MBS: Ngành săm lốp cạnh tranh ngày càng khốc liệt
- Chi phí đầu vào tăng cao. Cao su thiên nhiên, cao su nhân tạo và than đen là các nguyên liệu chính để sản xuất săm lốp. Sau khi tạo đáy vào cuối năm 2016, giá các mặt hàng hóa cơ bản đã tăng trở lại trong năm 2017.
Theo thông tin từ ANRPC (Hiệp hội các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên thế giới), giá cao su thiên nhiên sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới và khó có thể giảm lại trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh.
Giá cao su tổng hợp được làm từ dầu mỏ cũng đã tăng mạnh trong năm 2017 và được các tổ chức tài chính nhận định sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018 do nhu cầu có xu hướng tăng cao, trong khi các nước xuất khẩu dầu mỏ lại cắt giảm sản lượng.
- Áp lực cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc), Kenda (Đài Loan)… Các doanh nghiệp FDI thời gian vừa qua liên tục mở rộng nhà máy, gia tăng công suất sản xuất.
Ngoài thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cạnh tranh lớn từ săm lốp nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn trong những năm gần đây là rất cao, khiến các doanh nghiệp nội địa phải chạy đua giảm giá bán, tăng chiết khấu, khuyến mại để giữ thị phần.
- Thách thức hội nhập quốc tế Theo quy định của Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2012-2014, mức thuế suất nhập khẩu với sản phẩm săm lốp tùy từng chủng loại nhập từ Trung Quốc từ 10-25% và 0- 5% với sản phẩm nhập từ ASEAN.
Tuy nhiên, đến năm 2018, các loại thuế suất sẽ tiến về 0% và lốp xe nội địa sẽ phải cạnh tranh công bằng với lốp xe nhập khẩu. Các sản phẩm lốp Radial của nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam với mức giá ngày càng hấp dẫn.