4% so với P/E thị trường 15,4X. Theo phương pháp định giá Tổng các giá trị thành phần (Sum-of-the-Parts), giá trị hợp lý của cổ phiếu QNS là 123.740 đồng/cp, 30% cao hơn thị giá hiện tại.